Là vị Bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trong ngày thảo luận thứ nhất của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã hồi âm ý kiến nhiều đại biểu về tích tụ ruộng đất để phát triển công nghệ cao.
Đây chỉ là một mô hình trong nhiều mô hình Việt Nam có thể áp dụng. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy Nhật Bản, Đài Loan không cần tích tụ đất đai vẫn có nền nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Theo Bộ trưởng, về quản lý đất đai, hiện Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Kinh tế Trung ương và Bộ sơ kết nghị quyết 19 về đất đai, sau đó sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện Luật Đất đai.
Tiếp thu các kiến nghị về tích tụ đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư, giá đất theo thị trường... nhưng Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: "Tích tụ và tập trung đất đai là một trong những điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng cũng chỉ là một mô hình. Chúng tôi đang tính đến nhiều mô hình khác, mỗi mô hình đều phát huy thế mạnh riêng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy: Nhật Bản, Đài Loan không tích tụ cánh đồng mẫu lớn, nhưng vẫn có nền nông nghiệp rất cạnh tranh và công nghệ cao. Mô hình liên kết sản xuất sẽ quyết định việc tích tụ, tập trung đất đai. Tích tụ chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Tích tụ phải gắn với quyền lợi của người dân về sinh kế lâu dài".
Luật Đất đai 2013 hiện nay, theo Bộ trưởng là đã mở ra cánh cửa cho việc tích tụ ruộng đất. Ví dụ đồng bằng Sông Cửu Long có thể tích tụ đến 30 ha với đất trồng cây hàng năm, 300 ha đối với diện tích miền núi và không quá 100 ha đối với đất sản xuất. Hạn mức này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là đang phù hợp với trình độ và năng lực sản xuất của hộ gia đình.
Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xem xét, kiến nghị mô hình tích tụ đất đai phù hợp với liên kết sản xuất, Bộ trưởng thông tin rõ hơn.
Ngày thảo luận đầu tiên cũng ghi nhận quan ngại của nhiều đại biểu về mưa lũ nghiêm trọng xảy ra ở khắp cả nước, khiến hàng trăm người chết và mất tích. Bộ trưởng cũng "đồng tình với các ý kiến cho rằng một trong các nguyên nhân thiên tai gây thiệt hại lớn có trách nhiệm công tác dự báo, bên cạnh các nguyên nhân khác như: mất rừng, quy hoạch bố trí dân cư, người dân di cư, bố trí nhà cửa vào các khu vực nhạy cảm. Riêng năm nay còn có nguyên nhân khác là lượng mưa lớn có tính lịch sử".
Về giải pháp, Bộ trưởng Hà "xin báo cáo thật với Quốc hội, công tác dự báo lượng mưa, thì các nước tiên tiến cũng mới dự báo được trên diện rộng, còn hiện tượng cực đoan và trên khu vực cụ thể thì cũng là điều còn khiếm khuyết mà khoa học hiện nay chưa đảm bảo". "Dù Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đầu tư, đưa các dự án đồng bộ vào phục vụ công tác dự báo nói chung. Tuy nhiên, so với nhu cầu trung bình của thế giới thì Việt Nam còn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Hiện chúng ta có 1300 điểm đo mưa, thời gian tới sẽ xã hội hóa khoảng 3000 điểm đo mưa nữa. Chúng ta cũng đã xây dựng bản đồ dự báo lũ ống, lũ quét, bản đồ tai biến địa chất... Đề nghị địa phương, bộ ngành cùng xem xét quy hoạch, sắp xếp lại, bố trí dân cư...".
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cam kết sẽ cắt giảm 40% điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý của Bộ để góp phần cải cách hành chính, đồng thời tiến hành ngày việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong tất cả các lĩnh vực của Bộ.
Post a Comment