"Tôi rất băn khoăn về giáo dục, phải chăng ông cha trước đây thời từ trước những năm 1980 giáo dục như thế là không tốt hay sao, bây giờ buộc phải lên lớp hết, phải đỗ hết, liệu tỷ lệ 100% học sinh khá giỏi có đáng mừng hay không".
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đã phát biểu như thế khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 21/5.
Nhưng cũng không phải chỉ riêng đại biểu Phương băn khoăn, dù dự Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được lùi thông qua thêm 1 kỳ họp, được lấy ý kiến nhân dân, được đại biểu Quốc hội chuyên trách bàn riêng trước khi Quốc hội tiếp tục thảo luận ở kỳ họp này.
Băn khoăn của đại biểu Phương trước hết liên quan đến quy định tuổi học sinh vào lớp 1 là 6 tuổi, lớp 6 là 11 tuổi và lớp 10 là 15 tuổi.
Vậy, nếu cao hơn tuổi đó tức là không được mà học thì có thi, có đỗ, có trượt, vượt tuổi đó đi học là chuyện bình thường của giáo dục. Nếu quy định như vậy thì coi như đẩy học sinh lên lớp, đẩy học sinh phải tốt nghiệp mà không cần biết các em học tập và rèn luyện như thế nào. Bởi vì nếu các em ở lại là không đúng độ tuổi, đại biểu Phương phân tích.
Nếu cứ theo cách học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp thì con em chúng ta sẽ ảo tưởng về năng lực của mình và rồi tương lai xã hội sẽ ra sao. Liệu có đổ lỗi mãi cho mặt trái của cơ chế thị trường được không, có đổ lỗi mãi cho vấn đề của mạng xã hội mà lại không thấy phương pháp, nhận thức về giáo dục của chúng ta được không, ông Phương lo lắng.
Nhắc lại thời bản thân còn đi học, có trường tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 40% là chuyện bình thường, các thầy cô trách phạt học sinh nhưng học sinh và thầy cô vẫn tình cảm, ông Phương so sánh với sự "đổi mới" hiện nay.
Bây giờ thì sao, cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc là đánh giá không cần dùng điểm, cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được thì cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội, đại biểu nói.
Chính sách giáo dục với đánh giá, xếp loại, chuyển lớp, chuyển cấp như hiện nay theo đại biểu Phương sẽ khiến học sinh ảo tưởng, và tương lai không biết sẽ thế nào.
Nhắc đến những tiêu cực trong thi cử đã đặt giáo dục vào tâm điểm của dư luận suốt thời gian dài và chưa dừng lại, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng vai trò, trách nhiệm của gia đình trong vụ việc trên cũng cần phải suy xét đến tận cùng gốc rễ của vấn đề.
Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho con em hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc theo quy định, tuy nhiên, việc đó lại đi theo một cách thức phi giáo dục. Như vậy, gia đình ở khía cạnh này có phải là thành trì bảo vệ các em khỏi cái xấu trong xã hội hay là nơi khởi phát những giá trị lệch lạc trong nhân cách của các em, đại biểu Nhân đặt vấn đề.
Luật Giáo dục đầu tiên ban hành đến nay 20 năm, và ông Nhân đặt câu hỏi, từ đó đến nay đã thực sự xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học mà hay chưa.
Hay ở một góc độ nào đó có những diễn biến phức tạp hơn, sức đề kháng của trẻ em với thói hư tật xấu còn yếu ớt trong khi những hành xử lệch chuẩn giữa con người với nhau trong các mối quan hệ xảy ra hàng ngày hàng giờ trong mỗi ngóc ngách và xảy ra trong chính ngôi nhà của các em.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao ngày càng nảy nở nhiều gia đình văn hóa nhưng những hành vi lệch chuẩn, phi giáo dục lại có thể có cơ hội bén rễ trong đời sống. Bệ đỡ từ gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm thì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực vốn được xem là nền tảng phẩm cách của một quốc gia, ông Nhân phát biểu.
Post a Comment