"Trải qua 2 làn sóng Covid-19, nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy thị trường bất động sản đang dần phục hồi và phát triển", ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với VnEconomy nhân dịp năm mới Tân Sửu.

Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều khó khăn. Bất động sản có phải ngoại lệ không, thưa ông?

Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam và hầu khắp các nước trên thế giới đều phải trải qua đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, tuy Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn chịu nhiều ảnh hưởng.

Dưới tác động của đại dịch, hoạt động vận tải, du lịch, dịch vụ... là những lĩnh vực lập tức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản chịu sự tác động sau và mới chỉ có sự ảnh hưởng tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường. Riêng bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng là loại hình sớm chịu nhiều ảnh hưởng và bị ảnh hưởng nặng nề.

Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ nhất diễn ra trên diện rộng nhưng đến nửa cuối quý II, Chính phủ và các địa phương đã tích cực chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp và đã kiểm soát tốt, đồng thời có những chính sách thúc đẩy để vực dậy nền kinh tế. Sau khi nới lỏng và gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế xã hội dần được khôi phục. Doanh nghiệp bất động sản cũng nhanh chóng thích ứng, bám sát chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từng bước hoạt động trở lại.

Trong đầu quý III, dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại nhưng chỉ tác động cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là Đà Nẵng và đã sớm được khoanh vùng, kiểm soát. Đợt dịch này diễn ra trong thời ngắn, tác động không nhiều đến các hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, cũng tạo ra tâm lý thận trọng, làm chậm lại đà phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.

Song có thể thấy, dù dịch bệnh, lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản cả nước vẫn ghi nhận những điểm tích cực và các chỉ số đáng kể. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh bất động sản đã có tiến triển tốt hơn, sôi động hơn và có những tín hiệu lạc quan, tích cực. Càng về cuối năm, thị trường càng cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, năm nay là năm "khó chồng khó" với họ, và khó khăn lớn nhất đến từ những vướng mắc về thủ tục hành chính. Ông nghĩ sao về điều này?

Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đang từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật, làm cản trở thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai thực hiện. Đến nay cũng chưa có quy định cụ thể (như điều kiện huy động vốn, mẫu hợp đồng mua bán...) đối với các bất động sản đặc thù như bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng – lưu trú (condotel, office, resort villa), bất động sản hạ tầng, bất động sản công nghiệp.

Bên cạnh đó, khó khăn của các doanh nghiệp còn đến từ chính những bất cập trên thị trường, từ cách nhìn, hướng đi thiếu phù hợp của không ít doanh nghiệp. Ví như, giá nhà ở, đặc biệt là tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Vẫn còn tình trạng thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua. 

Tính minh bạch của thị trường, từ hoạt động đầu tư, tạo lập bất động sản đến hoạt động giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê vẫn còn hạn chế. Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn chưa hoàn chỉnh và bị phân mảnh, do nhiều cơ quan quản lý. Vì thế, dễ gây mất niềm tin của người tiêu dùng.

Tình trạng đầu cơ, thổi giá còn diễn ra khá phổ biến, nhiều tổ chức, cá nhân môi giới không được đào tạo, thiếu chuyên nghiệp khiến cho hoạt động của thị trường bất động sản thiếu ổn định. Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Chưa nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện huy động vốn thông qua chứng khoán, trái phiếu.

Đặc biệt, cơ cấu sản phẩm bất động sản tại một số địa phương, khu vực còn chưa phù hợp: nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. Từ đó khiến lượng sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid 19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể.

Vậy, ông nhận định thế nào về diễn biến của thị trường bất động sản trong năm 2021?

Mặc dù trải qua 2 làn sóng Covid-19, nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy, thị trường bất động sản đang dần phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nhà ở, trong đó có nhà ở giá rẻ... vẫn rất lớn. Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp vẫn có thể coi là điểm sáng của thị trường bởi nhiều nguyên do như: một số hiệp định thương mại tự do có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam...

Ngoài ra, một số giải pháp, cơ chế, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản được đề ra và ban hành từ 2020 đã hoặc bắt đầu có hiệu lực từ 2021 (gồm: Luật Đầu tư sửa đổi 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Nghị định 25/2020/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi một số điều của các nghị định thi hành Luật Đất đai...).

Cùng với đó là hàng loạt nghị định do Bộ Xây dựng nghiên cứu trình Chính phủ như: Nghị định về quản lý đầu tư xây dựng; Nghị định quản lý chất lượng công trình xây dựng... để hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng sửa đổi 2020; Sửa đổi nghị định 99/2015/NĐCP; Nghị định 100... sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc tồn đọng đối với các dự án từ năm 2019 trở về trước. Từ đó thúc đẩy sự phát triển lành mạnh cũng như làm sôi động thị trường bất động sản thời gian tới.

Về lâu dài, để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện các giải pháp gì?

Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện thông thoáng, phù hợp thông lệ quốc tế để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường bất động sản. Cụ thể là nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng: tăng cường vai trò định hướng, quản lý, điều tiết thị trường bất động sản của Nhà nước đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Các bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định và báo cáo đầy đủ thông tin đến cơ quan quản lý nhà và thị trường bất động sản. Bổ sung quy định quản lý kinh doanh đối với các loại hình bất động sản mới, đặc thù như bất động sản du lịch – lưu trú, bất động sản hạ tầng, bất động sản công nghiệp như: điều kiện huy động vốn, mua bán bất động sản hình thành trong tương lai, mẫu hợp đồng giao dịch... Bổ sung, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia giao dịch bất động sản, phải báo cáo thông tin đến cơ quan quản lý nhà và thị trường bất động sản khi thực hiện giao dịch bất động sản.

Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, đảm bảo cung cấp công khai, đầy đủ, kịp thời thông tin để thị trường hoạt động ổn định, lành mạnh.

Bộ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thành các chính sách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp. Qua đó, tạo nhiều nguồn cung nhà ở giá thấp phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân đô thị để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp và điều chỉnh cơ cấu bất động sản nhà ở.

Tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản thông qua việc thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương phải tăng cường công tác quản lý, chủ động kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường bất động sản phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Kịp thời ngăn chặn, không để thị trường bất động sản xảy ra tình trạng "sốt nóng" hay "đóng băng" ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự xã hội.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top