Liệu có cá thể hoá trách nhiệm của những người trực tiếp soạn thảo, thẩm tra trong quá trình xây dựng bộ luật? Bài học kinh nghiệm rút ra từ sự việc này như thế nào?

Xác nhận lỗi của Quốc hội khi thông qua Bộ luật Hình sự 2015 có sai sót, nhưng việc Quốc hội có tổ chức xin lỗi người dân hay không, thì sẽ được quyết định trên cơ sở làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan.

Rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm đã được đặt ra với đại diện các cơ quan của Quốc hội, tại cuộc họp báo công bố nghị quyết lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015 và 3 đạo luật khác tại Văn phòng Chủ tịch nước sáng 30/6.

Câu hỏi được đặt ra là khi thông qua một bộ luật quan trọng khi còn rất nhiều sai sót, để rồi bộ luật buộc phải sửa ngay khi chưa có hiệu lực thi hành, được xác định là có trách nhiệm của gần 500 đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua luật. Tuy nhiên, liệu có cá thể hoá trách nhiệm của những người trực tiếp soạn thảo, thẩm tra trong quá trình xây dựng bộ luật? Bài học kinh nghiệm rút ra từ sự việc này như thế nào?

Với câu hỏi này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Luật nói, ông thừa nhận trách nhiệm của cá nhân mình trước cử tri, Quốc hội và nhân dân, với tư cách là một đại biểu đã bấm nút tán thành thông qua bộ luật.

“Tôi không có ý trốn trách nhiệm của mình. Tôi thấy rất thấm thía về việc này”, ông Luật khẳng định.

Theo ông, nền tảng để Quốc hội có thể ban hành các quy phạm pháp luật, những căn cứ để trình, thẩm định, thông qua phải được thực hiện rất nghiêm túc, từ việc xây dựng chương trình làm luật hàng năm tới phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, công bố dự thảo để lấy ý kiến nhân dân.

“Chúng ta cũng cần có thời gian, con người cụ thể để đảm bảo việc trình, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ”, ông nói thêm.

Vẫn theo ông Luật, báo cáo mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định trách nhiệm để xảy ra việc này thuộc về toàn bộ Quốc hội và Thường vụ Quốc hội. Tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp làm bộ luật này.

Quốc hội có tiến hành việc xin lỗi người dân về sai sót hy hữu này, khi hệ quả kéo theo của việc này không phải là nhỏ? Đây là một câu hỏi khác từ báo chí.

Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cũng xác nhận ông là một trong những đại biểu đã bấm bút tán thành việc thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015 tại kỳ họp cuối năm ngoái.

Ông Hùng nói: “Tôi thấy có lỗi với cử tri về việc này. Còn việc cá thể hoá trách nhiệm thế nào, tới đây Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ với những cơ quan, cá nhân trực tiếp liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và qua đó Quốc hội sẽ có đánh giá cụ thể. Việc có xin lỗi người dân hay không, tập thể Quốc hội sẽ có quyết định cụ thể trên cơ sở làm rõ hơn nữa trách nhiệm tập thể và cá nhân này”.

Ông Hùng còn nhấn mạnh, người phát hiện những sai sót này là các cử tri, chuyên gia, báo chí. Qua việc này, có thể thấy rõ hơn nữa vai trò giám sát của cử tri, người dân với hoạt động của Quốc hội, kể cả hoạt động lập pháp.

Quốc hội khoá 13 dù sắp kết thúc nhiệm kỳ nhưng Quốc hội khoá 14 và các khoá tiếp theo cần chú trọng hơn nữa vai trò giám sát của cử tri, người dân để chú trọng hơn nữa hoạt động của mình, trong đó có hoạt động lập pháp, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng trao đổi.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top