Với những người lao động xa xứ, vì cuộc sống mưu sinh, đặc biệt năm nay trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, nhiều người không thể trở về Việt Nam sum họp với gia đình.

Sang Hàn Quốc làm việc từ giữa năm 2019, đây là cái Tết thứ hai xa nhà đối với anh Nguyễn Văn Tiến (Thanh Hóa) đang làm việc tại một công ty sản xuất phụ tùng ô tô tại Busan (Hàn Quốc). Anh nói rằng dù không phải cái Tết đầu tiên bên xứ người song cảm giác nhớ nhà vẫn y nguyên vào mỗi dịp Tết đến.

Anh Tiến cho biết, nếu như dịp Tết này ở Việt Nam mọi người được nghỉ dài ngày thì bên Hàn Quốc công ty nơi anh làm việc chỉ được nghỉ 2 ngày vào 30 và mùng 1 Tết.

Năm nay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ Hàn Quốc khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, vì thế anh Tiến cho biết nhóm bạn của anh sẽ tranh thủ gặp mặt và chỉ tổ chức một bữa cơm tất niên nho nhỏ cùng nhau đón năm mới. "Anh em bên này cũng chuẩn bị được ít bánh chưng mua ở cửa hàng của người Việt, dù không được tươm tất như ở nhà nhưng cũng ấm áp hơn rất nhiều", anh Tiến chia sẻ.

Theo anh Tiến, năm vừa qua có lẽ là năm khó nhăn nhất của những lao động Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập cũng bị giảm. Vì thế, ngày nghỉ Tết ít ỏi là dịp để mọi người gặp nhau cùng chia sẻ và hy vọng năm 2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công việc sẽ ổn định hơn.

Cùng chung cái Tết xa xứ, anh Trương Văn Định, kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc tại Nhật Bản cũng lỡ hẹn về đón Tết ở Việt Nam do dịch bệnh các chuyến bay thương mại chưa mở lại nên không thể về quê.

Đây là cái tết thứ 4 của anh Định tại Nhật Bản nên cảm giác nhớ nhà vào mỗi dịp Tết cũng vơi đi, hơn nữa công ty nơi anh làm việc có nhiều đồng nghiệp là người Việt Nam nên mọi người thường xuyên chia sẻ, động viên nhau. Theo anh Định, năm nay Tết rơi vào giữa tuần, không phải ngày nghỉ của Nhật Bản nên anh và đồng nghiệp vẫn đi làm.

"Tối 30 Tết, sau khi xong việc cả nhóm sẽ chuẩn bị cơm tất niên. Vì không có thời gian, các nguyên liệu để gói bánh chưng đều đắt nên mấy anh em rủ nhau mua bánh gói sẵn, tính ra khoảng 200.000 đồng tiền Việt mỗi cái, sau đó sẽ chuẩn bị thêm một số món truyền thống như giò lụa, chả nem, bữa cơm tuy đơn giản nhưng cũng phần nào vơi bớt nỗi nhớ nhà", anh Định nói.

Lao động Việt nơi xa xứ đón Tết như thế nào? - Ảnh 1.

Bữa cơm tất niên đơn giản của những lao động Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh - NVCC.

Sang Nhật Bản từ cuối tháng 12/2020, với chị Nguyễn Thị Hạnh, điều dưỡng viên đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở Osaka (Nhật Bản), năm nay là cái Tết đầu tiên xa quê nên chị Hạnh vẫn chưa vơi nỗi nhớ nhà. Theo chị Hạnh, văn hóa ở đây khác Việt Nam, người Nhật Bản đón năm mới theo lịch của phương Tây.

Do đó, chỉ có những người Việt như chị Hạnh mới khao khát nhớ đến cái Tết ở quê, hơn nữa Tết ở Việt Nam dịp này không trùng với kỳ nghỉ nào của Nhật Bản, do đó hầu hết mọi người vẫn phải đi làm.

Công việc chăm sóc các cụ già ở viện dưỡng lão luôn bận rộn nên năm nay chị Hạnh nói đã chuẩn bị ít bánh chưng và cùng một vài người bạn Việt Nam tranh thủ đón Tết luôn ở viện. "Mỗi khi chăm sóc các cụ tôi lại nhớ đến hình ảnh bố mẹ mình ở quê, trong khi mình không thể ở gần để chăm sóc. Dù ở đây mọi thứ rất tiện nghi nhưng không thể vơi bớt nỗi nhớ nhà được, nhất là dịp Tết nghĩ đến cảnh cả nhà ở quê quây quần, nhưng năm nay mình chỉ có thể nói chuyện qua zalo với gia đình", chị Hạnh ngậm ngùi.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), hiện có khoảng 580.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại các thị trường như: Đài Loan (230.000) người, Nhật Bản (gần 230.000) người, Hàn Quốc có gần 50.000 người…

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, hàng năm cận Tết, Cục đều có công văn gửi các doanh nghiệp phái cử thực hiện chăm lo Tết cho lao động đang làm việc ở nước ngoài. Mục tiêu là vừa có thể chăm lo Tết cho lao động, để lao động yên tâm đón Tết, vui xuân mà vẫn đảm bảo an toàn.

Theo ông Liêm, những năm trước, khi các chuyến bay chưa hạn chế, người thân và cả doanh nghiệp tại Việt Nam có thể gửi quà cho lao động ở nước ngoài, nhưng năm nay do dịch bệnh, số chuyến bay bị cắt giảm bớt, vì thế việc gửi quà biếu, tặng lao động cũng gặp khó khăn hơn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top