Làng công nghệ thế giới được phen chao đảo khi Google vừa phát đi thông báo hôm thứ Ba (20/5) rằng họ sẽ ngừng hợp tác với Huawei, sau khi tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm tất cả các nhà mạng viễn thông Mỹ sử dụng trang thiết bị của Huawei cũng như từ các công ty vệ tinh của Huawei.
Google và Huawei có một mối quan hệ khá phức tạp theo kiểu vừa hợp tác vừa cạnh tranh, giống như mối quan hệ chồng chéo thường thấy giữa những ông lớn trong ngành công nghiệp viễn thông hiện nay. Một mặt, Huawei sử dụng hệ điều hành mã nguồn mở của Android thuộc sở hữu của Google để bán điện thoại cho người dùng trên toàn thế giới nhưng ngay ở Trung Quốc, Google lại bị cấm cửa mà theo lời đồn, chính Huawei là một trong số những "kẻ giữ cổng" (gatekeeper) quan trọng.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá những thiệt hại từ cú đánh trời giáng của Google vào Huawei, liệu đây có phải dấu chấm hết cho Huawei không? Hay có phải là cơ hội vàng cho những nhà sản xuất điện thoại thông minh khác như Xiaomi, Nokia?
Google thâu tóm Android: một quyết định mang tính lịch sử
Trở lại với Android, có thể nói chính quyết định mua lại Android của Google vào năm 2005 đã giúp người khổng lồ về cỗ máy tìm kiếm có thể cạnh tranh sòng phẳng với iPhone trong mảng hệ điều hành di động và không quá khi nói rằng Android chính là cỗ máy in tiền cho Google.
Google không sở hữu năng lực sản xuất phần cứng, và để cạnh tranh với Apple - hãng sở hữu điện thoại iPhone, Google đã có chiến lược khôn ngoan theo kiểu "chia nhỏ mô hình của đối thủ" là cấp quyền sử dụng hệ điều hành và các phần mềm di động của họ cho nhiều nhà sản xuất khác nhau bao gồm: Samsung, Sony, HTC, Huawei và nhiều thương hiệu khác – là những doanh nghiệp sở hữu năng lực tuyệt vời về sản xuất các phần cứng điện thoại thông minh.
Hiện nay, các ứng dụng như Google Search, Google Map, Gmail, YouTube không chỉ xuất hiện trên các điện thoại Android mà thậm chí trên cả điện thoại iPhone như một phần của chiến lược tối đa hóa doanh thu quảng cáo của Google. Mỗi năm, Google vẫn phải trả cho Apple hàng tỷ đô la để các ứng dụng nói trên của Google xuất hiện mặc định trên mỗi chiếc điện thoại iPhone.
Huawei và lợi thế của người khổng lồ công nghệ Trung quốc trong cuộc đua 5G
Huawei được biết đến là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới hiện nay. Hãng viễn thông có trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc đang trở thành người khổng lồ trong mảng hạ tầng thiết bị viễn thông, với số lượng bằng sáng chế liên quan đến công nghệ 5G vượt trội so với các đối thủ lớn nhất.
Mức độ đóng góp vào chuẩn 5G dựa trên số lượng bằng sáng chế.
Ở mảng thiết bị di động, với chính sách giá khôn ngoan nhắm vào phân khúc giá rẻ và các chiến lược truyền thông hiệu quả, Huawei cũng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới từ năm 2018, chỉ sau Samsung.
Trong số các nhà cung cấp hạ tầng và dịch vụ 5G lớn nhất thế giới hiện nay, chỉ có Huawei và Noikia là đang sản xuất điện thoại thông minh. Việc cung cấp thiết bị và dịch vụ trực tiếp cho người dùng cuối mang lại một lợi thế cực lớn cho Huawei một khi công nghệ 5G được triển khai rộng rãi trong vài năm tới.
Việc Google ngừng hợp tác với Huawei có nghĩa là những khách hàng đang sử dụng điện thoại Huawei vẫn tiếp tục dùng điện thoại của họ bình thường nhưng sẽ không nhận được những bản cập nhật từ Google nữa, đặc biệt những tính năng mới tích hợp AI.
Được biết, Huawei đã âm thầm chuẩn bị cho "Kế hoạch B", phát triển một hệ điều hành riêng cho mình. Để hiểu rõ hơn về những tổn thất mà cả Huawei và người dùng điện thoại Huawei phải hứng chịu khi chia tay nền tảng Android, chúng ta cùng tìm hiểu thêm mô hình kinh doanh của Android.
