"Theo tôi, nếu là cán bộ đã có tỳ vết về tham nhũng, tốt nhất là nên từ chức và đừng bao giờ làm việc trong Nhà nước nữa", Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với báo chí.

Theo chương trình kỳ họp thứ tư của Quốc hội, báo cáo phòng chống tham nhũng và sửa Luật Phòng chống tham nhũng đều được Quốc hội thảo luận vào tuần làm việc thứ ba, từ 6 - 10/11.

Những câu hỏi của báo chí với đại biểu Nhưỡng đều xoay quanh nội dung này.

Chúng ta chưa dự liệu hết các tình huống

Thu hồi tài sản tham nhũng đạt rất thấp luôn là hạn chế được nhắc đến trong công tác phòng chống tham nhũng. Cá nhân ông nhìn nhận nguyên nhân thế nào?

Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân kẽ hở của pháp luật và có cả nguyên nhân trực tiếp trong quá trình chúng ta tổ chức, triển khai việc thu hồi tài sản. Lỗ hổng đầu tiên là pháp luật không có định nghĩa tài sản nào là tài sản tham nhũng. 

Ví dụ, nếu chúng ta có quy định tính từ ngày tháng năm này, với những khoản tài sản nằm ngoài khoản thu nhập hợp pháp của một người có chức vụ, có khả năng tham nhũng mà không giải trình được, thì phải bị coi là tài sản do tham nhũng, phải bị xử lý. 

Nhờ có quy định này mà ở Trung Quốc, ông Từ Tài Hậu, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, đã không thể đem tiền vàng ra khỏi nhà, cũng không dám gửi nhà băng, mà đành phải để cả tấn tiền vàng trong nhà mình, thế nên khi cơ quan chức năng bắt là đầy đủ chứng cứ để thu hồi.

Thứ hai, để ngăn ngừa tẩu tán tài sản đội lốt thủ tục hợp pháp như chuyển nhượng hay cho tặng, thừa kế, thì phải nêu rõ những tài sản không giải trình được nguồn gốc thì được coi là tài sản tham nhũng và phải bị thu hồi. 

Theo tôi quy định như vậy là hợp lý vì làm sao một bà già 80-90 tuổi không có khoản thu nhập nào đột xuất mà tự nhiên có một ngôi nhà mấy chục tỷ đồng, hay một người còn trẻ tuổi làm ngành nghề gì mà lại mua được cả một khối tài sản rất lớn…

Trước đây, khi xây dựng các quy định này trong luật phòng chống tham nhũng, chúng ta chưa dự liệu hết các tình huống.

 Khâu tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng hiện nay thì sao, thưa ông?

Đúng là tổ chức thực hiện cũng có rất nhiều lỗ hổng. 

Chẳng hạn chúng ta đã có quy định về khai báo tài sản, thế nhưng như tôi đã phát biểu rất nhiều lần, là chúng ta có khai báo, nhưng lại không xác minh, cũng không làm rõ, đặc biệt là không có kết luận xem việc khai báo có trung thực hay không, tài sản khai báo có đúng hay không. 

Thậm chí, giả sử đối tượng khai báo có hai cái nhà nhưng thực ra chỉ có một cái nhà, khai khống như thế để chuẩn bị cho một lộ trình tham nhũng mới, thì cũng không ai đi xác minh được.

Mặt khác, nhiều trường hợp một vụ việc tham nhũng, có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện, các cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng chúng ta không đi truy đến tận cùng, không làm hết trách nhiệm mà làm nửa chừng, kiểu đánh rắn giữa khúc, dẫn tới không thu hồi được tài sản tham nhũng.

Như vậy là thiếu cả cơ sở pháp lý lẫn cơ sở thực tiễn trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Nếu ăn năn thì không nhất thiết quá khắt khe

Liệu câu chuyện của ông Phạm Sỹ Quý tại Yên Bái có phải là có dấu hiệu tham nhũng không và tại sao chỉ dừng lại ở đó?

Tôi không muốn bàn riêng vụ việc này, vì các cơ quan pháp luận đã có kết luận. Chúng tôi chỉ giám sát các cơ quan pháp luật trong việc thực thi.

Có điều tôi muốn nói là với tất cả các vụ việc, chúng ta cần giải thích thỏa đáng cho mọi người, đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Có trường hợp sau khi bị kiểm tra kê khai tài sản đã bị kỷ luật thuyên chuyển công tác, nhưng vẫn được thuyên chuyển đến chức vụ khá cao, ông nghĩ thế nào?

Thế nào là vị trí cao hay quan trọng thì phải đặt trên những tiêu chí rõ ràng.

Tuy nhiên theo tôi, nói chung là cán bộ đã vướng vào tham nhũng thì trước hết phải xử lý theo quy định pháp luật. 

Thứ hai, nếu còn tiếp tục sử dụng được cán bộ đó thì nguyên tắc là không được sử dụng, sắp xếp vào các vị trí có khả năng tham nhũng, nguyên tắc này cần phải được ghi một cách rõ ràng  vào trong luật.

Theo tôi, nếu là cán bộ đã có tỳ vết về tham nhũng, tốt nhất là nên từ chức và đừng bao giờ làm việc trong Nhà nước nữa. Đấy cũng là một lối thoát trong danh dự.

Liên quan đến quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, hiện còn ý kiến trái chiều về việc những người có hành vi tham nhũng bị xử tử hình nhưng chủ động nộp lại tài sản tham nhũng thì được giảm nhẹ, thoát án tử. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ở đây có hai vấn đề. Xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật thì phải theo đúng quy định pháp luật. Nguyên tắc thứ nhất là tùy tính chất mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó. 

Thứ hai là có một số quy tắc đặt trong các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ. Chúng ta phải tuân thủ pháp luật, thế nên có những trường hợp đúng là đáng phải tử hình, nhưng người ta đã ăn năn hối lỗi, đã tự nguyện trả lại tài sản tham nhũng, thì nên được giảm nhẹ.

Tôi nghĩ rằng câu chuyện này cần được khuyến khích, bởi vì người tham nhũng chưa chắc đã là người tàn độc đến mức phải loại ra khỏi đời sống xã hội. 

Thế nên nếu người có hành vi tham nhũng biết hối lỗi, xin từ chức, xin trả lại tài sản tham nhũng, xin nhận lỗi trước nhân dân, thì tôi cho rằng không nhất thiết phải xử quá khắt khe.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top