Lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Snapchat là 166 triệu, chỉ tăng 8 triệu người so với quý trước - Ảnh: Bloomberg.
Kết quả kinh doanh của Snap, công ty mẹ của ứng dụng Snapchat, cho thấy hãng này lỗ lớn kể từ khi phát hành cổ phiếu hồi đầu tháng 3, CNN cho biết.
Trong quý 1/2017, công ty này lỗ ròng 2,2 tỷ USD. Phần lớn khoản lỗ này là do chi phí liên quan tới việc phát hành cổ phiếu. Dù vậy, nếu không có khoản phí khổng lồ trên, Snap vẫn lỗ gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý đầu tiên của năm, công ty này đạt doanh thu 149,6 triệu USD, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó của phố Wall.
Ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh, cổ phiếu của hãng này giảm 24%, xuống còn 17,59 USD. Trong phiên hôm qua, cổ phiếu này chỉ giao dịch quanh mức 17 USD của lần phát hành cổ phiếu đầu tiên.
Ngoài báo cáo lợi nhuận không làm hài lòng nhà đầu tư, điều khiến họ lo ngại hơn là tăng trưởng người dùng đang có xu hướng giảm tốc.
Trong quý, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của ứng dụng này là 166 triệu, chỉ tăng 8 triệu người so với quý trước.
“Câu hỏi lớn nhất là liệu Snap có thể duy trì tăng trưởng người dùng hay không và có thể tăng tới mức nào”, Ralph Schackart, chuyên gia phân tích tại William Blair, nhận định.
Trong ba tháng cuối năm 2016, lượng người dùng hoạt động hàng ngày của ứng dụng này chỉ tăng khiêm tốn 5 triệu người, giảm so với con số 10 triệu của bốn quý trước đó. Sự sụt giảm này trùng khớp với thời gian Instagram - thuộc sở hữu của Facebook, tung ra tính tăng camera tương tự của Snapchat.
Trong hồ sơ phát hành cổ phiếu, Snap liên tục nhấn mạnh rằng lượng người dùng có thể sụt giảm và khó đoán.
Evan Spiegel, 26 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) của Snap, cho biết anh nhìn nhận tăng trưởng người dùng “thông qua lăng kính của sự sáng tạo”.
“Càng loại bỏ được tính ma sát trong quá trình sáng tạo này, càng có nhiều người muốn sử dụng dịch vụ, và đó là chiến lược của cúng tôi”, Spiegel nói. Tuy vậy, phát biểu này của Spiegel cũng không giúp hãm đà giảm của cổ phiếu Snap.
Kể từ khi hãng này đăng ký phát hành cổ phiếu, đã có nhiều quan ngại về việc một công ty còn non trẻ được đánh giá quá cao và cổ đông thiếu quyền biểu quyết.
Cuộc cạnh tranh giữa Facebook và Snapchat ngày càng trở nên “nóng” hơn kể từ khi Snap phát hành cổ phiếu. Hiện Facebook đã tung ra tính tăng camera giống của Snapchat trên các ứng dụng của mình gồm Messenger, WhatsApp, Instagram và Facebook.
Những nỗ lực này của Facebook đã sớm mang lại hiệu quả khi lượng người dùng trên Instagram Stories - tính năng giống của Snapchat - lên tới 200 triệu người. Con số này thậm chí còn lớn hơn lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Snapchat.
“Chúng tôi hơi chậm chân trước xu hướng lấy camera làm trọng tâm của các chia sẻ”, Giám đốc điều hành (CEO) của Facebook Mark Zuckerberg nói. “Nhưng vào thời điểm này, với công nghệ của mình, chúng tôi đang dẫn trước”.
Đề cập tới cạnh tranh với Facebook, Spiegel chia sẻ rằng anh đã sớm biết “rồi ai ai cũng sẽ phát triển chiến lược công nghệ camera”. Tuy nhiên, anh cũng bóng gió rằng: “Yahoo không thể là Google chỉ bởi họ cũng có công cụ tìm kiếm”.
Trong tuần này, Snap đã đưa thêm lựa chọn lưu tin nhắn cho người dùng thay vì bị xoá ngay sau 10 giây. Động thái này có khả năng sẽ giúp ứng dụng này trực quan hơn đối với người dùng mới.
Mới đây, Snap cũng công bố nền tảng quảng cáo mới cho các thương hiệu, nhằm thúc đẩy doanh số quảng cáo và bắt đầu kiếm tiền từ lượng người dùng đã có.
Tuy nhiên, theo CNN, tình cảnh Snap đang gặp phải hiện nay cũng tương tự như những gì các đối thủ khác từng trải qua. Cả Facebook và Twitter đều từng trải qua tình trạng này khi công bố kết quả kinh doanh lần đầu từ khi phát hành cổ phiếu.
Giới đầu tư cũng từng tỏ ra nghi ngờ khả năng kiếm tiền từ thiết bị di động của Facebook. Còn Twitter cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trước những quan ngại về tăng trưởng người dùng thiếu khả quan.
Hiện Facebook đã phục hồi và tăng trưởng tốt với lượng người dùng hàng tháng gần cán mốc 2 tỷ. Còn Twitter đang sát cánh với các hãng truyền thông để bài trừ nạn tin tức giả.