Hầu hết những người phụ nữ có con trai cuối cùng sẽ trở thành mẹ chồng. Trước khi trở thành mẹ chồng, cũng hầu hết họ đã làm con dâu. Làm con dâu, theo tôi, là công việc khó nhất đối với người phụ nữ. Và việc khó nhất của cái công việc khó nhất ấy là mối quan hệ với mẹ chồng.
Xã hội đã phát triển rất nhiều. Biết bao lề thói lạc hậu đã bị xóa bỏ. Đặc biệt là quan hệ giữa người và người trở nên rất bình đẳng. Vị trí của người phụ nữ đã được cái thiện một cách đang kể. Thế nhưng, quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu vẫn là “lĩnh vực” được cải thiện chậm nhất.
Tôi không hình dung khoảng 30 năm nữa, những cô gái hiện đang ở tuổi trên dưới đôi mươi bây giờ sẽ trở thành mẹ chồng thì họ có cải thiện một cách quan trọng mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu không.
Chứ bây giờ, quan hệ giữa mẹ chồng con dâu vẫn còn bao điều cần phải nói.
Điều tôi muốn nói ở đây là những đối xử của gia đình nhà chồng đối với con dâu mà dẫn đầu là mẹ chồng thật sự còn có những bất công. Có hai bất công đối với những người phụ nữ làm dâu mà đến thời hiện đại này vẫn tồn tại: Bất công trong trách nhiệm với gia đình và bất công trong tình cảm.
Người con dâu hình như mặc định phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm trong gia đình nhà chồng. Mọi chuyện không ổn trong gia đình đều quy trách nhiệm đầu tiên cho con dâu đặc biệt là dâu trưởng. Nếu người con trai có chuyện gì đó mà gia đình chồng không vừa lòng thì mẹ chồng sẽ đay nghiến “Tất cả là do con vợ nó. Nó nghe vợ, sợ vợ nên chồng nó mới ra nông nỗi này” hay “Nó coi thường mình nên chồng nó mới dám hỗn với mình”. Nếu người chồng thất bại trong làm ăn hay trong sự nghiệp thì lỗi đầu tiên là do người vợ.
Mẹ chồng gặp ai cũng thì thào : “Con tôi vớ phải con vợ như thế thì không đi ăn mày là may rồi” Hay “Con này có số ám chồng nên thằng con tôi mới không mở mày mở mặt được”. Ngay cả khi con trai họ ngoại tình thì họ cũng bênh vực con trai và đổ mọi nguyên nhân lên đầu con dâu “Làm vợ như thế chồng nó không bỏ là còn may chứ kêu ca nỗi gì nữa. Con trai tôi không lấy vợ khác là phúc đức cho nó lắm rồi”. Nghĩa là mẹ chồng tìm mọi cách thậm chí rất cực đoan và bất công để bảo vệ con trai mình và phê phán, nói xấu và đổ trách nhiệm cho con dâu.
Nhưng nếu cô con dâu có chuyện gì đó như là lạnh nhạt với chồng hoặc lỡ có quan hệ khác thường với người đàn ông khác thì mẹ chồng sẽ dẫn đầu một “đoàn biểu tình” lên án con dâu. Mẹ chồng không từ một hành động và lời nói nào để “bôi đen” hình ảnh con dâu.
Mà không chỉ bênh con trai không đâu, mẹ chồng bênh tất cả những người trong gia đình mình trừ con dâu của mình.
Mẹ chồng bênh tất cả mọi người trong gia đình, trừ con dâu (Ảnh minh họa) |
Người mẹ chồng quan sát con dâu giống như thám tử theo dõi nghi phạm. Cái gì con dâu làm cũng không vừa ý bà. Nếu con dâu có mắc một lỗi nào đó thì mẹ chồng ghi nhớ đến cuối đời mà không bao giờ có cửa tha thứ hay bỏ qua. Tôi có một bà bác vô cùng để ý con dâu từng cử chỉ, từng lời nói và chẳng bao giờ thấy dấu hiệu bà thông cảm hay thứ lỗi cho bất kỳ khiếm khuyết nào của con dâu. Một lần tôi hỏi bà: “Bác ơi, nếu chị ấy (con dâu) là cô A (con gái) mắc lỗi đó thì bác có xử chị ấy như thế không?". Nghe tôi hỏi, bác tôi như sững người lại và im lặng.
Mấy tháng sau gặp lại bác tôi, bác nói “Anh nói phải, bác thấy mình cũng khắt khe quá”. Và từ đó, bác tôi đã thay đổi cách đối xử với con dâu mình.
Không ít những người phụ nữ đã phải sống tủi hổ và bất công bởi hành xử của mẹ chồng. Thế nhưng, kỳ lạ thay. Đến khi người phụ nữ ấy trở thành mẹ chồng thì chị lại đối xử với con dâu của mình như mẹ chồng chị đã đối xử với chị trước kia. Tại sao lại cái vòng luẩn quẩn ấy lại cứ tiếp diễn một cách vô lý như vậy? Có rất nhiều lý do. Nhưng lý do chính mà tôi tìm hiểu là: người mẹ chồng vẫn coi con dâu mình là người ngoài chứ không phải người sẽ sống chết cho gia đình mình cả đời.
Chỉ cần người mẹ chồng coi con dâu như con gái mình thì mọi chuyện sẽ thay đổi như có phép màu vậy.
Post a Comment