Tình tự dân tộc, do hệ thống truyền thông trong tay giới tinh hoa thân cận chính quyền và phe tân tả cực đoan kích động, từ lâu đã thuộc về chương trình nghị sự hàng ngày ở Ðại lục. “Giờ khắc Phục hưng của dân tộc Trung Hoa vĩ đại đang đến”, hay “Thế kỷ 21 là thế kỷ Trung Quốc”, hay “Trung Quốc sắp thay thế Hoa Kỳ đứng đầu thế giới”, cả báo chí nhà nước lẫn những cái miệng của giới tinh hoa chính trị đều không ngừng tuôn ra những đại ngôn như vậy. Cái chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt được mọi phong trào phản Mỹ, phản Nhật, phản Ðài ủng hộ đó thường sặc mùi máu. Mỗi khi có xung đột Trung-Mỹ, Trung-Nhật xuất hiện, hay có sự kiện Trung-Ðài nào xảy ra, trên mạng lập tức có những kẻ đồng thanh đòi nợ máu. Nhiều người được gọi là chuyên gia cũng thường xuyên hòa giọng vào dàn đại hợp xướng khiêu khích chiến tranh đó.

Thành tựu của mọi người Hoa ở phương Tây, bất kể là công dân Ðại lục hay chỉ cần gốc Hoa, đều như một thứ ma túy được truyền thông Trung Quốc dùng để gây một cơn say tập thể, khiến cả quốc gia chuếnh choáng trong một tinh thần ái quốc sặc mùi vĩ cuồng. Từng bị coi là “con bệnh Á Ðông”, Trung Quốc đặc biệt ưa ưỡn ngực tự hào dân tộc trước các thành tích thể thao. Khi Vương Quân Hà liên tục chiến thắng ở các cự ly 5000m và 10000m trong giải điền kinh quốc tế và Olympic, phá kỷ lục thế giới và được trao Giải Jesse Owens cho thành tựu thể thao xuất sắc nhất, truyền thông Trung Quốc reo hò: “Tốc độ và sự bền bỉ phương Ðông chinh phục thế giới!”. Khi Diêu Minh thành trung phong trong đội Rockets thuộc Hiệp Hội Bóng rổ Quốc gia Bắc Mỹ, báo chí Trung Quốc rùm beng: “Ðộ cao Trung Hoa chinh phục Mỹ quốc!”. Và khi Lưu Tường giành huy chương vàng Olympic trong môn thi chạy vượt rào 110m tại Athens, báo chí Trung Quốc giật tít: “Tốc độ Trung Quốc siêu việt thế giới!”. Giải Oscar “Ðạo diễn xuất sắc nhất” cho Lý An với bộ phim Chuyện tình sau núi (Brokeback Mountain) được truyền thông Ðại lục coi là “Vinh quang của toàn thể người Hoa”.

Tinh thần AQ tưởng đã chết từ lâu, vậy mà giờ đây nó hiện diện khắp nơi. Trên màn ảnh truyền hình, hết nhà Hán đến nhà Ðường, nếu không thì triều Khang Hi hay triều Càn Long thay nhau hưng thịnh. Ðại tướng diệt Hung Nô Hoắc Khứ Bệnh hay Nguyên Thái tổ Thành Cát Tư Hãn cưỡi ngựa chinh chiến khắp lục địa Á-Âu; đô đốc Trịnh Hòa, vị thủy sư Trung Quốc đầu tiên đến châu Âu vào thế kỷ 15, hay Khang Hi và Càn Long, những hoàng đế đã mở mang bờ cõi Trung Hoa – kỳ tích của các nhân vật lịch sử đã bành trướng Trung Hoa vừa được dùng để vuốt ve lòng sĩ diện của người Trung Quốc hiện nay, vừa để củng cố quan niệm truyền thống về Trung Quốc, đế chế ở trung tâm thiên hạ, và kích thích dục vọng bá quyền.

Dù quốc lực và quân lực của Trung Quốc đã tăng trưởng không thể không thừa nhận, tôi cho rằng còn rất lâu Trung Quốc mới đọ nổi sức mạnh thực sự của các quốc gia tự do, chưa nói đến việc thay thế vị trí cường quốc đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ trong vòng hai mươi năm tới. Người Trung Quốc đang lâng lâng với những mơ tưởng nước lớn mà thực chất chỉ là một hình thức chống lại mặc cảm tự ti của mình.

