Thương hiệu điện thoại được mệnh danh “Apple Trung Quốc” đang xúc tiến nhiều hoạt động để chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam - nơi nhiều thương hiệu cùng quê hương với Xiaomi đang ganh đua khai thác, giành chiếm thị phần.
Tìm kiếm nhà phân phối, mở fanpage chính thức của nhãn hiệu Xiaomi Việt Nam, đăng tuyển nhân sự cho lĩnh vực truyền thông và mạng xã hội, tổ chức gặp fan và mới đây nhất là tiết lộ giá bán một số sản phẩm smartphone chính hãng, những bước đi này, cho thấy, “bước chân Xiaomi” vào Việt Nam chỉ còn tính theo ngày.
Muộn hay chưa?
Xiaomi có kế hoạch “tham chiến” thị trường Việt Nam từ gần 3 năm trước nhưng vì những lý do khách quan lẫn chủ quan nên hãng đến giờ mới hiện thực hóa được kế hoạch của mình. So với các thương hiệu điện thoại tên tuổi của Trung Quốc, Xiaomi là hãng chậm chân nhất ở thị trường Việt.
Smartphone Xiaomi chủ yếu sẽ cạnh tranh ở phân khúc giá rẻ. Mức giá trung bình khoảng từ 2,5 - dưới 5 triệu đồng. Bảng giá mới được công bố tiết lộ ba sản phẩm gồm Redmi Note 4 (màu vàng/xám/đen) giá là 4,69 triệu, Redmi 4A (vàng/xám) là 2,99 triệu và cá biệt có mẫu MI MIX thuộc phân khúc cao cấp, có giá lên tới 16,99 triệu đồng - sản phẩm này được nhìn nhận sẽ khó có cơ hội cạnh tranh với sản phẩm cao cấp của Samsung và Apple. Mức giá các sản phẩm chính hãng trên cao hơn hàng xách tay từ gần 10-20%.
Tại Trung Quốc nhiều năm trước, Xiaomi liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng chóng mặt nhờ chiến lược sản phẩm giá rẻ, cấu hình cao, cộng với hình thức bán hàng qua kênh trực tuyến để có giá bán tốt nhất. Những năm 2014 - 2015, hãng luôn đứng số 1 tại thị trường Trung Quốc về doanh số sản phẩm bán ra, vượt cả Apple, Samsung và các thương hiệu đồng hương khác. Dù vậy, năm 2016, thương hiệu “Apple của Trung Quốc” đã bị Huawei, Oppo và Vivo “vượt mặt” và đẩy Xiaomi xuống vị trí thứ 5 tại thị trường đông dân nhất này.
Lãnh đạo một hệ thống bán lẻ điện thoại với gần chục năm kinh nghiệm cho rằng, ở thị trường Trung Quốc Xiaomi có lợi thế ở thời điểm ra nhập thị trường và giá, tuy nhiên, vào Việt Nam thời điểm hiện tại, Xiaomi sẽ khó chiếm được thị phần và có tốc độ tăng trưởng cao. Ông phân tích, giá thấp cấu hình cao vốn là thế mạnh của Xiaomi nay đã được Samsung, Asus, và đặc biệt từ rất nhiều thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Huawei, Vivo, Lenovo… phủ kín và người dùng Việt cũng bắt đầu quen với các nhãn hàng này.
Đại diện một hãng điện thoại - đối thủ của Xiaomi - cũng cho rằng, nếu vào Việt Nam ở thời điểm cách đây 3 năm hoặc sớm hơn - lúc thị trường smartphone tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ - thì cơ hội chiếm lĩnh miếng bánh trên thị trường với Xiaomi là rất lớn.
Tuy vậy, thị trường điện thoại Việt Nam vẫn luôn luôn còn cơ hội với Xiaomi hay bất kỳ một thương hiệu điện thoại nào khác, ở chỗ điện thoại hiện được xem là sản phẩm tiêu dùng nhanh và liên tục thay đổi,người dùng cũng thường xuyên đổi mới sản phẩm để phù hợp với nhu cầu.
