Dư lực từ phiên cuối tuần trước giúp phiên sáng nay khá tích cực. VN-Index có lúc tăng tới 20 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng vào một phiên tăng tốt sau khi bắt đáy vào 2 phiên cuối tuần trước. Chỉ số tăng cao nhất tới 1.074,52 điểm, trên tham chiếu 1,7%.
Đến cuối phiên sáng, dù có nhịp giảm mạnh song lực bắt đáy cũng đã đỡ được thị trường đưa VN-Index chốt 1.058,13 điểm, tăng 1,52 điểm (0,14%) với 37 mã sàn, 350 mã giảm trên 89 mã tăng giá trên HSX sáng nay.
Tuy nhiên sang chiều, lực bán quay lại mạnh hơn, HSX ghi nhận số lượng các mã giảm tăng mạnh hơn với 101 mã sàn và 369 mã giảm giá. Phản ứng trên thị trường cho thấy thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn mới bắt đầu "ngấm" dần kéo các mã trở về giá trị thực.
ROS từ sáng nay đã có hơn 72 triệu cổ phiếu chất bán sàn. Doanh nghiệp này vừa báo cáo lợi nhuận sau thuế quý 4 sụt giảm 35% và lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 chỉ đạt 2 tỷ đồng tương đương giảm tới 98% so với năm trước.
Chưa dừng lại ở đó, đến phiên ATC, hơn 21,5 triệu cổ phiếu ROS tiếp tục được chất bán ở giá tham chiếu. Như vậy, hơn 16% cổ phần công ty đã được kê ra bán chỉ trong một phiên.
Cùng nhà với ROS, các mã như FLC - KLF – ART cũng thi nhau nằm sàn. Trong bối cảnh này, Chủ tịch FLC - ông Trịnh Văn Quyết đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu FLC từ ngày 4/2/ đến 5/3.
Bộ đôi HNG - HAG giảm mạnh trong phiên hôm nay với mức giảm kịch sàn cũng cho thấy phản ứng của thị trường về thông tin tiêu cực trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
SAB quay lại tăng trần hỗ trợ lớn cho đà tăng của chỉ số. Đóng góp lớn hôm nay còn ghi nhận công lao lớn từ VIC khi góp hơn 2,3 điểm vào chỉ số. Dù VHM và VRE vẫn đang giảm giá song VIC lại có một phiên tăng tốt trong bối cảnh kết quả kinh doanh vừa được công bố.
Ở nhóm ngân hàng, các mã còn giữ sắc xanh cho đến cuối phiên chỉ có CTG, TCB, VPB và EIB. Ở EIB, mã này có tiền lệ đặt lệnh lớn ở phiên ATC nhờ đó kéo tăng thị giá của cả phiên, như phiên hôm nay, lô 151.700 cổ phiếu được đặt ở mức giá cao nhất là 17.500 đồng đã kéo giá chốt phiên tăng 3,85%.
Các cổ phiếu lớn giao động mạnh trong phiên hôm nay với thị giá được đảo chiều liên tục. Nếu đầu phiên chiều, trong nhóm ngân hàng còn phân hóa mạnh khi VCB, CTG, TCB, VPB tăng tốt và các cổ phiếu khác lại sụt giảm không nhỏ như MBB, STB thì diễn biến này không được duy trì cho đến cuối phiên.
Ví như VCB đầu phiên còn góp vào sự tăng trưởng của Vn-Index và có lúc cao nhất tăng đến 3,2% thì đến cuối phiên lực bán mạnh đưa mã này chốt giảm 2% và trở thành mã có lực tác động mạnh thứ 2 kéo chỉ số giảm gần 2 điểm.
TCB và TPB là hai mã có nhịp tăng tốt nhất trong nhóm VN30 hôm nay khi biên độ tăng có lúc lên trên 4%, tuy nhiên chốt phiên, TCB chỉ còn tăng 0,6% còn TPB giảm 2,4%. Việc đảo chiều liên tục còn diễn ra ở các mã lớn như HDB, POW, NVL đưa những mã này giảm dưới tham chiếu bất chấp đã có nhịp tăng tốt trong phiên.
SSI và TCH là hai mã nằm sàn trong VN30 hôm nay bên cạnh các mã giảm gần kịch sàn khác là MWG, KDH, STB và VRE.
Chốt phiên VN-Index giảm 2% (-21,1 điểm) về 1.035,51 điểm. HNX-Index giảm 2,51% 9-5,37 điểm) về 208,85 điểm.
Nước ngoài tiếp tục có một phiên mua ròng tuy nhiên giá trị mua ròng chỉ đạt 180,53 tỷ đồng. Sau loạt phiên bán HPG liên tục, hôm nay khối ngoại đã trở lại mua ròng mã này với 2,25 đơn vị tương đương 86 tỷ đồng. FUEVFVN, VRE và POW cũng được gom mua trong hôm nay.
Ở chiều ngược lại, ngay trong phiên đầu tiên vào rổ VN30, BVH bị bán ròng mạnh với giá trị cao nhất là 48 tỷ đồng. Các cổ phiếu nằm sàn như LDG, HAG, HCM, TDC cũng được khối ngoại xả ra trong phiên hôm nay.
Thanh khoản hôm nay giảm mạnh khi tổng giá trị giao dịch trên HSX chỉ đạt 13.525 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên cuối tuần trước. Khối lượng khớp lệnh trên HSX chỉ đạt 588 triệu đơn vị với giá trị 12.287 tỷ đồng. Đây là mức khớp lệnh thấp nhất 4 tuần qua.
Thanh khoản thấp nhưng giá cổ phiếu lại giảm rất mạnh: 131 cổ phiếu giảm hết biên độ trên cả hai sàn, khoảng 322 cổ phiếu giảm trên 2%. Điều này thể hiện áp lực bán đã không tìm được lực cầu đủ tốt nên phải hạ giá xuống rất sâu.
Phiên đảo chiều quá nhanh hôm nay khiến nhà đầu tư bắt đúng đáy ngay cả khi để sang T+1 cũng không còn lời lãi bao nhiêu. Phiên ngày 29/1 vừa qua biên độ dao động giá rất rộng và nhiều mã kịch trần. Nếu nhà đầu tư đua giá trần thì thậm chí T+1 còn lỗ. Tốc độ đảo chiều nhanh cũng khiến nhà đầu tư bắt đáy phải chờ T+3 gần như đối mặt với khoản lỗ. Đây sẽ là sức ép dồn lại trong những phiên tới.
Post a Comment