Cụ là Nguyễn Đình Phương (sinh năm 1912) ở xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm nay, cụ Phương đã 105 tuổi nhưng cụ còn khỏe mạnh và minh mẫn.
Đôi chân cụ Phương mang đặc trưng của bàn chân Giao Chỉ
Người có bàn chân Giao Chỉ thọ nhất
Những người Việt có đôi bàn chân Giao Chỉ không phải là hiếm gặp. Tôi từng được biết đến những người có đôi bàn chân Giao Chỉ như ông Nguyễn Cảnh Thanh ở xóm 10, xã Thanh Hưng (Thanh Chương – Nghệ An). Ông Thanh năm nay đã ở vào tuổi 76. Bà Nguyễn Thị Nhị ở xóm 9 cùng địa chỉ trên. Bà Nhị năm nay đã ở vào tuổi 87. Tuy nhiên, có lẽ tính đến thời điểm hiện tại nếu có một chương trình bình bầu "người có bàn chân Giao Chỉ thọ nhất" thì tôi tin chắc chắn rằng cụ Nguyễn Đình Phương là người ẵm giải độc nhất vô nhị.
Cụ Phương sinh được 10 người con có trai có gái, hiện 6 người con của cụ vẫn còn sống. Người con lớn nhất 82 tuổi và bé nhất (con út) năm nay đã gần 60. Gia đình cụ đề huề con cháu với hơn 100 người cháu, chắt, chút. Mọi người đều có cuộc sống riêng nhưng mỗi dịp có chuyện vui, chuyện buồn cả gia đình lại tụ họp đông đủ.
Cũng giống như nhiều người có bàn chân Giao Chỉ, cụ Phương có đôi bàn chân khác thường, to và cong, ngón cái chìa ra trông giống như những củ riềng. Cấu tạo, hình dạng khác thường đặc biệt của đôi bàn chân ấy đã khiến cụ Phương gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày nhất là nhiều lúc muốn đi đâu cũng chỉ đi bằng đôi chân trần vì không có loại giày dép nào “ưng ý” với cụ cả.
Cụ Phương đã lãng tai nhưng thấy người lạ cụ đã giơ tay lên ra hiệu chào lại khách. Tiếp chuyện với chúng tôi là ông Nguyễn Đình Ngạc - con trai cả của cụ Phương. Ông Ngạc năm nay đã 82 tuổi. Ông Ngạc kể: “Hồi nhỏ đã thấy bố mình có đôi bàn chân khác với nhiều người trong xóm. Gặng hỏi bố thì bố không nói mà chỉ cười cho qua chuyện. Mãi khi lớn lên lập gia đình, được các cụ cao niên trong dòng họ giải thích, lúc đấy mới biết bố mình là một trong những người Việt cổ hiếm hoi còn lại”.
Cũng theo ông Ngạc, hồi còn trung niên, cụ Phương thường đi chân đất, dành dụm mua được đôi tông Lào, cụ rất ít đi vì “vướng”. Chúng tôi ngó nhìn đôi bàn chân của ông Ngạc, bàn chân ông bình thường như bao người khác.
Như đoán được tò mò của chúng tôi về sự khác biệt giữa ông cùng các anh chị em trong gia đình với bố mình ông Ngạc cho hay: "Bà nội tôi và 2 dì của bố Phương cũng có bàn chân Giao Chỉ này, nhưng các anh em chúng tôi không ai giống bố. Tôi nghĩ bố tôi là gen di truyền từ các ông bà, cụ kị đời trước. Đến đời chúng tôi thì gen trội đó không phát triển và biểu hiện ra ngoài nữa. Tuy nhiên, cũng nhờ đôi bàn chân xòe to rộng đó bố tôi đi bộ rất khỏe, có khi đi đến vài chục cây số mà không bao giờ bị vấp ngã".
Năm nay cụ đã bước sang tuổi 105, đôi tai nghe không nghe rõ nữa, nhưng nước da của cụ hồng hào, đôi mắt cụ còn nhìn rõ mọi thứ, mái tóc trắng như cước. Cụ Phương ngồi trên chiếc giường đưa ánh mắt đăm đăm về phía chúng tôi, dù không nghe rõ nhưng tôi cảm nhận rằng ý thức cụ còn minh mẫn lắm.
Gương mặt cụ Phương phúc hậu, ánh mắt hiền từ, điểm đáng chú ý hơn là cụ Phương có đôi tai dài, dày và to như tai Quan thế âm Bồ tát. Một điều đặc biệt là khi ngồi, hai chân của cụ thường duỗi thẳng, ít khi khoanh lại vì bàn chân to.
Tấm gương mẫu mực
Nhiều người quan niệm con người ta sống thọ là do được sống trong sự no đủ về vật chất, sung sướng trong gấm lụa. Thế nhưng, đặt trong hoàn cảnh của cụ Nguyễn Đình Phương thì hoàn toàn trái ngược.
Sinh ra thời loạn lạc, cụ Phương là con trai thứ trong một gia đình địa chủ. Tuy nhiên, cụ phải chịu nhiều vất vả, khó nhọc do những thăng trầm cuộc sống. Dù được sống trong no đủ, nhưng với bản chất chịu khó siêng năng nên khi gặp khó khăn do thời thế nên cụ Phương không ỷ lại hay phó mặc cho số phận.
Cụ Phương và các con
Khi bố mẹ cụ không còn, một mình cụ bươn chải kiếm sống và chăm lo cho các con của cụ chu đáo. Bà Nguyễn Thị Thiện, người con gái út của cụ Phương chia sẻ: "Nhà đông con nhưng chưa khi nào tôi thấy bố tôi phàn nàn với mẹ và các con. Bố luôn lạc quan, hết mực chăm lo và động viên gia đình cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống".
