Đã kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam, chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu.
Quan điểm này được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh khi thảo luận về dự án Luật An ninh mạng tại Quốc hội hôm 23/11.
Ông Cầu cũng là đại biểu mở màn phiên thảo luận về dự án luật gây rất nhiều tranh cãi này.
Vị đại biểu Quốc hội ngành công an cho biết, khi tổ chức thảo luận tại địa phương cũng như thảo luận tại các tổ, đại biểu đặc biệt quan tâm đến khoản 4 điều 34 quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh Việt Nam. Nhưng quy định này liệu có phải đã tạo ra rào cản thương mại, cản trở nhu cầu kinh doanh cũng như cản trở người tiêu dùng hay không?
Quan điểm của đại biểu Cầu là doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận trên lãnh thổ Việt Nam thì phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
"Ta chỉ yêu cầu đặt máy chủ quản lý người dùng Việt Nam chứ không phải đặt toàn bộ máy chủ dữ liệu, vì máy chủ dữ liệu cung cấp cho nhiều quốc gia chứ không riêng gì cho một nước cụ thể. Việc này đã được 14 nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Úc, Canada, Columbia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... yêu cầu các nhà mạng thực hiện. Vì sao các nước đó làm được, mà Việt Nam lại không làm được?", ông phát biểu.
Mặt khác, theo đại biểu Cầu thì điểm b, điều 29.2 hiệp định TPP quy định về ngoại lệ an ninh đã nêu rõ: "Không có quy định nào của hiệp định này ngăn cản một bên áp dụng những biện pháp cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến giữ gìn và khôi phục hòa bình, an ninh quốc tế hay bảo vệ lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia".
Với những lý do đó, đại biểu Cầu thể hiện sự đồng tình với đề xuất của ban soạn thảo.
Cũng đồng tình, đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) khẳng định việc quy định nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh Việt Nam là phù hợp. Nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động, có biện pháp xử lý cứng rắn, doanh nghiệp thiếu thiện chí, không hợp tác làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) thì quy định này trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) ủng hộ phân tích của bà Thuý và không đồng tình với cả hai ông Cầu và Hải.
"Nếu theo các đại biểu Cầu và Hải, chúng ta có thể bắt ép các công ty đa quốc gia đặt máy chủ tại Việt Nam. Nhưng tôi xin đặt lại vấn đề là nếu chúng ta bắt người ta đặt máy đấy nhưng người ta không sử dụng, hay sử dụng những công nghệ đám mây thì chúng ta làm gì được. Nếu chúng ta quản lý cứng nhắc hiệu quả không được bao nhiêu, nhưng hình ảnh hội nhập sáng tạo của Việt Nam trên thế giới chắc chắn bị ảnh hưởng", ông Hiếu lập luận.
Theo ông Hiếu thì nên tăng cường quản lý mạng xã hội bằng các luật khác và tăng cường mức phạt. Ví dụ như ở Đức có mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu Euro với các tin tức giả. Vị đại biểu này còn cho rằng những thông tin bổ ích mà hàng ngày mạng xã hội mang lại là một bộ phận rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống xã hội, dân trí của người dân Việt Nam, góp phần xây dựng một Chính phủ sáng tạo, hành động và liêm chính.
Ông Hiếu đề nghị: "Với 80 triệu tài khoản Facebook và 50 triệu thuê bao Internet, Việt Nam là một trong 7 quốc gia có tốc độ phát triển Internet, mạng xã hội nhanh nhất thế giới. Để đảm bảo môi trường phát triển dân chủ nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc gia, rất cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi đề ra điều luật để quản lý lĩnh vực hết sức nhạy cảm này".
Một số vị khác cũng cho rằng cần cân nhắc hết sức thận trọng việc yêu cầu một số doanh nghiệp lớn như Facebook, Google phải đặt máy chủ tại tại Việt Nam.
Nhưng giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói: "Nhìn từ thực tế, chúng tôi là những người làm án, khi các đối tượng phạm tội dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tấn công, lừa đảo thì chúng ta không biết họ là ai, yêu cầu nhà mạng cung cấp, họ không cung cấp, như vậy chúng ta cũng "tịt" toàn bộ vụ án".
Phát biểu cuối phiên thảo luận, đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm không hồi âm cụ thể các tranh luận trên, nhưng ông khẳng định, việc Luật An ninh mạng được ban hành sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân, các cơ quan, tổ chức và nhân dân có thể chủ động tiến hành có hiệu quả các hoạt động, các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh và loại trừ các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng, các hành vi tấn công vào hạ tầng kỹ thuật của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet của Việt Nam.
Đồng thời, vẫn bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Post a Comment