Bài viết đăng trên trang Space Place bổ sung cung hoàng đạo Xà Phu, dẫn tới sự thay đổi trong cách tính thời gian của 12 cung còn lại.
Theo Science Alert, tuần trước, nhiều người hoang mang khi bùng nổ thông tin NASA - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - lần đầu tiên cập nhật thứ tự các cung hoàng đạo sau 3.000 năm. Tin này khiến không ít người hoảng hốt, vì theo thứ tự mới, 86% trong chúng ta hiện giờ có thể thuộc về cung hoàng đạo khác.
Một bộ phận dân số trên thế giới thực sự coi trọng cung hoàng đạo và việc mình thuộc chòm sao nào. Theo đó, người sinh ra trong thời gian mặt trời đi qua chòm sao nào sẽ được chòm sao đó chiếu mệnh, ảnh hưởng tới tính cách.
Trên thực tế, thông tin thay đổi trật tự cung hoàng đạo xuất phát từ bài viết trên Space Place - một trang web giáo dục dành cho trẻ em thuộc quyền quản lý của NASA.
Từ 3.000 năm trước, người Babylon cổ đại đã biết cách quan sát bầu trời. Họ cho rằng sự thay đổi vị trí của các chòm sao trong chu kỳ một năm có sự tương quan với một số tính cách con người, hoặc sự kiện xảy ra trên Trái đất. Người Babylon đã tạo ra cung hoàng đạo, là vòng tròn gồm 12 chòm sao dựa trên đường đi của mặt trời qua từng chòm sao trong một năm.
Màu xanh lá biểu thị đường đi của mặt trời, tạo nên cung hoàng đạo. Ảnh: Tauolunga
Trang Space Place giải thích: “Cũng như trái đất xoay quanh mặt trời, mặt trời cũng đi qua lần lượt 12 cung hoàng đạo. Do người Babylon cũng sử dụng loại lịch 12 tháng một năm dựa trên các kỳ trăng, mỗi tháng chiếm một phần của cung hoàng đạo”.
Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên nhân gì, người Babylon đã quyết định loại chòm sao Ophiuchus (Xà Phu) khỏi cung hoàng đạo. Dù vậy, một vài chòm sao trong số 12 chòm được lựa chọn cũng không tương khớp hoàn hảo với phần cung hoàng đạo được phân chia, mà phải lấn sang phần kế tiếp.
Trang Space Placa của NASA lý giải, các nhà chiêm tinh học của Babylon đã bỏ qua thực tế mặt trời di chuyển qua 13 chòm sao chứ không phải 12, nhằm tạo ra sự tương ứng với lịch 12 tháng của họ.
Theo NASA, do sự lắc lư rất nhỏ của trục Trái đất, hiện nay, các chòm sao không còn nằm ở vị trí cũ như 3.000 năm trước. Sự thay đổi này cực kỳ nhỏ, vì phải mất 26.000 năm mới hoàn thành một chu kỳ thay đổi trục Trái đất, nhưng hiệu quả gom góp lại cũng đáng chú ý.
Christopher Crockett - Tiến sĩ chuyên ngành Thiên văn học, đại học California (Mỹ) - viết trên trang Earthsky: “Vào điểm chí tháng 6 của 2.000 năm trước, mặt trời nằm gần như ở giữa hai chòm sao Song Tử và Cự Giải. Ở điểm chí tháng 6 năm nay, mặt trời nằm giữa Song Tử và Kim Ngưu. Đến năm 4609, điểm chí tháng 6 sẽ vượt qua chòm Kim Ngưu và tiến vào chòm Bạch Dương”.
Biểu tượng 12 cung hoàng đạo quen thuộc theo chiêm tinh học phương Tây. Ảnh:metropholisjapan
Ngay trên đầu trang Space Place, NASA đã ghi chú “chiêm tinh học không phải thiên văn học”. Nhưng nhiều trang tin quốc tế như Cosmopolitan (Anh), Yahoo News và Maria Clare vẫn dẫn nguồn từ NASA để công bố cách tính cung hoàng đạo mới, và bổ sung cung thứ 13.
Tuy nhiên, NASA lại từ chối tham gia vào cách tính cung hoàng đạo mới theo thuật chiêm tinh học của phương Tây. Trả lời phỏng vấn trang Gizmodo, Dwayne Brown, người phát ngôn của NASA, cho biết: “Chúng tôi không hề thay đổi cung hoàng đạo. Chúng tôi chỉ làm phép tính toán học. Bài viết trên Space Place nói về việc chiêm tinh học không phải là thiên văn học như thế nào, về việc chiêm tinh học là một phần còn lại của lịch sự cổ đại, và chỉ ra rằng khoa học và toán học không xuất phát từ việc chúng ta quan sát bầu trời”.
Hiện nay, phần lớn trang dự đoán cung hoàng đạo trên thế giới vẫn sử dụng cách tính 12 cung như cũ.
Danh sách 13 chòm sao theo “phép tính toán học” của NASA:
Ma Kết: 20/1-16/2
Bảo Bình: 16/2-11/3
Song Ngư: 11/3-18/4
Bạch Dương: 18/4-13/5
Kim Ngưu: 13/5-21/6
Song Tử: 21/6-20/7
Cự Giải: 20/7-10/8
Sư Tử: 10/8-16/9
Xử Nữ: 16/9-30/10
Thiên Bình: 30/10-23/11
Bọ Cạp: 23/11-29/11
Xà Phu: 29/11-17/12
Nhân Mã: 17/12-20/1
|