Có lẽ chính vì vậy mà những người con của cụ được ăn học đến nơi đến chốn. Sáu người con còn sống của cụ đều rất thành đạt và nay đều đã nghỉ hưu. Bốn người học y, phục vụ địa phương và kháng chiến, 1 người là kiến trúc sư xây dựng và 1 người học ngoại thương. Đây cũng chính là một phần lý do khiến cụ ông có bàn chân Giao Chỉ này sống qua hai thế kỷ.
Cụ Nguyễn Văn Chiến, người cùng làng năm nay 87 tuổi cho biết, cụ Phương là người sống chan hòa với gia đình và làng xóm, chưa bao giờ cụ nặng lời với ai. Đặc biệt, cụ không ham rượu chè. Cụ luôn tu chí làm ăn, dạy bảo các con biết điều hay lẽ phải, giúp đỡ mọi người.
Bí quyết sống thọ của cụ Phương còn ở chỗ cụ luôn sống vui, sống khỏe, luôn biết quan tâm giúp đỡ mọi người lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Trước đây, dù đã 90 tuổi, ngày mưa cũng như nắng đều đặn cụ Phương dậy sớm lúc 5h để tập luyện thể dục. Cụ thường chạy một vòng quanh làng vào buổi sáng, tối đến ra đầu sân đình hóng mát và nói chuyện rôm rả với các cao niên.
Càng về già cụ Phương có sở thích đặc biệt là thích ăn đồ nếp, nhất là cơm nếp. Cách cụ ăn cơm nếp cũng cổ xưa như trăm năm trước. Con cháu nấu xôi, cho vào khuôn, dùng chày giã nén lại cho cứng queo như bánh. Đến bữa, cụ lấy con dao, xắt thành miếng nhỏ chấm mắm hoặc ăn kèm với chuối chín. Điều đặc biệt nữa ở cụ Phương, là sở thích uống nước nóng. Nước sôi sùng sục rót ra cốc, bỏng giãy, cụ đưa lên miệng uống luôn được. Hiện tại cụ Phương ăn rất ít cơm, sức khỏe của cụ vẫn ổn định. Ngoài ăn cơm, cụ thường xuyên uống thêm sữa sau mỗi bữa ăn.
Ông Ngạc cho biết, từ nhỏ tới khi già cụ Phương chưa bao giờ phải uống thuốc. Có ốm cũng chỉ là hắt hơi sổ mũi nhưng vài hôm lại khỏi. Độ 5 năm trước, cụ phải vào viện duy nhất 1 lần vì bị tai nạn xe gãy chân. Vừa rồi, gia đình đưa cụ đi khám tổng thể để kiểm tra tình hình sức khỏe của cụ.
Gia đình cụ Phương có truyền thống yêu nước và có công với cách mạng. Những năm tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, gia đình cụ đều có người tham gia cách mạng. Trong số 10 người con thì 4 người con trai của cụ được cụ rèn giũa lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, sẵn sàng phục vụ khi Tổ quốc cần.
Cụ Phương sống qua hai thế kỷ, chứng kiến giặc ngoại xâm hoành hành dân Việt. Đồng bào sống trong lầm than, áp bức đủ đường. Cụ đã sẵn sàng lấy ngôi nhà mình làm hầm bí mật che chở cho cán bộ hoạt động cách mạng. Và một lòng tin vào cán bộ, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Cụ thường khuyên bảo với các con rằng Đảng ta lãnh đạo thì nhất quyết tin vào đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, tư tưởng Bác Hồ vĩ đại. Các con phải biết sẵn sàng hy sinh, cống hiến sức khỏe, trí tuệ để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Thấm lời dạy của cụ Phương, các con của cụ đều không ngừng trau dồi đạo đức, kiến thức để cống hiến xây dựng quê hương. Người cha có bàn chân Giao Chỉ ấy là tấm gương sáng về sự mẫu mực, là bức bình phong che chở cho các con.
Nhà nghiên cứu Đỗ Hựu trong bộ Thông điển cho rằng: "Giao Chỉ là người Nam, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)". Ý kiến này được nhiều học giả Trung Hoa và Việt Nam chấp nhận.
Bộ Từ nguyên (quyển Tý, trang 141) bác lại ý kiến trên mà cho rằng: "Theo nghĩa cũ bảo hai ngón chân cái giao nhau là Giao Chỉ, nhưng xét đời cổ bên Hy Lạp, có tiếng "đối trụ", có tiếng "lân trụ" để gọi loài người trên thế giới. "Đối trụ" là phía Nam, phía Bắc đối nhau, "lân trụ" là phía Đông, phía Tây liền nhau. Sở dĩ có tên Giao Chỉ là hợp vào nghĩa "đối trụ", vì dân tộc phương Bắc gọi dân tộc phương Nam, cũng như một chân phía Bắc, một chân phía Nam đối nhau, không phải thực là chân người giao nhau".
Các nhà sử học Việt Nam kể từ Nguyễn Văn Siêu, Đặng Xuân Bảng, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh... đều theo cách giải thích thứ hai này. Năm 1868, bác sĩ Thorel trong đoàn thám hiểm của Doudart de Lagrée đã nhận xét hiện tượng hai ngón chân cái giao nhau là "một đặc điểm của giống người An Nam". Sau này các học giả Pháp khác cũng ghi nhận điều này...
|