Thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách năm 2018, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh cụ thể một số vấn đề, trong đó có tăng khai thác dầu thô.
Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sáng 20/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện.
Tuy nhiên, một số vấn đề cần được đánh giá cụ thể hơn, trong đó có thu, chi ngân sách.
Tăng thu chủ yếu từ nguồn thu ngắn hạn
Báo cáo thẩm tra phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn mà chưa thực sự phát huy từ các yếu tố cạnh tranh nội tại của nền kinh tế.
Cụ thể, các khoản thu về nhà và đất có số tăng lớn so với dự toán và số báo cáo Quốc hội, chiếm khoảng 72,4% tổng số vượt thu ngân sách nhà nước; thu từ dầu thô vượt 30,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 11 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2017.
Cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ hơn về việc tăng sản lượng khai thác khá lớn so với số đã báo cáo Quốc hội (tăng 240.000 tấn dầu thô).
Về hoạt động chi ngân sách nhà nước, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tình hình tồn ngân Kho bạc Nhà nước và biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, các biện pháp cơ cấu lại hệ thống quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Số chuyển nguồn vốn đầu tư công khá lớn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (chỉ đạt 75,8% so với dự toán Quốc hội giao) dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp.
Liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, cơ quan thẩm tra bày tỏ lo ngại khi số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và lớn (quy mô vốn từ 50-100 tỷ và trên 100 tỷ đồng) và doanh nghiệp ở các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn.
Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn thiếu hiệu quả, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế; tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, chưa được xử lý nghiêm và hiệu quả.
Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp FDI từ đó hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.
Nhiều lo ngại về công nghiệp
Với những tháng đầu năm 2019, vấn đề cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là tình hình sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ở nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học do một số mặt hàng công nghệ (điện thoại thông minh) chưa bước sang vòng đời sản phẩm mới.
Một số ý kiến băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, đặc biệt trong bối cảnh thương mại toàn cầu được dự báo suy giảm.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến còn lo ngại khi Việt Nam chưa có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn chậm phát triển, việc tham gia của doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ vào sản xuất của một số tổ hợp sản xuất mới (ôtô Vinfast) cũng còn rất thấp.
Lo ngại tiếp theo được nêu tại báo cáo thẩm tra là lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020, giá thực phẩm có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, minh bạch trong cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện và tác động của việc tăng giá xăng, giá điện đối với CPI, cũng như các mặt kinh tế, xã hội", báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan thẩm tra đánh giá, việc cơ cấu lại các ngân hàng mua lại bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng có chủ sở hữu, cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn khó khăn. Việc yêu cầu tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Bên cạnh đó, những vướng mắc trong việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội liên quan đến công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại tòa án… vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời.
Thời gian còn lại của năm 2019, cơ quan thẩm tra đề nghị tăng cường sự chủ động và phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Uỷ ban Kinh tế cũng cho rằng cần tăng cường kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán…), chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, cung cấp thông tin đầy đủ, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để góp phần hạn chế người dân, nhất là người dân sống ở khu vực nông thôn tìm đến các nguồn vốn tín dụng không chính thức. Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, sớm hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt, xử lý hiệu quả tình trạng tín dụng đen.
Post a Comment