Sáng ngày 3/2/2021, ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã thông tin về kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến các đoàn Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Cùng chủ trì cuộc họp có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao...
THÔNG QUA 5 VĂN KIỆN QUAN TRỌNG
Tại cuộc họp, ông Hoàng Bình Quân thông tin, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021 tai Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức thành 67 đoàn đại biểu. Sau 8 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo" và với ý thức cao trước Đảng, nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã hoàn thành tốt đẹp toàn bộ nội dung chương trình, đề ra.
Đại hội có Phiên trù bị 01 ngày (ngày 25/01) để thông qua Chương trình, Quy chế làm việc, Quy chế bầu cử, bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu, thông qua Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu. Phiên chính thức họp từ ngày 26/01 đến 01/02: Thảo luận và thông qua các văn kiện, thảo luận về nhân sự và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.
Đại hội đã thảo luận sôi nổi, thắng thắn, dân chủ và nhất trí cao thông qua 5 văn kiện quan trọng, gồm: (i) Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng (đây là văn kiện trung tâm của Đại hội); (ii) Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; (iii) Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; (iv) Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII; (v) Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII (trình Đại hội XIII).
Tại các cuộc thảo luận tại Đoàn, đã có 788 lượt ý kiến phát biểu; không khí thảo luận dân chủ, sôi nổi, cởi mở với trách nhiệm chính trị cao để đóng góp cho các văn kiện. Tại các phiên thảo luận tại Hội trường, có 36 tham luận của các đại biểu về nhiều chủ đề, lĩnh vực, phân tích, đánh giá làm sâu sắc hơn và đóng góp cho dự thảo các văn kiện.
Các văn kiện được thông qua tại Đại hội XIII lần này được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, là kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Các văn kiện đã tổng kết sâu sắc các vấn đề lý luận và thực tiễn, đề ra tầm nhìn, đường lối, chủ trương và các giải pháp lớn để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới. Tới đây, toàn bộ văn kiện Đại hội sẽ được dịch sang 7 thứ tiếng.
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU TỔNG QUÁT TRONG NHIỆM KỲ 2021- 2025
Thông tin về các nội dung chủ yếu của các văn kiện Đại hội, ông Quân cho biết: Đại hội thống nhất cao chủ đề của Đại hội XIII, đồng thời cũng là chủ đề của Báo cáo chính trị là: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa".
"Chủ đề của Đại hội là một nội dung rất quan trọng của Báo cáo chính trị, chứa đựng những tư tưởng, quan điểm chủ yếu của toàn bộ nội dung của các văn kiện của Đại hội, hàm chứa một thông điệp chính trị mạnh mẽ và lời kêu gọi hành động đối với toàn Đảng, toàn dân. Cho nên chúng tôi đã thảo luận rất kỹ và đạt sự thống nhất cao", Trưởng Ban đối ngoại nói.
Điểm nhấn quan trọng trong các văn kiện thông qua tại Đại hội XIII là xác định tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới. "Chúng tôi không chỉ hoạch định đường lối phát triển đất nước đến năm 2025 mà còn hoạch định đường lối, tầm nhìn dài rộng hơn đến năm 2030 và năm 2045. Đây chính là điểm mới rất quan trọng của Đại hội lần này" - ông Quân nhấn mạnh.
Đại hội xác định mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo là: nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cẩm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, ông Hoàng Bình Quân cho biết: trong giai đoạn từ nay đến năm 2045, Đại hội xác định tầm nhìn phát triển hướng đến các mục tiêu cụ thể, theo từng mốc thời điểm.
Đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại hội cũng đã thông qua các chỉ tiêu chủ yếu để định hướng sự phát triển đất nước trong giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn tới.
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 – 5.000 USD.
Về xã hội: Đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2025 dưới 4%; tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1- 1,5% hằng năm; ti lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi.
Về môi trường: Đến năm 2025, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95% - 100%, nông thôn là 93-95%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%.
Để thực hiện thành công tầm nhìn phát triển đã đề ra, Đại hội xác định 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, cụ thể hóa ở hệ thống 06 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và bổ sung nội hàm của 03 đột phá chiến lược cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.
NHẤT QUÁN ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ
Về chủ trương, chính sách đối ngoại, Đại hội XIII khẳng định chủ trương chung là tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi.
Theo đó, nhiệm kỳ này Việt Nam sẽ kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh đối ngoại song phương và nâng tầm đối ngoại đa phương. Nâng cao năng lực hội nhập, nhất là cấp vùng và cấp địa phương; doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập quốc tế mang lại, nhất là các FTA đã ký kết. Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt và hiệu quả, tích cực triển khai các cam kết quốc tế.
Việt Nam cũng sẽ mở rộng quan hệ và đầy mạnh hợp tác với các lực lượng chính trị, xã hội và nhân dân các nước, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Việt Nam sẽ chủ động đẩy mạnh ngoại giao quốc phòng và an ninh; tăng cường ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, mở rộng và nâng cao ngoại giao văn hóa, đóng góp vào quảng bá hình ảnh đất nước - ông Quân thông tin.
KẾT QUẢ BẦU CỬ NHÂN SỰ LÀ MỘT THÀNH CÔNG CỦA ĐẠI HỘI
Về công tác nhân sự, theo ông Hoàng Bình Quân, kết quả bầu cử nhân sự là một thành công của Đại hội. Đại hội đã bầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội là Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII), gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Kết quả bầu cử đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí đề ra và đúng Quy chế bầu cử của Đại hội XIII
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho biết, trong số 200 ủy viên Trung ương được bầu, có 19 cán bộ nữ. Kết quả này là sự nỗ lực và cố gắng lớn. "Chúng tôi luôn có chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nhưng quá trình này không đơn giản. Lần này có 19 ủy viên trung ương là nữ cũng được xem là nỗ lực, cố gắng", ông Quân nói.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ngày 31/1, Ban Chấp hành Trung ương (khoá XIII) đã bầu Bộ Chính trị gồm 18 người, bầu Ban Bí Thư Trung ương Đảng gồm một số gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 05 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là ông Trần Cẩm Tú.
"Ngài Nguyễn Phú Trọng đã được tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với tín nhiệm rất cao, gần như tuyệt đối tại Đại hội cũng như tại hội nghị Trung ương lần thứ nhất. Đây là kết quả rất tuyệt vời, thể hiện mong muốn của toàn Đảng toàn dân, cho thấy người đứng đầu rất có uy tín trong Đảng, trong dân", Trưởng Ban đối ngoại nói.
Post a Comment