Bênh cạnh đó, theo thống kê của các hệ thống bản lẻ và số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, quy mô thị trường điện thoại Việt Nam hiện khoảng 60.000 tỷ đồng với 24 – 28 triệu điện thoại được bán ra một năm, trong đó smartphone chiếm 55% và sẽ tăng trưởng nhanh, do đó miếng bánh thị trường là dành cho tất cả các hãng, trong đó có Xiaomi.
Không nhiều hi vọng
Điện thoại Xiaomi đã được bán tại Việt Nam nhưng đều là hàng xách tay, đối tượng sử dụng là người trẻ, tuy vậy, nhu cầu sử dụng được đánh giá đã giảm chút ít so với hai ba năm trước.
Đại diện Xiaomi tại buổi gặp mặt Fan mới đây, cho biết, khi Xiaomi vào Việt Nam, giá sản phẩm chính hãng sẽ cao hơn hàng xách tay khoảng 20%, trong đó 10% là VAT và 10% còn lại là chi phí cho các hoạt động khác. Theo đại diện một hãng bán lẻ tại Hà Nội, do Xiaomi có cộng đồng không lớn lắm, lại chủ yếu thích mua hàng xách tay, vì thế giờ phải mua hàng với giá cao hơn 20% thì rất ít người sẽ chuyển sang mua hàng chính hãng.
Đó là khó khăn chủ quan từ phía người dùng. Vị lãnh đạo một hệ thống bán lẻ với gần 10 năm kinh nghiệm nói trên, cho biết, căn cứ theo kế hoạch của Xiaomi là ngoài 10% VAT hãng sẽ bỏ 10% chi phí để duy trì vận hành bộ máy, như vậy nghĩa là chi phí cho quảng cáo, marketing là cực thấp. Điều này đi ngược với thực tế lâu nay vì các hãng điện thoại vào Việt Nam ban đầu đều phải bỏ một khoản chi phí rất lớn ra làm quảng cáo, marketing, truyền thông để quảng bá thương hiệu, từ đó “dẫn” người dùng đến với sản phẩm.
“Điều này rất dễ nhận biết từ chính các thương hiệu điện thoại Trung Quốc khi vào Việt Nam. Hãng nào chịu chi cho quảng cáo, marketing là có hiệu quả ngay và ngược lại”, vị này nhận xét.
Rào cản nữa với Xiaomi là khả năng hiện diện trên các hệ thống đại lý cấp 1 như Thế Giới Di Động hay FPT Shop. Theo tìm hiểu, để vào được các kênh bán lẻ này, Xiaomi cũng như các hãng mới sẽ phải bỏ “tỷ lệ chia sẻ” rất lớn từ 20-25% giá trị sản phẩm. Nếu chấp nhận, giá thành sản phẩm sẽ “đội” thêm 20-25% nữa, tổng cộng ít nhất là 40-45%. Ở phân khúc giá rẻ, với chi phí tăng thêm này, sản phẩm chính hãng chắc chắn sẽ “không có cửa” với hàng xách tay.
Trong khi đó, theo vị lãnh đạo hệ thống bán lẻ trên, nếu Xiaomi “nhảy” được vào các hệ thống bán lẻ cấp 2 (do khả năng tỷ lệ chia sẻ thấp hơn) như CellphoneS, Hoàng Hà Mobile, Nhật Cường, TechOne… nhưng do các hệ thống này chủ yếu chỉ có các điểm bán ở một số thành phố lớn nên cơ hội và mức độ tiêu thụ sản phẩm cũng rất hạn chế.
Và vì thế, theo ông, sẽ không có nhiều hi vọng với việc Xiaomi sẽ tạo ra một hiện tượng mới trên thị trường khi vào Việt Nam.