Theo ước tính chỉ có dưới 5% số người vẫn sống sót sau khi bị đạn bắn xuyên đầu và chỉ khoảng 60% số người “đánh bại thần chết” có thể phục hồi hoàn toàn.
1. Malala Yousafzai bị bắn vì hoạt động tích cực ủng hộ cho việc nữ giới phải được đến trường ở Pakistan
Năm 2009, Malala Yousafzai đã trở thành một blogger của BBC khi cô mới 11 tuổi. Đây cũng là thời điểm quân đội Taliban đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực và trong một số thời điểm đã cấm trẻ em nữ ở Pakistan tới trường. Malala Yousafzai khi đó đã thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền thông của Pakistan để lên tiếng đòi quyền bình đẳng cho các bạn nữ được đi học.
Vào tháng 10/2012, một tay súng đã chặn chiếc xe buýt của nhà trường khi Malala đang ngồi trên đó, sau khi tìm thấy cô bé, hắn đã bắn một viên đạn vào đầu Malala. Vết thương đã khiến não của cô bé bị sưng tấy và đòi hỏi phải tháo bỏ một phần hộp sọ. Rất may cô bé đã được đưa sang một bệnh viện ở Birmingham, Anh Quốc, và may mắn thoát chết.
Sự phục hồi hoàn toàn đến mức kinh ngạc của Malala đã khiến cô bé trở thành biểu tượng của phụ nữ hiện tại. Năm 2014, cô đoạt giải Nobel Hòa bình vì những hoạt động tích cực đòi quyền được đi học cho nữ giới dù đã từng bị bắn xuyên đầu. Thậm chí, khi trả lời phỏng vấn của báo giới, Malala vẫn khẳng định rằng không muốn trừng phạt tay súng Taliban đã bắn cô. Không chỉ vậy, Malala còn cho biết nếu có cơ hội gặp lại kẻ đó một lần nữa, cô sẽ vẫn nói rằng cô muốn các bé gái được đi học.
2. Patrick Ireland thoát chết dù bị đạn bắn xuyên não trong Thảm sát trường trung học Columbine
Vào ngày 20/4/1999, Patrick Ireland vô tình trở thành nạn nhân của một trong những vụ nổ súng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ mang tên “Thảm sát trường trung học Columbine”. Là một trong 37 người bị trúng đạn trong thảm kịch đó, Patrick Ireland được gọi với biệt danh là “Chàng trai bên cửa sổ” sau khi bị trúng phát đạn vào chân và não. Điều đáng chú ý là dù bị đạn bắn xuyên đầu nhưng Ireland vẫn khá tỉnh táo nhưng không thể nói thành lời. Tiên lượng ban đầu, anh ta sẽ khó có thể qua khỏi sau vết thương này. Song, đáng ngạc nhiên là Ireland không chỉ sống sót mà còn hoàn toàn bình phục sau một thời gian điều trị.
3. Paul Kern sống sót dù đạn bắn vào đầu nhưng lại bị mất ngủ 40 năm
Năm 1915, chiến đấu tại mặt trận phía Đông trong Thế chiến I, người lính Hungary tên Paul Kern đã bị một viên đạn bắn xuyên đầu. Đạn xuyên qua thùy trán của não bộ, tưởng chừng như cướp đi sinh mạng người lính trẻ, nhưng kỳ diệu thay Paul đã sống sót và phục hồi nhanh chóng.
Sau khi xuất viện, ông tiếp tục quay trở lại làm việc bình thường trừ một điều: Suốt 40 năm sau khi trúng đạn cho đến tận khi qua đời vào năm 1955, Paul không thể nào chợp mắt. Ông đã phải tìm kiếm rất nhiều sự trợ giúp từ các bác sĩ đến không ít phương pháp chữa trị khác như thôi miên nhưng cũng chỉ khiến ông nhắm mắt nghỉ ngơi 2 tiếng mỗi đêm (chứ không phải ngủ).Trường hợp của ông được xem là một hiện tượng kỳ lạ trong y học làm đảo lộn rất nhiều quan niệm về giấc ngủ. Ông trở thành đề tài nghiên cứu của các chuyên gia thần kinh khắp châu Âu, nhưng không ai có thể kết luận được hiện tượng lạ lùng này.
4. Tammy Sexton bị bắn vào đầu vẫn pha trà mời khách
Tammy Sexton, người phụ nữ Mỹ khiến nhiều người “sốc” khi không những sống sót sau khi bị chồng bắn xuyên sọ não vào năm 2009 mà vẫn còn có thể bình thản pha trà mời khách. Chồng bà đã tự sát sau khi tấn công vợ mình.
Khi cảnh sát đến, Sexton đã hỏi “Điều gì đang diễn ra thế này?”, trên tay bà đang cầm chiếc khăn bịt vào vết thương ở đầu. Lúc đó, bà ấy hoàn toàn tỉnh táo nhưng rất bối rối trước những gì vừa xảy ra. Tuy nhiên, điều khiến mọi người sửng sốt là Sexton đã tự tay phà trà mời cảnh sát.
Cảnh sát Mỹ cho rằng Sexton sống sót sau vụ nổ súng là một điều kỳ diệu mà chỉ có Chúa mới làm được. Tất cả những ai bị bắn vào đầu đều không có bất cứ tia hy vọng sống nào. Thực tế là viên đạn đã xuyên qua thùy não của Sexton nhưng nó không gây ra tổn hại nghiêm trọng. Bà đã nhanh chóng được đưa đến bệnh viện và điều trị đặc biệt trong ba ngày.
5. Jacob Miller bị bắn vào đầu vẫn sống và cuộc chiến với tử thần hàng chục năm
Tác động kinh hoàng của chiến tranh vẫn luôn ám ảnh các cựu chiến binh ngay cả trong thời bình. Đối với cựu chiến binh Jacob Miller, thuộc Bộ binh số 9 Indiana trong thời Nội chiến Mỹ, “còn sống” có nghĩa là sống với một vết thương mà không bao giờ thực sự được chữa lành.
Ngày 19/9/1863 ông bị một khẩu súng trường bắn vào trán ở Brock Field, Chickmauga, một trận chiến có số lượng thương vong lớn thứ hai sau trận chiến Gettysburg. Ông bị bỏ lại chờ chết nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi Jacob Miller may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau chiến tranh, ông sống với một vết thương hở ở đầu trong nhiều năm. Vết thương như một lời nhắc nhở liên tục về ngày định mệnh đó. Phải mất đến 44 năm, mảnh đạn cuối cùng mới được đẩy ra khỏi cơ thể ông.