Kết luận phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều 3/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số chỉ đạo quan trọng liên quan đến điều hành nền kinh tế của Chính phủ và các bộ ngành cho 2 tháng còn lại của năm nay.

Cho rằng tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 có nhiều mặt nổi bật, được xem là tháng có kết quả tốt nhất từ đầu năm đến nay, Thủ tướng nhìn nhận các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt theo tinh thần cải cách, đổi mới, thực hiện một số chủ trương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Giải ngân chậm mà GDP lại cao

Nói về diễn biến của nền kinh tế trong các tháng vừa qua, Thủ tướng cho hay, "có người hỏi vì sao giải ngân đầu tư công chậm mà tăng trưởng GDP lại cao". "Chúng ta trả lời đầu tư công chậm nhưng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều công trình, dự án rất lớn, quan trọng là thông qua nguồn vốn xã hội".

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn như bão, lũ lụt gây thiệt hại rất lớn, tới khoảng 40.000 tỷ đồng; giải ngân tuy có tiến bộ nhưng còn nhiều vấn đề…

Nhấn mạnh, kết quả tháng 10 đạt được là tốt nhưng không thể chủ quan, thỏa mãn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để đạt và vượt các mục tiêu, đã đề ra cho năm 2017 và thời gian tới.

Về đầu tư, Thủ tướng xác định đây là một điểm yếu trong điều hành, một điểm nghẽn trong phát triển. Do đó, cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm các ngành, các cấp để chấn chỉnh, thúc đẩy nhanh hơn trong thời gian tới. Nguồn vốn đã ít mà giải ngân không kịp thời thì ảnh hưởng rất lớn đến phát triển. Yêu cầu đặt ra là giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác.

Thủ tướng lưu ý còn nhiều công trình đăng ký vốn FDI lớn nhưng triển khai chậm nên cần thúc đẩy, tạo điều kiện nhất là về thủ tục hành chính, đất đai, lao động… với tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong xử lý vấn đề đầu tư.

Tiếp tục giảm lãi suất

Về định hướng điều hành, Thủ tướng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể. Trước hết, về tiền tệ - tín dụng, Ngân hàng Nhà nước theo dõi điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và kiểm soát tốt lạm phát, không để tỷ giá ngoại hối tăng mạnh vào dịp cuối năm. Tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, cho biết các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến về tăng cường chống thất thu, chống chuyển giá và nợ đọng thuế, đồng thời quản lý nợ công hiệu quả hơn,… Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính tiếp thu, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ này, chủ động giải trình trước Quốc hội những vấn đề liên quan. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương chưa tăng các loại thuế, phí, lệ phí là để không tăng chi phí sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân.

Yêu cầu các địa phương nỗ lực thu vượt mức để đóng góp vào nguồn thu của cả nước, Thủ tướng nhắc nhở chấn chỉnh tình trạng đã thu đủ rồi thì dừng lại, không quyết liệt nữa.

Về xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, tinh thần là tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA), đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; đẩy mạnh xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử… Lực lượng chức năng cần có chuyên án đấu tranh quyết liệt với nạn buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá, đường cát, xăng dầu.

Đối với vấn đề môi trường đầu tư, các cấp, các ngành cần làm tốt 2 việc là giảm rào cản hành chính và điều kiện kinh doanh; giảm chi phí vốn, chi phí không cần thiết, nhất là phấn đấu giảm chi phi vận tải, logistics. Đổi mới, chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm các điều kinh doanh nhưng lại "mọc giấy phép con".

Về công nghiệp, xây dựng, du lịch, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Các bộ, ngành chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn thực hiện kế hoạch sản xuất ngay từ bây giờ, không để tình trạng "cuối năm dồn dập, đầu năm đủng đỉnh".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top