Nhưng sự thật không thể chối cãi là chủ nghĩa dân tộc đó bị một chính quyền độc tài công cụ hóa, và cái dân tộc đang mụ mẫm trong tinh thần dân tộc đó đang đánh mất lý trí của mình, đang mù trước những giá trị phổ quát toàn thế giới và sẵn sàng nhai lại những thủ pháp tu từ về độc tài và bá quyền. Cái quan niệm kinh hoàng và ngu muội về mình như quốc gia duy nhất dưới gầm trời, như thuở nào dưới thời các hoàng đế Trung Hoa, đã lan chóng mặt và một lần nữa đẩy Trung Quốc tới ranh giới nguy hiểm; một phần khá lớn người Trung Quốc đã đánh mất mọi khả năng sử dụng lý trí và tin tuyệt đối vào những giấc mộng được nuôi dưỡng bằng cuồng vọng của một chính quyền độc tài. Tình hình đã nguy tới mức đồng bào tôi đang đê mê trong các huyền thoại hư cấu chỉ còn một mắt để ngắm sự trỗi dậy huy hoàng của Trung Quốc và kiên quyết khước từ mặt trái ê chề của sự trỗi dậy đó. Lời khen từ phương Tây thì họ dỏng tai nghe, lời phê thì họ làm như tai điếc.

Trung Quốc đã trả một cái giá đắt cho tăng trưởng kinh tế mà không đi kèm những cải cách chính trị cần thiết, đắt hơn rất nhiều so với tiến trình đi lên ở các quốc gia khác. Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có được nhờ tước đoạt quyền của người lao động trong các công xưởng mồ hôi nước mắt, và sự tăng trưởng quy mô lớn đi liền với việc bóc lột các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường. Việc mua vũ khí hiện đại của Nga với giá rất cao và thường xuyên đứng đầu danh mục chi tiêu của Ðảng Cộng sản là sự độc quyền hóa các nguồn vốn tài chính lẽ ra thuộc về người dân bằng quyền lực của một chính phủ độc tài, là sự phung phí thành quả lao động của người dân. Ðằng sau những núi tiền mà du khách Trung Quốc chở ra nước ngoài là sự phân hóa xã hội xuất phát từ chế độ đầy hủ bại và sở hữu tư nhân của một nhúm nhân vật quyền lực. Trật tự xã hội, thoạt nhìn thì vững như bàn thạch, thực ra đang lung lay bởi những xung đột ngày càng gay gắt giữa chính quyền và những tổ chức ngày càng sinh sôi nhằm bảo vệ quyền của người dân.

Ðáng nản hơn nữa là cơn cuồng dân tộc ngạo mạn này bắt nguồn từ một ý thức dân tộc thiếu vắng mọi tiêu chí văn minh, một thứ luân lý man khai, một tâm thức chủ-nô. Trước kẻ mạnh thì cam phận bề dưới, trước người yếu thì lên mặt bề trên. Thất bại thì tự ti quá mức, lại còn đắc ý được an phận tôi đòi. Thành công thì mục hạ vô nhân, dương dương tự phụ như làm ông chủ cả thế gian. Một dân tộc với một ý thức dân tộc như vậy thật khó mà tiến lên thành một nền văn minh với cảm thức về phẩm giá của chính mình. Ðồng bào tôi tiếp thu tất cả những gì từ trên ban xuống, kể cả trấn áp và lừa mị, như những đứa trẻ tuân lời người lớn. Họ không có não, không có lòng tự trọng và không có tư cách, như thể họ không biết tự suy nghĩ và không biết tự chọn đường mà đi. Kẻ thống trị dụ họ bằng tiểu ân tiểu huệ, dọa họ bằng roi vọt, ngu trí họ bằng ca vũ thăng bình, và đầu độc tâm hồn họ bằng những lời dối trá.

Trong lịch sử nhân loại, tuyệt đối không một ngoại lệ – dù đó là nước Pháp của Napoleon, nước Ðức của Hitler, nước Nhật của Thiên hoàng Minh trị, hay đế chế Sô-viết của Stalin – không một quốc gia hùng mạnh nào dựa trên một thể chế độc tài lại không diệt vong và không kéo theo đại họa cho văn minh nhân loại. Sự trỗi dậy của Anh và Mỹ ngược hẳn với những mô hình độc tài kể trên. Cả hai đều trở thành những cường quốc trên cơ sở hiến pháp tự do và nền dân chủ đại nghị, tuy với công cuộc giải phóng thuộc địa, thời hoàng kim của đế chế Anh đã trở thành dĩ vãng. Ðường trở thành cường quốc của Hoa Kỳ, ngược lại, không còn liên quan gì đến các mô hình từng thấy trong lịch sử. Vai trò lãnh đạo thế giới mà Hoa Kỳ bắt đầu đảm nhiệm từ thế kỷ 20 không hề dựa trên sự chiếm đóng và bóc lột các lãnh thổ khác như ở thời thuộc địa. Mà hơn thế, nó dựa trên chính sách phản thực dân và vị trí đi đầu vì tự do và dân chủ.

