Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường.
Chủ động điều hành chính sách tiền tệ, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường; hỗ trợ người dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển, hạn chế việc xin lùi ra văn bản, đấu thầu thuốc tập trung… là những nội dung quan trọng tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6/2016, vừa được Chính phủ ban hành.
Không cấp phép dự án xem nhẹ yếu tố môi trường
Tại nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật. Khẩn trương hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai.
Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án không bảo đảm môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Chỉ đạo rà soát trên phạm vi cả nước các cơ sở sản xuất tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có giải pháp kịp thời.
UBND các cấp đổi mới phương thức làm việc theo tinh thần phục vụ doanh nghiệp và nhân dân, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ theo các nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực lợi thế của địa phương.
Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan sớm đề xuất chính sách hỗ trợ người dân khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung.
Cùng với đó, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động có phương án bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo và lợi ích quốc gia, bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế biển và quyền lợi của ngư dân.
Có phương án đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, kích động gây rối của các thế lực thù địch, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường phòng, chống cháy nổ. Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình biển Đông để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời.
Chủ động điều hành chính sách tiền tệ
Tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, vàng trong nước và quốc tế để chủ động điều hành chính sách tiền tệ, hạn chế tác động tiêu cực đối với thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu của Quốc hội.
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các kịch bản về khả năng tăng trưởng và lạm phát để chủ động điều hành phù hợp trong mọi tình huống, nhất là tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Rà soát các dự án ODA và nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất Thủ tướng Chính phủ loại bỏ các dự án không cần thiết, kém hiệu quả.
Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính thế giới, đặc biệt là việc Anh rời Liên minh châu Âu liên quan đến nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam để đánh giá tác động, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó.
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 3/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2016. Rà soát, quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài sản công của các cơ quan, đơn vị.
Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi tình hình quan hệ thương mại của nước ta với các đối tác lớn, đánh giá tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo dõi giá dầu thô thế giới, điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô.
Ngoài ra, nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành hạn chế tình trạng xin lùi thời hạn trình văn bản, thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc dùng trong bảo hiểm y tế, khẩn trương xây dựng, triển khai đề án xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập.