Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa gửi đến các vị đại biểu báo cáo tổng hợp ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ tư.

Trước đó, ngày 25/10, ông Phúc đã có công văn xin ý kiến đề xuất về nội dung nói trên và đã nhận được hồi âm của 59 đoàn đại biểu Quốc hội. Trong đó, có 5 đoàn không có ý kiến và đã có 318 lượt đoàn đề xuất chất vấn đối với 115 nhóm vấn đề chất vấn.

12 dự án công thương trong danh sách chất vấn

Theo thông lệ, vào kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp này, với Thủ tướng, có 23 lượt đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất chất vấn đối với 16 nhóm vấn đề.

Một số vấn đề có hai đoàn muốn chất vấn. Gồm, giải pháp khắc phục và hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Vấn đề thoái vốn và hoạt động của các doanh nghiệp thua lỗ lớn, kéo dài, giải pháp khắc phục. Giải pháp cụ thể sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả.

Các vấn đề còn lại đều chỉ có một đoàn đề xuất. Như, kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giải quyết các dự án có nguy cơ khó triển khai thực hiện. Nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng phân bổ vốn đầu tư (kể cả đầu tư trung hạn, chương trình mục tiêu quốc gia) chậm làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn xây dựng, đến phát triển kinh tế xã hội.

Giải pháp và lộ trình thực hiện việc xử lý dứt điểm các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, trọng tâm là 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Vẫn nằm trong 16 nhóm còn là vấn đề đầu tư, làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp Nhà nước, chậm cổ phần hóa. Vấn đề thoái vốn và hoạt động của các doanh nghiệp thua lỗ lớn, kéo dài, giải pháp khắc phục. Cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh doanh.

Tiếp theo là việc lùi thời gian thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông; nguyên nhân và lộ trình cụ thể khi thực hiện. Việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hiện nay.

Đại biểu còn muốn chất vấn Thủ tướng về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng đặt trạm thu phí không đúng vị trí, cơ sở tính toán phí giao thông, thời gian hoàn vốn quá dài làm lợi cho nhà đầu tư, thiệt hại cho người dân khi tham gia giao thông trong các dự án đầu tư BOT giao thông. 

Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế, quy định việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng để xử lý lượng xỉ than rất lớn tại các nhà máy nhiệt điện, cũng nằm trong các đề xuất cuả đại biểu.

Cải cách thể chế, phân bổ vốn đầu tư

Nhóm vấn đề tiếp theo là giải pháp để xã hội hóa có hiệu quả các lĩnh vực trọng yếu, nhất là y tế, giáo dục để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, mong muốn thiết yếu của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân, giải pháp, lộ trình khắc phục tình trạng văn bản có quy định không phù hợp nhưng chậm được các bộ, ngành sửa đổi; nhiều văn bản được ban hành nhưng không có tính khả thi, chồng chéo, bất cập đã diễn ra trong nhiều năm.

Việc thực hiện cải cách thể chế nhằm phát triển kinh tế chưa thực sự đạt kết quả, việc cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật ở nhiều lĩnh vực còn chậm, nhiều vướng mắc bất cập chậm được tháo gỡ, sửa đổi, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội; giải pháp khắc phục trong thời gian tới cũng được một đoàn đề xuất.

Nhóm vấn đề dự định chất vấn Thủ tướng còn là giải pháp khắc phục tình trạng phân bổ vốn đầu tư trung hạn, đặc biệt là phân bổ vốn này trong năm 2017 và vốn ODA bị chậm, không đúng với kế hoạch trong nghị quyết của Quốc hội, tình trạng đã phân bổ, nhưng giải ngân chậm. Giải pháp khắc phục tình trạng chất lượng, nội dung và thời gian của các dự án luật trình Quốc hội không đảm bảo theo luật. 

Vấn đề cuối cùng là việc thực hiện quản lý, giám sát hoạt động của các quỹ được quy định trong các bộ luật, luật. Ví dụ: quỹ bảo vệ môi trường, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia...

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top