Ngày nay, Trung Quốc nhất định không thể lớn mạnh bằng cách lặp lại con đường quật khởi nhờ sức mạnh độc tài như Ðức, Nhật hay Liên Xô trước đây. Trung Quốc phải đi theo tấm gương trỗi dậy bằng sức mạnh của nền dân chủ, như Anh và Mỹ. Ở Trung Quốc hiện tại, trong cả dân chúng lẫn chính giới đều có những quan niệm rất khác nhau về lộ trình quật khởi của Trung Quốc, bằng thể chế độc tài hay bằng thể chế dân chủ. Hoàn toàn không có một dự đoán nào khả dĩ về tương lai. Sự phát triển như vũ bão của kinh tế thị trường cũng như ý thức ngày càng lớn mạnh về các quyền sở hữu tư nhân mặc nhiên cho thấy một tiềm lực khổng lồ ủng hộ nguyện vọng tự phát trong dân chúng hướng tới tự do. Song đồng thời, nhu cầu củng cố những đặc quyền đặc lợi của bộ máy quan quyền trong hệ thống độc tài lại là chướng ngại lớn nhất trên đường đến tự do. Bất luận nền kinh tế còn tiếp tục tăng trưởng, bất luận các trung tâm thành thị ngày càng giống các đô thị quốc tế, bất luận giới quyền quý ngày càng biết hưởng thụ xa xỉ và học cách sống hiện đại, chừng nào Trung Quốc còn là một đất nước đảng trị độc tài, chừng đó nó không bao giờ có thể tiến lên thành một quốc gia văn minh thuần thục.

Vì thế, các quốc gia dẫn đầu thế giới ngày nay cần hiểu rất rõ rằng ván cờ mà Trung cộng độc tài đang chơi với các nước dân chủ tự do không có dây mơ rễ má gì với chủ nghĩa cộng sản truyền thống của thời Liên Xô trước đây nữa. Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ chức năng canh giữ ngôi đền ý thức hệ để nhằm vào cuộc đổi chác: vứt bỏ hệ tư tưởng, đổi lấy kinh tế thị trường. Trong khi về kinh tế, cải cách thị trường có nhiều tiến bộ và Trung Quốc đã gia nhập vào tiến trình toàn cầu hóa thì về chính trị, nó vẫn kiên quyết giữ vững chế độ độc tài và làm tất cả để ngăn cản bước chuyển hóa hòa bình của xã hội theo hướng các xã hội phương Tây. Không khó gì để nhận ra rằng chính quyền cộng sản với túi tiền căng phồng của nó đang chơi trò ngoại giao kim tiền với toàn thế giới, và đang trở thành cỗ máy truyền máu cho những chế độ độc tài khác, bằng cách dùng tiềm lực kinh tế và tài chính lớn lao của mình để phân hóa các liên minh phương Tây và dùng quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc làm công cụ cám dỗ và gây áp lực với tư bản phương Tây.

Nếu sự trỗi dậy của quốc gia độc tài hùng mạnh này, với thế lực kinh tế nhanh chóng phát triển của nó, không bị một ngáng trở nào từ bên ngoài, và nếu bên ngoài vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách nhân nhượng với chế độ chuyên quyền này thì lịch sử sẽ lặp lại những sai lầm của nó. Kết quả của sự nhân nhượng ấy không chỉ là một thảm họa cho nhân dân Trung Quốc, mà còn có thể hủy diệt cả tiến trình toàn cầu hóa của các quốc gia tự do. Ðể tránh những ảnh hưởng tiêu cực của nền độc tài Trung Quốc đối với các thành tựu của văn minh nhân loại, trách nhiệm của thế giới tự do là tác động bằng mọi cách nhanh nhất để chuyển hóa quốc gia độc tài lớn nhất thế giới này thành một nhà nước dân chủ.

Bắc Kinh, 17 tháng 12 năm 2006

Nguồn: Bản gốc đăng trong tạp chí Ren Yu Ren Quan tháng Giêng 2007. Bản lược dịch tiếng Việt dựa trên bản tiếng Đức, in trong tuyển tập Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, Fischer, Frankfurt am Main, tr. 152-158.

By Phạm Thị Hoài

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top