Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh chứ không cao như đại biểu nhận xét.

Với thời gian gấp đôi các vị Bộ trưởng khác (thường là hơn 10 phút) Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã "phản biện" nhận định của đại biểu về một số vấn đề liên quan đến thuế, cuối phiên thảo luận chiều 1/11 của Quốc hội.

Trước đó, trong hai ngày thảo luận, các vị đại biểu cũng đã bày tỏ không ít lo lắng về thu, chi ngân sách và nợ công.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) cho rằng vì thu không đủ chi nên đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao. Thực tế, có những lĩnh vực mà doanh nghiệp đã phải chịu từ 12 - 15 loại thuế và phí.

Đại biểu Chuẩn nhận định Việt Nam là một trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội là rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển. Nếu tính tỷ lệ thu ngân sách /GDP thì Việt Nam đang đứng ở thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4% và Malaysia 14,3%.

So với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác, ông Chuẩn phân tích.

Đại biểu đề nghị nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành thay cho việc tận thu, hành thu sang dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu.

Hồi âm ý kiến đại biểu Lê Minh Chuẩn, Bộ trưởng khẳng định tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao như đại biểu đã nhận xét. Cụ thể tỷ trọng huy động ngân sách trên GDP của Việt Nam năm 2018 là 23,9% GDP trong đó động viên từ thuế và phí có 19,7%. Trong khi theo báo cáo của IMF vào tháng 10/2017 tỷ trọng tổng thu ngân sách nhà nước trên GDP năm 2016 bình quân của các nước Liên minh châu Âu là 44,3% GDP. Của các nước phát triển và mới nổi ở Châu Á là 25,5%, của một số nước trong khu vực như Trung Quốc 28,2%, Ấn Độ 21,3%, Thái Lan 22,4%, Malaysia 20,4% ...

Theo Bộ trưởng, khi so sánh số liệu thu ngân sách giữa các nước, cần chú ý đảm bảo việc so sánh dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất. Số thu ngân sách của nhiều nước thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền Trung ương, trong khi số liệu của Việt Nam bao gồm cả 4 cấp ngân sách là ngân sách Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, theo quy định của Hiến pháp là ngân sách lồng ghép.

Bộ trưởng cũng giải thích, về phạm vi, thu ngân sách Việt Nam bao gồm cả thu từ dầu thô, thu sử dụng đất từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trong khi ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu từ vốn, thu từ bán tài nguyên quốc gia, và không được tính vào nguồn thu từ thuế và phí, ví dụ như Trung Quốc. Hoặc các nước phát triển cả huy động bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách nhà nước, trong khi Việt Nam lại loại trừ khoản này ra, rất là khác nhau nên khi so sánh phải đưa vào cùng bản chất, cùng nội dung để so sánh.

Vẫn theo Bộ trưởng thì trong thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm, giãn thuế nhanh và mạnh hơn so với lộ trình đã dự kiến, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển kinh tế.

Chính vì thế, cùng với sự sụt giảm nhanh từ dầu thô và xuất nhập khẩu nên tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí có xu hướng giảm nhanh. Dự kiến năm 2018 là 19,7% GDP, giảm so với 2017 là 20,1% và chưa đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 là tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21% GDP,  Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để xử lý vấn đề này một cách căn cơ trong trung hạn và dài hạn, Bộ trưởng bày tỏ là "cơ bản nhất trí" với ý kiến nhiều đại biểu về việc cần phải xem xét để có những điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, siết chặt các ưu đãi về thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế, điều chỉnh thuế suất phù hợp.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top