Phiên toàn thể của Diễn đàn kinh tế tư nhân có sự tham gia của 700 doanh nhân - Ảnh: Mỹ An
Chiều 8/7, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã công bố sách trắng Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam - cơ hội, thách thức và giải pháp.
Nội dung chủ yếu của cuốn sách là tuyên bố chung của Diễn đàn cùng tuyên bố riêng của 10 phiên chuyên đề thể hiện sự đồng thuận cao của không chỉ hơn 700 doanh nhân có mặt trực tiếp tại Hà Nội dự phiên toàn thể ngày 3/6/ 2016 cùng các quan chức Chính phủ và đối tác Quốc tế mà còn thể hiện mong muốn, quan điểm của đông đảo các doanh nghiệp tư nhân đã đồng hành với quá trình chuẩn bị cho diễn đàn.
“Chúng tôi gửi theo cuốn sách nhỏ bé này sự kỳ vọng lớn, kỳ vọng vào một Chính phủ liêm chính vì nhân dân, coi doanh nghiệp, doanh nhân là đối tượng phục vụ, kỳ vọng vào sự đối thoại và hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, và hơn hết kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong đó kinh tế tư nhân vươn lên đóng vai trò then chốt”, Ban tổ chức Diễn đàn bày tỏ.
Đi vào từng chuyên đề cụ thể, khá nhiều khuyến nghị đã được các doanh nhân gửi đến Chính phủ và các cơ quan công quyền.
Chính phủ hãy biến những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Doanh nghiệp ngày 29/4 tại Tp.HCM thành hiện thực để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên hội nhập thành công, nhóm doanh nhân thực hiện chuyên đề nông nghiệp kết lại phần trình bày chuyên đề này tại sách trắng.
Theo khái quát của chuyên đề thì nông nghiệp là lĩnh vực đi trước, tiên phong, mở đường thành công cho quá trình đổi mới kinh tế ba mươi năm qua, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo thắng lợi, là ngành duy nhất liên tục xuất siêu, góp phần bảo vệ vững vàng chủ quyền biển đảo, phủ xanh đất trống đồi trọc và tái lập cân bằng môi trường.
Tuy nhiên, bản thân nông nghiệp Việt Nam cũng thể hiện nhiều điểm yếu và trình độ phát triển thấp của một nền sản xuất nhỏ manh mún, chia rẽ. Tâm thế kinh doanh phổ biến là đầu tư theo phong trào, chuỗi liên kết thường bị chia cắt bởi trung gian thương mại. Thêm vào đó, những yếu kém trong xây dựng, thông tin và triển khai quy hoạch, chiến lược, chính sách vĩ mô, quản lý và hỗ trợ phát triển thị trường của các cơ quan quản lý, đầu tư công ít ỏi, bảo hộ mậu dịch thấp, cải cách hành chính diễn ra chậm chạp...
Kết quả, trong thời gian gần đây, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng chậm, vệ sinh an toàn thực phẩm kém, chất lượng vật tư nông nghiệp và nông sản thấp, ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh tranh của hàng hoá và thu nhập của doanh nghiệp và nông dân.
Soi lại chính mình, những người thực hiện chuyên đề cho rằng cần khắc phục yếu kém phổ biến của doanh nghiệp Việt Nam. Đó là tình trạng phân tán, chia rẽ, thiếu đoàn kết, thiếu phối hợp giữa doanh nghiệp với nhau, giữa Nhà nước và tư nhân, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đó còn là sự yếu kém về năng lực tổ chức quản lý, sự lạc hậu về công nghệ, sự nhỏ bé về quy mô tư liệu và nguồn lực sản xuất, năng lực về tổ chức thông tin thị trường, trong quan hệ quốc tế, tác phong làm ăn tùy tiện, lỏng lẻo về đạo đức và bất tín trong kinh doanh, thói quen chạy chọt, lẩn tránh pháp luật…
Trong định hướng phát triển mới của đất nước, doanh nghiệp được ưu tiên coi trọng, nông nghiệp được chú ý hỗ trợ.
Song, nhóm thực hiện chuyên đề cho rằng, không phải chỉ có doanh nghiệp Việt mới nhận thấy những cơ hội này. Trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn xuyên quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam để khai thác thế mạnh nông sản, chiếm lĩnh hệ thống phân phối tại thị trường nội địa. Đây là xu thế tất yếu trong một “Thế giới phẳng”.
Đã đến lúc, các thế hệ doanh nhân Việt Nam phải đứng lên dành thế chủ động, làm chủ thị trường trong nước và tiến ra thị trường quốc tế bằng sức mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam, tuyên bố nêu rõ.
Để có thể khắc phục những yếu kém của cả nền nông nghiệp và của cả các doanh nghiệp, bên cạnh những thay đổi của doanh nghiệp và nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ thiết lập cơ chế tham vấn và đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp nông nghiệp về những nội dung mà Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp quan tâm.
Như, sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, công nghiệp hóa nông nghiệp, quyền của nhà đầu tư cung cấp dịch vụ nông nghiệp được tiếp cận đất, chính sách vốn, thuế áp dụng đối với kinh doanh nông sản. Hay những vấn đề về doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học….
Các doanh nghiệp nông nghiệp cũng cam kết sản xuất an toàn, kiên quyết từ chối sản phẩm không bền vững làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội và môi trường.