Vợ chồng tôi đều 37 tuổi, đang ở nhà thuê tại Sài Gòn. Gia cảnh nội ngoại tương đồng, cùng quê. Nhà tôi kinh tế tốt hơn xíu.
Nhà chồng: Với tiêu chuẩn kinh tế thông thường bây giờ có thể nói là nghèo. Tôi nói vậy vì ở thời điểm này nhà chồng vẫn chưa sắm nổi những thiết bị sinh hoạt cơ bản như máy giặt, máy nóng lạnh, máy lạnh, tủ lạnh thì xài đồ cũ, thiết bị nhà bếp không có gì ngoài cái nồi cơm điện cũ. Mọi người nhà chồng đều đi làm công việc tay chân nhưng chỉ mẹ chồng biết tiết kiệm, bố chồng và hai anh em chồng kiếm được đồng nào tiêu hết đồng đó, nhiều khi còn âm tiền. Nhà chồng tôi đang phải cầm sổ đỏ để vay 20 triệu đồng làm việc gì đó tôi không rõ. Bố chồng không bao giờ tiết kiệm được đồng nào vì tính sĩ diện. Tôi nghe mẹ chồng kể, chưa bao giờ bố đưa mẹ được một đồng. Chồng cũng sĩ diện. Em trai chồng lông bông và tự nuôi được bản thân là giỏi lắm rồi.
Nhà tôi: Xuất phát điểm có thể không khác nhà chồng là bao nhưng biết tiết kiệm, buôn bán, đầu tư. Cuộc sống của cha mẹ và các chị em tôi về kinh tế tốt hơn rất nhiều. Cha mẹ có vài ba căn nhà và đất bao gồm cả tiền của em trai tôi gửi về. Tổng tài sản của cha mẹ tôi tầm 10 tỷ đồng, trong đó em trai đóng góp khoảng 1/4, còn lại là tiền mồ hôi công sức của cha mẹ trước giờ. Cha mẹ còn dòng tiền cố định hàng tháng tầm tám triệu đồng từ lương hưu và tiền nhà trọ. Mẹ vẫn đi chợ buôn bán nhỏ và chăn nuôi hàng ngày dù đã 69 tuổi. Các chị em gái tôi kinh tế rất vững vàng và ổn định. Có thể nói vợ chồng tôi nghèo nhất trong năm chị em nhà tôi.
>> Có nên quay về khi từng bị nhà chồng đối xử tệ
Vợ chồng tôi cưới năm 2020. Tôi hiểu rõ về gia đình chồng trước khi cưới, vì yêu nên vẫn quyết gắn bó với anh. Ngày cưới, một tay tôi lo mọi chi phí, chồng thất nghiệp tạm thời vì mới theo tôi vào Sài Gòn sống được mấy tháng. Ngày cưới, cha mẹ chồng cho chúng tôi hai chỉ vàng, cha mẹ tôi cho năm chỉ vàng. Sau cưới tôi còn đúng một cây vàng làm của hồi môn, tiền phải trả hết cho các dịch vụ cưới xin. Chồng còn lấy năm triệu đồng trả nợ trước kia, mãi sau tôi mới biết.
Chồng vào Sài Gòn đến nay được hai năm nhưng mới có thu nhập riêng 35 triệu đồng do một vụ bán nhà và một nhà cho thuê. Tiền hoa hồng đó anh mới nhận được 1/3. Trước giờ anh làm công việc chân tay, vào ở cùng nhau tôi mới định hướng anh chuyển qua các công việc trí óc khác, rồi dịch bệnh nên đến giờ công việc vẫn chưa thật ổn định. Ít nhất chồng tôi đã tìm được đam mê và đường đi cho mình, đó là làm môi giới bất động sản.
Tôi không giúp gì nhiều cho chồng trong việc lựa chọn làm nghề gì, nhưng hai năm qua đã lo mọi chi tiêu để chồng rong ruổi khắp nơi tìm định hướng nghề nghiệp, thiết lập và mở rộng các mối quan hệ. Tất nhiên chồng cũng phụ tôi buôn bán vài thứ nho nhỏ khác trong hai năm qua dù thu nhập không bao nhiêu, chúng tôi chưa tập trung thật sự bởi nhiều lý do. Chồng đưa đón tôi đi làm hàng ngày vì chỉ có một xe máy của tôi và chồng làm phần lớn việc nhà cho tôi.
>> Con dâu không hiền lành là do cách đối xử của mẹ chồng
Về phía tôi: Tôi đang làm cho một công ty nước ngoài, tổng thu nhập tháng kể cả thưởng gần 40 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn có tiền cho thuê nhà trọ tầm bảy triệu đồng mỗi tháng. Trước khi lấy chồng, tôi chung cổ phần với nhà đẻ, mua một dãy nhà trọ. Năm qua dịch bệnh không kiếm được bao nhiêu nhưng mọi thứ ổn lại thì tôi có nguồn thu nhập thụ động trên đều đặn. Ngoài ra, tháng trước tôi vừa mua căn nhà trị giá 2,3 tỷ đồng với 100% tiền tích lũy, đang cho thuê lại được 4,3 triệu đồng mỗi tháng. Tôi đang vay ngân hàng 1,3 tỷ đồng, phải trả lãi hàng tháng. Tổng hai tài sản của tôi hiện nay khoảng năm tỷ đồng.
