Sáng 2/11, phát biểu sau hơn hai ngày Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh "chỉ số" lòng tin, khi trở lại sự việc Đồng Tâm (Hà Nội) vừa qua.
Đại biểu Quốc nhắc lại một việc ông đã hơn một lần bày tỏ, đó là cần có thêm chỉ tiêu định lượng về lòng tin.
Sự việc ở Đồng Tâm với phản ứng của dân, theo đại biểu Quốc là khủng hoảng lòng tin chứ không nên nhìn như một vụ án hình sự.
Ông Quốc cũng nhấn mạnh có một yếu tố cần được quan tâm đó là việc đề đạt khiếu nại của dân không được xem xét, tích tụ thành tức nước vỡ bờ.
"Tôi nói điều này bởi vì cho đến thời điểm này, Hà Nội cũng như Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao trong việc giải quyết vụ việc Đồng Tâm. Nhưng đã 2 tháng rưỡi nay, người dân Đồng Tâm có kiến nghị xem xét lại kết luận thanh tra Hà Nội mà vẫn chưa có được một cơ quan nào trả lời", ông Quốc nói.
Đại biểu Quốc cũng cho biết, ngay tại cuối kỳ họp trước của Quốc hội, tôi đã viết thư gửi tới 7 vị lãnh đạo cao nhất của Trung ương và Hà Nội.
"Duy nhất Thủ tướng đã trả lời tôi, xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng", ông Quốc nói.
Nhà sử học nói tiếp: "trong bức thư đó, tôi có nêu một vấn đề cử tri nhờ tôi đặt ra: tại sao một lực lượng tinh nhuệ đất, được trang bị tốt nhất lại bị bắt và giữ? Câu trả lời duy nhất: đó là họ vẫn giữ được phẩm chất của người công an nhân dân. Họ không coi dân là kẻ thù. Họ chấp nhận giải pháp như vậy.
Tôi đã chứng kiến cảnh người dân và những người chiến sỹ công an bị giữ chia tay nhau. Không biết đến bây giờ Hà Nội đã trả tiền cơm cho dân chưa, vì họ bỏ tiền túi ra nuôi dưỡng anh em và chăm sóc như con cháu trong nhà".
"Vậy mà vụ việc được xử lý thế nào? Chúng tôi tán thành phải thượng tôn pháp luật, xử lý đến cùng. Chúng ta khởi tố những người dân ở Đồng Tâm vi phạm, nhưng cho đến nay những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật", đại biểu Quốc nói tiếp.
Theo ông, điều đó đã gây bức xúc cho người dân. "Gần đây công an Hà Nội đã kêu gọi những người bắt và giữ lực lượng công an ra đầu thú. Tôi nghĩ rằng dùng từ đầu thú là không ổn. Chúng ta đã mất đi ngôn ngữ để đối thoại với dân rồi sao?".
Phân tích tiếp theo của đại biểu là: ai cũng có thể hình dung rằng để bắt và giữ lực lượng ấy thì một vài người bị kích động, không phải là số ít, mà có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người – phụ nữ, bà già, trẻ con. Ngoài việc dùng từ "đầu thú", chúng ta có thể xuống gặp dân, nghe dân, gạn lọc để có phương pháp xử lý tốt hay không? Và ngay cả thượng tôn pháp luật cũng không phải để bắt bớ, mà để củng cố lòng tin.
"Tôi cho rằng chúng ta phải rút ra bài học sâu sắc để Đồng Tâm không phải là bài học tiêu cực, mà chúng ta góp phần làm cho nó không lặp lại. Tôi rất mong các cơ quan có trách nhiệm trả lời cho người dân khi họ còn chưa thông với kết quả thanh tra thành phố Hà Nội", ông Quốc nói.
Liên quan đến vấn đề về tổ chức, bộ máy được bàn thảo liên tục từ đầu tuần, ông Quốc cho rằng cần trả lời cho dân một số câu hỏi.
Đó là có tình trạng mua quan bán chức hay không? hay qua vụ xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga (bà Nga khai phải chạy rất nhiều tiền để được làm đại biểu Quốc hội - PV) thì cũng cần làm rõ cho dân biết là có thể "chạy" để làm đại biểu Quốc hội được không?
Giơ biển tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) bày tỏ sự đồng ý với đại biểu Quốc là vụ Đồng Tâm phải tập trung giải quết dứt điểm. Nhưng theo đại biểu thì phải chú ý vấn đề lợi dụng bức xúc của dân để có ý đồ không tốt phía sau.
Tôi không nói có điều này ở vụ Đồng Tâm, nhưng một số việc khác thì cần hết sức tỉnh táo xem có ý đồ hay không", đại biểu Hồng nói.
Post a Comment