Ban lãnh đạo FHS trong một lần xin lỗi báo giới và người dân Việt Nam hồi cuối tháng 4 vừa qua, do phát ngôn của một cán bộ đối ngoại.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vừa chính thức nhận trách nhiệm gây ra sự cố ô nhiễm môi trường tại các tỉnh ven biển miền Trung từ đầu tháng 4 vừa qua.
Trong thông cáo phát đi chiều 30/6, FHS đã xin được “gửi lời chia sẻ và sự cảm thông sâu sắc đến người dân miền Trung đã bị ảnh hưởng và thiệt hại bởi sự cố ô nhiễm môi trường biển trong thời gian vừa qua”.
FHS nói rằng, sau khi sự cố xảy ra, chính bản thân doanh nghiệp này cũng luôn hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Hà Tĩnh để điều tra nguyên nhân sự việc.
Dẫn kết luận của Chính phủ Việt Nam công bố kết luận về việc điều tra nguyên nhân về sự cố ô nhiễm môi trường gây ra hải sản và sinh vật biển chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung ngày 30/6, FHS cho hay nguyên nhân của sự việc trên là do nhà thầu phụ của công ty đã có những sai sót của trong quá trình vận hành thử nghiệm, dẫn đến sự cố môi trường nghiêm trọng.
“Thay mặt công ty FHS, chúng tôi gửi lời xin lỗi đến người dân 4 tỉnh miền Trung vì sự cố đáng tiếc đã xảy ra, và xin nhận trách nhiệm về sự cố này. Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng để nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố và kiểm soát môi trường tại các tỉnh miền Trung”, thông cáo của FHS cho biết.
Để khắc phục sự cố môi trường nghiêm trọng nói trên, FHS cam kết sẽ phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam.
Toàn bộ khoản bồi thường sẽ được chuyển cho cơ quan chức năng quản lý và thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân địa phương.
FHS cũng cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung nhằm phòng, chống các sự cố môi trường tương tự như đã xảy ra.
“Với thái độ thành khẩn và sự khẩn trương khắc phục sự cố, FHS rất mong sẽ nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam để chúng tôi có thể tiếp tục xây dựng một tổ hợp công nghiệp hiện đại nhất trong ngành thép Việt Nam”, thông cáo nêu.
Trong phần cuối bản thông cáo, FHS khẳng định, là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với số vốn hơn 10,5 tỷ USD, công ty mong muốn phát triển lâu dài và bền vững tại Việt Nam, góp phần tạo cơ hội việc làm và phát triển kinh tế địa phương.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng và đưa vào vận hành một tổ hợp công nghiệp hiện đại, tiên tiến nhất tại Việt Nam, và tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án này, nếu tiếp tục được đầu tư và triển khai, có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới”, FHS nêu trong thông cáo.
Xảy ra đầu tiên tại vùng biển Vũng Áng - Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh hồi đầu tháng 4/2016, hiện tượng cá chết hàng loạt sau đó lan rộng ra một số tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng.
Sau đó, dư luận và một số chuyên gia đã đặt nhiều nghi vấn về mối liên hệ giữa nhà máy thép của FHS với hiện tượng cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, do chưa có bằng chứng rõ ràng, hàng loạt các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia trong nước và quốc tế đã được mời tham gia tìm nguyên nhân.
Tại buổi họp báo Chính phủ đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, đã có kết luận về nguyên nhân cá chết, song tại thời điểm đó chưa thể công bố vì cần phải có sự phản biện của các chuyên gia trong và ngoài nước.