Chồng biết rõ thu nhập của tôi, có ý muốn tôi có trách nhiệm hơn với nhà nội. Nói thẳng ra, chồng nhiều lần đòi hỏi tôi phải có trách nhiệm hai bên nội ngoại như nhau. Tôi không muốn thế vì nhiều lý do:
Một: Vợ chồng không thể có con tự nhiên vì chồng tinh trùng yếu, giờ phải vay tiền làm IVF. Nhà nội cho mượn sổ đỏ để vay 200 triệu đồng cho chồng làm ăn và làm IVF.
Hai: Tôi đang gánh khoản nợ ngân hàng lớn phải trả hàng tháng.
Ba: Khi tôi mua nhà, cha mẹ đẻ lo cho rất nhiều, thậm chí mất ngủ vì sợ tôi bị mất cọc như lần trước. Cuối năm ngoái tôi bỏ cọc 200 triệu đồng vì nhiều lý do.
Lần này mua nhà tôi phải mượn một sổ đỏ của cha mẹ để thế chấp ngân hàng. Để ngân hàng giải ngân, cha mẹ phải làm rất nhiều giấy tờ ngoài quê sau đó bay vào Sài Gòn ký, hôm sau bay về lại vì phải bổ sung gấp một loại giấy tờ khác theo yêu cầu của ngân hàng. Cha mẹ tôi đã 70 tuổi, mẹ bị say tàu xe nên với lượng công việc dồn dập đó và tình hình dịch bệnh căng thẳng tại quê ở thời điểm ấy, mẹ về bị ốm và mắc Covid luôn. Tôi rất thương và cảm thấy có lỗi với cha mẹ về việc này. Còn nhiều việc khác mà ở một khía cạnh nào đó tình thương của cha mẹ ruột không thể so sánh.
>> Sống cho mình thay vì nghĩ đến nhà chồng
Trong khi đó, cha mẹ chồng biết không giúp được gì nên ngại hỏi han, một phần nữa là sự lo lắng. Tình thương rõ ràng không thể xuất phát từ trái tim như cha mẹ ruột tôi được, có hỏi han cũng kiểu cho có, đặc biệt cha mẹ chồng chưa bao giờ hỏi tôi nợ nần, áp lực thế nào. Có những đêm tôi mất ngủ vì những nhiêu khê và thủ tục ngân hàng cũng như với bên bán nhà, tôi không thể chia sẻ với ai. Tuy tôi không nói hết nhưng cha mẹ ruột biết gần như chính xác mọi chuyện, họ luôn lo lắng, đồng hành cùng tôi.
Mẹ chồng chỉ hỏi han qua chồng tôi kỹ hơn sau khi giao dịch xong xuôi và nhà đã cho thuê được. Thật sự tôi không trông mong gì từ nhà chồng, nhưng từ những việc nhỏ đó làm tôi có khoảng cách với cha mẹ chồng. Chưa kể cha chồng nói thì hay mà làm dở, lại hơi thiếu thực tế, thường tôi chẳng có gì để nói nhiều với ông ngoài mấy câu thăm hỏi thông thường. Mẹ chồng thực tế hơn nhưng không thật sự có kết nối vì những lý do đã nói ở trên. Tôi chỉ hỏi thăm xã giao là chính, không như nói chuyện với cha mẹ đẻ.
Tôi hiện tại không giúp được nhiều cho cha mẹ hai bên vì còn nợ nần và nhiều thứ phải lo một mình. Chỉ tết về tôi mới biếu ít tiền và thỉnh thoảng mua vài thứ nho nhỏ. Quan điểm của tôi, nếu cho cha mẹ hai bên, tôi vẫn nghiêng một chút về nhà đẻ vì công lao không thể đong đếm từ họ, điều này hoàn toàn hợp lý. Chồng có vẻ không đồng tình với suy nghĩ đó của tôi, nhiều lần uống say về anh đều nói đi nói lại việc đối xử nội ngoại như nhau và có ý trách tôi thiên vị bên ngoại. Tôi bực bội, nhiều khi muốn nói thẳng với chồng là cha mẹ ai người đấy lo, tôi không có nghĩa vụ phải lo cho cha mẹ anh cũng như nhà anh, cũng không yêu cầu anh làm điều đó với nhà ngoại.
Tôi có quá đáng nếu nói vậy với chồng không? Cách nào hay hơn để chồng không cảm thấy bị tổn thương mà dễ dàng chấp nhận sự thật đó? Tôi muốn kể chi tiết ở đây để mọi người có cái nhìn khách quan, đủ thông tin để cho ý kiến chính xác hơn. Tôi không có ý khoe khoang gì vì bản thân rất nặng gánh và nhiều lo toan. Chân thành cảm ơn các bạn.
Ngọc
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc