"Cơ quan lập pháp của chúng ta có một đặc điểm, là rất nhiều người của cơ quan hành pháp, có những người có chức vụ rất cao đang ngồi ở đây. Vậy, chúng ta có trách nhiệm gì đối với hoạt động của Chính phủ và của các chính quyền địa phương?".

Nêu câu hỏi này tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm 31/10 của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tiếp tục dẫn dắt tới một câu chuyện khác.

Đó là, theo ông, chỉ qua có hai kỳ họp, tức là một năm, số loại phân bón đã tăng gấp đôi, người dân như rơi vào "ma trận" 14.000 loại phân bón.

Vẫn liên quan đến phân bón, ông Nhưỡng nói, vụ công ty Thuận Phong ở Đồng Nai về "phân bón giả" có cảm giác như bị chìm xuồng, chờ mãi mà không thấy đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nam lên tiếng.

Sau đó, giơ biển để tranh luận với đại biểu Nhưỡng, đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) nói hàng gian, hàng giả, đặc biệt là phân bón giả là vấn đề bức xúc của cử tri, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Do đó, quan điểm của các cơ quan tư pháp của Đồng Nai là cương quyết xử lý, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm.

Riêng vụ việc liên quan đến công ty Thuận Phong, ông Năm cho biết, đó là một vụ phức tạp, ban đầu là do các cơ quan ở Trung ương kiểm tra phát hiện và chuyển cho Đồng Nai xử lý.

Tuy nhiên, phải chờ giám định, xác định có hàng gian, hàng giả hay không mới khởi tố xử lý hình sự được. Nhưng qua quá trình giám định, 5 bộ chức năng có những quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ. Đặc biệt là, xác định đúng là có hàng giả hay không.

Do đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã có kết luận là giao cho Bộ Công an điều tra xử lý và quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Sau đó, Bộ Công an cũng chuyển về cho công an Đồng Nai. Công an Đồng Nai đã điều tra thụ lý.

Đại biểu Năm thông tin, trong quá trình điều tra thụ lý thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, các ngành tố tụng ở Đồng Nai đã họp lại và xác định là chưa có dấu hiệu tội phạm, do đó không khởi tố.

Nhưng, qua phản ánh, bức xúc của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của các ngành, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã chỉ đạo cho Viện Kiểm sát nhân dân Đồng Nai hủy quyết định không khởi tố của cơ quan điều tra, và giao lại cho cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, làm rõ, để xử lý.

Đại biểu Năm cho biết, sau khi Ban Nội chính Trung ương vào cuộc thì các cơ quan tư pháp đã báo cáo, cấp ủy cũng báo cáo, đề xuất Ban Nội chính Trung ương cho quan điểm để xử lý vụ việc này, chứ không bao che.

"Tuy nhiên, khởi tố là rất quan trọng, ảnh hưởng đến chính sách, chế độ, nhân phẩm, danh dự của doanh nghiệp đó, có thể dẫn đến phá sản doanh nghiệp", ông Năm nói.

Do đó, "các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục xin ý kiến, và đặc biệt Ban Nội chính Tỉnh ủy đã báo cáo xin ý kiến của Ban Nội chính Trung ương, đề nghị họp các cơ quan tố tụng ở Trung ương và địa phương để thống nhất đánh giá lần cuối cùng trước khi quyết định khởi tố hay không khởi tố, để xử lý cho đúng người, đúng tội, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top