Muôn kiểu "biến hóa" của chiếc áo dài Việt Nam là chủ đề được bàn tán sôi nổi nhất trong dịp Tết vừa qua.
“Thảm họa” sẽ không bền lâu
Bức ảnh bị đưa ra mổ xẻ nhiều nhất là hình ba cô gái mặc cái gọi là áo dài cách tân, trên dáng sườn xám, dưới váy xòe, chất liệu vải hoa hàng chợ. Ngay sau đó, các nhà thiết kế vào cuộc: Người phản ứng cái gọi là áo dài cách tân, cho là xúc phạm đến hồn cốt tinh túy của dân tộc, thiếu tôn trọng truyền thống...; người cho rằng mặc gì cũng được, miễn là đúng chỗ, không quá khoe da thịt và thích thì mặc có sao…
Theo Wikipedia, “kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng màu buông thả. Xưa các bà, các cô búi tóc trên đỉnh đầu hoặc quấn quanh đầu, đội mũ lông chim dài; về sau bỏ mũ lông chim để đội khăn, vấn khăn, đội nón lá, nón thúng. Cổ nhân xưa đi chân đất, về sau mang guốc gỗ, dép, giày. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán, chiếc áo giao lãnh được thu gọn lại thành kiểu áo tứ thân (gồm bốn vạt nửa: Vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải, vạt nửa sau trái). Áo tứ thân được mặc ra ngoài váy xắn quai cồng để tiện cho việc gồng gánh nhưng vẫn không làm mất đi vẻ đẹp của người phụ nữ”.
Như thế, ngay từ thời xa xưa, lịch sử áo dài đã “ghi nhận” hiện trạng váy tơ đen mặc chung với thân áo tứ thân cách điệu. Thế cho nên, hình ảnh chiếc áo dài cách tân mặc chung với váy xòe không phải quá xa lạ với phụ nữ Việt, càng không xa lạ với một số nhà thiết kế trong nước. Vì sao trong trào lưu mặc áo dài cách tân trỗi dậy, lại có nhiều ý kiến trái chiều phản đối như vậy?
Nhà thiết kế áo dài thương hiệu ABC Đinh Văn Thơ khẳng định: “Chuyện áo dài cách tân với tôi không quan trọng lắm, vì mỗi người có sở thích, có thẩm mỹ khác nhau. Ngày tết, ra đường, thấy các cô mặc áo - váy cách tân cũng khá dễ thương, không thấy có vấn đề gì cả. Gần đây, trong xu hướng hội nhập, cả thế giới dường như ăn mặc cũng theo trào lưu giống nhau, ngay cả trang phục truyền thống mỗi nước cũng có sự giao thoa, thay đổi, miễn là người mặc thấy đẹp. Tôi muốn khẳng định, áo dài cách tân không phải là trang phục truyền thống, nên không việc gì phải chỉ trích hay đặt vấn đề quá to tát.
Về mặt tổng thể, tôi cũng không thấy áo dài cách tân giống trang phục Trung Quốc. Nếu nói thích thì tôi không thích lắm, nhưng cũng không có ý kiến, chỉ thấy phần trên áo khá đẹp, còn phần dưới thì nên mặc quần hơn là váy xòe, trông cân đối, khoe dáng và hợp lý hơn. Nhưng thử hỏi, nếu dạo phố, các bà, các chị, các em có thích mặc áo dài truyền thống hay không, hay với tà áo cách tân thì có thể xoay trở thuận tiện hơn rất nhiều? Ngược lại, trong lễ hội, không thể “khoe” chiếc áo dài cách tân bên cạnh sự độc tôn của áo dài truyền thống, vì như thế là không đúng chỗ. Đơn giản chỉ có vậy thôi”.
Siêu mẫu Thanh Hằng mặc áo dài cách tân. Ảnh: TL
Ngược lại, NTK Lan Hương cho biết mình cảm thấy đau xót khi thấy nhiều người mặc áo dài cách tân với quần ngắn, váy đụp và chị gọi đó là việc làm “biến thái” áo dài. “Tôi bị giật mình khi những hình ảnh này đập vào mắt mình. Thậm chí có nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân, có học thuật trong nghề nghiệp, nhưng lại mặc những bộ trang phục như vậy. Tôi cũng không hiểu lại có một nhân tố nào đó trong xã hội táo bạo đến mức có thể làm cho trang phục áo dài bị biến thái đi quá nhiều so với vẻ đẹp vốn có của nó. Thời trang là vô giới hạn, mỗi người sẽ có một quan điểm thẩm mỹ khác nhau. Cũng không thể cấm việc cách tân áo dài, nhưng tôi xin mọi người đừng gọi những sản phẩm đó là áo dài, kể cả áo dài cách tân cũng không xứng.
Dù chưa chính thức được chọn là quốc phục của Việt Nam, nhưng bao năm nay ào dài truyền thống đã nằm trong tiềm thức của mỗi người dân, đã gắn với quốc hồn quốc túy, văn hóa của dân tộc. Nhất là thời gian tới chúng ta đang hướng đến việc kêu gọi mọi người gìn giữ vẻ đẹp của áo dài truyền thống, khuyến khích người dân mặc trong những dịp lễ quan trọng. Vì vậy tôi mong mọi người đừng vì nhu cầu cuộc sống, vì một vài đồng tiền mà biến nó trở thành một thứ kệch cỡm, làm biến thái nó. Người sử dụng nó cũng không có ý thức trong việc gìn giữ bản sắc. Hiện tại đang có một thực tế, mọi người dùng đồ nhưng không ý thức việc dùng sao cho có văn hóa và dường như quá dễ dãi với tất cả những gu thẩm mỹ về thời trang”.
Cách tân cũng nên có chừng mực
Theo quan điểm của NTK Audrey Hiếu Nguyễn thì việc cách điệu và kết hợp áo dài vạt ngắn cùng váy xòe vẫn nằm trong khuôn khổ và có thể chấp nhận. “Việc mặc áo dài cách tân với chân váy đụp không có gì để đáng lên án, vì đó là lựa chọn của mỗi người. Trong các trang phục của Việt Nam xưa thì chân váy đụp được mặc kết hợp áo yếm và áo tứ thân cũng đầy hồn Việt. Nó cũng gần giống như những chiếc váy xòe đơn giản thời hiện đại. Có điều không phải trang phục nào cũng phù hợp với người mặc nên cần cân nhắc kỹ trước khoác lên mình. Vì suy cho cùng thời trang vẫn cần phải có thẩm mỹ”.
Còn với NTK Hà Thanh Huy, dù nhận xét áo dài - chân váy không đẹp, nhưng cũng chấp nhận sự cách tân chừng mực, không quá lố: “Tôi thấy áo dài mặc với chân váy không đẹp, vì dáng váy rộng, xòe, không khoe trọn dáng vóc người phụ nữ so với khi kết hợp cùng các loại quần (quần ống rộng, ống ôm, hay quần jeans) đều đẹp. Có thể, từ cải biến bộ trang phục áo dài - váy xòe mà siêu mẫu Thanh Hằng mặc, các cô gái thấy đẹp quá, thích bắt chước, mới có loại cách tân như vậy. Đừng nghĩ mình làm gì cũng giống người khác… Tôi chỉ muốn nói rằng cách tân cũng nên có chừng mực, đừng đi quá lố; cách tân theo hướng hiện đại, đổi mới là chấp nhận được, miễn là không làm mất đi nét đẹp của chiếc áo dài”.
Post a Comment