Khi nghe đến hàng trăm nghìn những sinh viên trẻ Hồng Kông, rồi hàng chục vạn người trẻ Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối lãnh đạo cao nhất của chính quyền nước họ phải từ chức và chịu điều tra độc lập, phải trao trả quyền lực độc lập về cho nhân dân, tôi thấy đau đớn cho sự im lặng trong thân phận bé mọn của giới trẻ và sinh viên Việt Nam mình.

Hôm nay, sinh viên luật ở Mỹ lại có một hành vi chính trị được coi là quyền đương nhiên đến mức bình thường của một con người mà bất kỳ một công dân Hoa Kỳ nào cũng đều có thể hực hiện – họ chung tay đâm đơn kiện tân Tổng thống Donald Trump ra Toà án bảo hiến để chống lại sắc lệnh vừa mới ban hành của ông ấy khi họ cho rằng nó có dấu hiệu vi phạm vào Hiến pháp nước này. Tôi lại tự đặt câu hỏi, giới trẻ và sinh viên luật của chúng ta đang làm gì và ở đâu khi đất nước cần đến? Chúng đang hưởng thụ và học tập những thứ học thuật cao siêu nào mà không nhìn thấy những thảm trạng trên đất nước mình trong tình cảnh vi phạm pháp luật một cách hiển nhiên và đầy rẫy trước mắt mỗi ngày?

Chúng đang học để làm gì? Để bảo vệ điều đúng đắn và phụng sự quốc gia hay nhất mực im lặng rồi sẽ luồn lách để tìm kiếm cái niêu cơm cho đầy cái bụng và ấm cái tổ của mình sau này?

Tôi hiểu nỗi cô đơn đến tột cùng của những người trí thức chân chính. Bởi lẽ, những tiếng nói của họ có thể lan toả và thuyết phục, đánh thức được những tâm hồn và lương tri xa lạ, không hề quen biết, nhưng thực sự đau đớn là những người thân quen và biết họ trong đời thường lại xem nhẹ, thậm chí chỉ trích hay dè bỉu những tiếng nói lương tâm của những người đang nhìn về và dành nỗi cảm thông cho đồng loại trên tổ quốc mình.

Với người thân quen, họ nhận được sự ngăn trở và xa lánh, với người xa lạ, họ nhận được sự ủng hộ và quý mến, động viên. Những nghịch lý để tạo nên nỗi cô đơn đến cùng cực của người trí thức.

Và còn nữa, đó chính là đặc tính rời rạc của giới trí thức Việt Nam, họ không có tinh thần chung, họ thường soi xét nhau, họ sợ người khác hơn mình, thậm chí sẵn sàng chà đạp nhau để mà thoả cái lòng ích kỷ của bản thân. Còn phần khác thì im lặng trong sợ hãi cốt để yên thân và nghĩ rằng đó là vì thế hệ con cháu để chúng được vô sự như cha mẹ chúng hôm nay.

Tôi đi ra đường, ngồi những nơi tôi đến, thường thì tôi nghe được rất nhiều những lời nói phù phiếm, sáo rỗng, phô trương, khoe mẽ và chuyện nhảm nhí đời thường. Tôi không nghe thấy những lý tưởng hay những câu chuyện chia sẻ về đất nước mình hoặc phương cách để thay đổi chúng tốt hơn lên mà có cơ hội tìm kiếm tương lai cho đời mình của những người xung quanh.

Tuổi trẻ và thế hệ trẻ của chúng ta đang ở đâu và làm gì? Họ học gì và nói gì với nhau trên tổ quốc đầy thương tổn và ngày càng khánh kiệt này?

Họ chỉ lo mưu cầu đời mình mà không tính dựng xây đất nước.

Họ không hiểu giá trị của họ nên thành ra trở nên như những công dân đầu gỗ trên mảnh đất quê hương dung dưỡng chúng.

Ngẩng đầu lên, nhắm mắt lại mà tư duy, mà suy nghĩ và đau đớn với những phận người và mệnh đời. Để hiểu rằng đất nước này là của chính mình, do mình gây dựng và tạo lập nên, mà rồi sẽ trở thành di sản cho con cháu hưởng chung. Đừng cố kiếm tìm và ký sinh trên mảnh đất là tổ quốc của mình rồi âm thầm rời bỏ quê hương trong nỗi hèn mọn đến bạc nhược.

Vì khi ra đi bằng nỗi hèn mạt, thì ở đâu bạn cũng chỉ có sự hèn mạt để sống mà thôi.

Tác giả: FB Luân Lê (theo TTXVH)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top