Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho thấy mèo có khả năng hiểu và áp dụng nguyên tắc nguyên nhân - kết quả để tìm kiếm vị trí con mồi đang ẩn nấp.
Một nghiên cứu mới của Nhật Bản cho thấy mèo cũng có khái niệm sơ đẳng về các định luật vật lý và nguyên tắc nguyên nhân - kết quả. Giác quan sắc bén của con vật cùng với sự ứng dụng các khái niệm vật lý cơ bản giúp chúng săn mồi dễ dàng hơn.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học muốn tìm hiểu liệu mèo có thể đoán sự hiện diện của một đối tượng không nhìn thấy trong hộp dựa vào âm thanh được tạo ra khi hộp rung động không và chúng có mong đợi một vật thể rơi ra khi hộp bị lật hay không?
Để trả lời các câu hỏi trên, nhà khoa học Saho Takagi đã làm thí nghiệm với 30 con mèo nhà trong hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất: Những hộp rơi có tiếng rung lắc có vật thể rơi ra, còn những hộp rơi không kèm tiếng rung lắc thì không có vật thể rơi ra (tuân thủ các nguyên tắc vật lý). Kịch bản thứ hai: Những hộp rơi có tiếng rung lắc thì không có vật thể rơi ra và những hộp rơi không kèm tiếng rung lắc thì có vật thể rơi ra (không tuân thủ các nguyên tắc vật lý).
Kết quả, mèo có xu hướng nhìn chằm chằm vào chiếc hộp phát ra tiếng rung lắc, nghĩa là chúng dự đoán chính xác sự hiện diện của một đối tượng dựa trên âm thanh trong chiếc hộp. Chúng cũng nhìn lâu hơn vào hộp khi có kết quả bất ngờ trái với các định luật vật lý.
Takagi giải thích rằng, những chú mèo này đã vận dụng sự hiểu biết logic về nguyên nhân - kết quả của tiếng ồn hoặc âm thanh khi dự đoán sự hiện diện của các đối tượng không nhìn thấy.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, môi trường sống của các loài có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm hiểu thông tin của chúng dựa trên những âm thanh chúng nghe được, có nghĩa là cách săn mồi bản năng của động vật có thể phản ánh khả năng suy luận dựa trên âm thanh.
Mèo thường đi săn vào ban đêm, tầm nhìn bị hạn chế. Do đó, chúng thường phải suy ra vị trí của con mồi dựa trên âm thanh.
Takagi và các đồng nghiệp cho biết thêm: “Cách săn mồi của mèo có thể cho thấy khả năng suy luận của chúng dựa trên âm thanh con mồi phát ra”. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Animal Cognition ngày 14/6.
Post a Comment