Chỉ sau vài năm xoá bỏ chế độ độc tài được duy trì bằng quân sự và chuyển sang thể chế dân chủ đa đảng, Myanmar đã trở mình phát huy sức mạnh của người dân để bắt đầu phát triển kinh tế cho đất nước, mà trước đó về nhiều mặt họ tụt hậu hơn chúng ta.

Nhưng may thay, đất nước ấy sản sinh ra một người đàn bà đẹp đẽ, trí tuệ và bản lĩnh đến kiên cường, song song với đó là bộ máy độc tài nhưng vẫn còn lương tri và biết chia sẻ quyền lực để vực dậy đất nước đang nghèo nàn của họ, đó là ông Thein Sein – cũng vĩ đại không kém bà Aung San Suu Kyi, vì dám từ bỏ quyền lực độc tài chuyên chế suốt bao năm trị vì để bắt tay với bà Kyi (đảng đối lập xuất phát từ nhân dân, sau hàng chục năm kiên trì đấu tranh và tù đày) nhằm chuyển hoá thể chế chính trị (từ độc tài sang dân chủ) một cách ôn hoà tránh một cuộc bạo động đổ máu và bạo loạn xã hội có thể xảy đến trong nay mai nếu mâu thuẫn dân tộc đến điểm cùng cực.

Chỉ khi có một chế độ dân chủ, không có đảng độc tài lãnh đạo toàn diện và xã hội mà đảng đó lại không hoạt động bằng luật pháp, khi đó người dân của một đất nước mới có cơ hội để làm ăn và phát triển đi lên, trong tư duy của họ lúc đó mới có tâm thế một người chủ của quốc gia thực sự. Chứ không phải choán hết tâm trí từ thế hệ này sang thế hệ khác chỉ là nỗi sợ hãi bao trùm và những lời răn dạy được tiêm truyền vào trong đầu những lớp người là phải dối trá và quỳ gối, nịnh nọt mà thăng tiến hay tìm kiếm lợi ích cho bản thân.

Đó quả là nhục nhã và bất hạnh cho một dân tộc.

Myanmar đã có thể chế dân chủ và đa đảng, được dẫn dắt bởi những người trí thức thực sự vì dân, vì nước, biết buông bỏ quyền lực độc tài để trả lại cho những người có tài khác cùng gánh vác trọng trách xây dựng đất nước. Vì tổ quốc không phải là cái nhà của một ông chủ độc tài, không phải của riêng chính quyền hay đảng phái nào, mà là di sản của dân tộc được dành lại từ đời này qua đời khác.

Chúng ta cũng chỉ là một phần chuyển tiếp của lịch sử dân tộc. Chẳng có lý gì để chiếm trọn quyền lực và bắt buộc nhân dân của mình phải răm rắp tuân theo mọi mệnh lệnh của nhà cầm quyền. Mà nếu chỉ là một người hay một đảng lãnh đạo nhà nước thì nó đã phá vỡ hai nguyên tắc tối cao:

Một là, phá vỡ sự tối cao của nhân dân về vị thế làm chủ quyền lực nhà nước, từ đó là tước bỏ đi hiệu lực tối cao của Hiến pháp;

Hai là, tước bỏ đi hoàn toàn các học thuyết về nhà nước khi đảng không bao giờ là chủ thể thuộc về hệ thống cấu thành nhà nước. Nhà nước, hay chính quyền chỉ bao gồm ba nhánh, lập háp, hành pháp và tư pháp.

Thế nên duy nhất một đảng lãnh đạo toàn diện nhà nước (mà không hoạt động theo luật pháp) là đang chà đạp lên Hiến pháp và mọi học thuyết về chính trị, tước bỏ vị thế tối cao của nhân dân. Vì trên nhà nước thì chỉ còn nhân dân, chứ không ai hay tổ chức, đảng phái nào được đứng trên (lãnh đạo) cái nhà nước đó nữa.

Chúc mừng Myanmar và người dân của họ. Họ đã được hưởng nền dân chủ và có cơ hội để sửa chữa những sai lầm nếu bộ máy đó không vì họ mà phục vụ. Còn trong chế độ độc tài thì không có cơ hội để làm lại, nó sẽ nghiền nát và giết chết bất cứ ai phản kháng lại ý chí của nhà cầm quyền và nó sẽ quyết giữ lợi ích của nó cho đến khi nhân dân nổi giận và muốn tìm lại vị thế làm chủ đất nước của mình.

Nhưng tự do, dân chủ, không bao giờ là miễn phí, nếu không phải đánh đổi bằng tự do của một vài người, thậm chí là cả một dân tộc bị cùm kẹp. Nếu cam chịu, dân chủ là giấc mơ của muôn vàn triệu người nô lệ, thấp hèn chấp nhận sống lay lắt trên chính quê hương mình.

 LUÂN LÊ 

Nhà báo tự do

Tham khảo: Myanmar: Sự chuyển mình đáng kinh ngạc – báo Pháp Luật

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top