Mô hình kinh doanh nền tảng
Trong kỷ nguyên số, mô hình kinh doanh nền tảng ngày càng thắng thế so với các mô hình kinh doanh truyền thống nhờ vào những yếu tố vượt trội như: khả năng mở rộng quy mô nhanh chóng, tài sản gọn nhẹ, hay sự trung thành của khách hàng với nền tảng. Trong số 10 công ty đại chúng lớn nhất thế giới được thành lập từ 1994 đến nay, có tới 8 công ty phát triển bằng mô hình nền tảng.
Về mặt kinh doanh, các hệ điều hành di động như iOS và Android cũng sử dụng mô nền tảng, thu hút nhiều nhóm khách hàng khác nhau tham gia vào nền tảng của nó. Một nền tảng như Android có thể thu hút ít nhất ba nhóm khách hàng khác nhau, đó là người sử dụng điện thoại, các nhà phát triển ứng dụng và các nhà sản xuất điện thoại.
Mô hình kinh doanh nền tảng của Android
Mỗi nhóm khách hàng khi tham gia vào nền tảng đều đóng góp vào cũng như nhận về một giá trị nào đó từ nền tảng. Ví dụ, đối với nền tảng Android, các nhà phát triển ứng dụng tạo ra các nội dung và hàng trăm ngàn tính năng cho nền tảng cũng như cho người dùng, đổi lại họ được chia sẻ doanh thu với nền tảng.
Với các nhà sản xuất điện thoại như Samsung, Huawei, nền tảng Android giúp mang lại lượng khách hàng đông đảo, những tín đồ của Android, đồng thời các nhà sản xuất cũng giúp mở rộng cơ sở người dùng cho nền tảng.
Tóm lại những giá trị mà một nền tảng mở như Android mang lại cho các nhóm khách hàng khác nhau tham gia vào nền tảng của nó không chỉ là người dùng, doanh thu, các ứng dụng mà đặc biệt là năng lực phân tích, dự báo của nền tảng không ngừng được mở rộng nhờ khai phá dữ liệu hành vi người dùng, dữ liệu địa điểm,...
Nhìn vào mô hình kinh doanh nền tảng mà Google đang áp dụng cho Android và dựa trên những diễn biến thương chiến Mỹ-Trung gần đây, có thể dự đoán nhiều bất lợi đến với Huawei khi họ bị cô lập dần khỏi nền tảng Android.
Đầu tiên, người dùng sẽ chuyển sang các thương hiệu khác ở cùng phân khúc nhưng được tiếp cận với các tính năng đầy đủ của Android, đơn giản là họ đã quá quen với việc làm việc trên Gmail, lữu dữ tài liệu trên Google Doc,... Làm cho Huawei mất đi sự kết nối với người dùng cuối thông qua điện thoại di động của Huawei chính là làm suy yếu một cách đáng kể lợi thế của hãng này với các đối thủ khác trong cuộc đua 5G.
Trong trường hợp Huawei bắt buộc phải phát triển hệ điều hành riêng cho mình, khả năng thành công khó được đảm bảo nếu nhìn vào thất bại của Nokia trong quá khứ khi dùng hệ điều hành Window Phone của Microsoft.
Lặp lại thành công của Apple với hệ điều hành riêng iOS càng khó hơn vì cái khiến người dùng trở thành tín đồ của điện thoại của iPhone là thiết kế đỉnh cao, các ứng dụng cao cấp và trải nghiệm người dùng tuyệt vời.
Tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei của Google chỉ là phát súng đầu tiên mà các hãng công nghệ của Mỹ nhằm vào người khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Tiếp theo Google, hàng loạt công ty khác của Mỹ tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất điện thoại cũng đã và đang có những động thái tương tự.
Cần nhớ rằng, ngày nay các doanh nghiệp không vận hành, cạnh tranh trong một cuộc đấu có tổng bằng không "zero-sum game" mà họ phải dựa vào nhau để cùng mở rộng thị trường, gia tăng doanh thu.
Nếu doanh thu của Huawei lao dốc cũng kéo nhiều khó khăn cho các nhà cung cấp thiết bị của Mỹ lâu nay bán hàng cho Huawei, và bản thân Google cũng sẽ chứng kiến doanh thu quảng cáo giảm mạnh khi hàng triệu người dùng Huawei trên toàn thế giới cân nhắc chuyển sang các hệ điều hành khác.
Post a Comment