Trong thời gian qua việc chưa thực hiện chế độ lương hưu đối với người bị tù giam trước 1/1/2016, đặc biệt là đối với những người bị tù giam, bị buộc thôi việc trước 1/1/1995 là chưa đúng với Hiến pháp, đại biểu Đỗ Văn Sinh khẳng định trước Quốc hội, chiều 1/11.
Tại nghị trường, đại biểu Sinh khẳng định, lương hưu là khoản thu nhập hợp pháp của công dân Việt Nam sau khi họ đã có thời gian cống hiến và đóng đầy đủ vào quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước quản lý. Điều 32, Hiến pháp quy định, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp. Như vậy, lương hưu thuộc quyền sở hữu của công dân Việt Nam đã được hiến định.
Còn theo quy định hiện hành trong Luật Bảo hiểm xã hội thì kể từ ngày 1/1/2016 trở đi những người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì tiếp tục được hưởng lương hưu trong quá trình tù. Đối với những người lao động trong quá trình bị tù giam nếu đến tuổi về hưu thì được ủy quyền cho người thân thực hiện các chế độ để được hưởng lương hưu.
Điều đó, theo đại biểu là đã thể hiện sự tiến bộ, sự nhân văn và hợp hiến, đảm bảo quyền sở hữu lương hưu của người dân. Tuy nhiên, chế độ lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đang có bất cập lớn.
Bất cập thứ nhất, theo đại biểu là đối với những người đang hưởng lương hưu mà bị tù giam trong giai đoạn từ 1/1/1995 đến ngày 31/12/20015 thì bị cắt lương hưu trong lúc tù và chỉ được hưởng lại, sau khi ra tù.
Thứ hai, đối với những người bị tù giam và những người bị buộc thôi việc giai đoạn trước tháng 1/1/1995 thì toàn bộ thời gian công tác đó bị cắt bỏ, không được tính để hưởng lương hưu, trong đó có cả những trường hợp nữ lao động sinh con thứ 3 ở giai đoạn đó cũng bị buộc thôi việc vì vi phạm chính sách, kế hoạch hóa gia đình.
Ông Sinh phân tích, trong số những người bị tù không được lương hưu đã có rất nhiều người đã từng vào sinh ra tử, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước độc lập, nhờ lập được nhiều chiến công, những người này được nhà nước giao cho làm giám đốc xí nghiệp, giám đốc công ty để xây dựng, phát triển kinh tế. Do trình độ quản lý kinh tế có hạn, lại bị cán bộ cấp dưới bất lương, làm ăn bất chính đã làm liên lụy đến họ.
Và, có những bà mẹ sinh con thứ ba bị buộc thôi việc đã phải "buôn thúng bán mẹt", chạy chợ kiếm sống nuôi con thành những người công dân tốt. Trong đó có những người là nhân tài của đất nước, họ đã và đang cống hiến cho Tổ quốc. Còn các bà mẹ đó bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, đang phải sống nhờ bằng khoản trợ cấp tuổi già của Nhà nước, tức là 250 nghìn đồng/tháng. "Tôi thấy thật là chua chát và không công bằng", ông Sinh nhấn mạnh.
Khẳng định Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đang bỏ quên họ, ông Sinh đề nghị Chính phủ, Quốc hội hãy sớm xem xét, quyết định trả lại lương hưu là thu nhập hợp pháp cho những người được ông nêu trên.
Post a Comment