Chiều 24/5, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đối với Luật Tổ chức Chính phủ hướng sửa đổi là bổ sung một số khoản điều 23, giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, quy định tiêu chí thành lập tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan chuyên môn có tính đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Lần sửa đổi này còn giao Chính phủ quy định biên chế tối thiểu của các tổ chức hành chính, quy định số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, quyết định phân cấp những nhiệm vụ quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự thảo cũng bổ sung khoản 10 điều 23 quy định thẩm quyền của Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi quyền hạn của Chính phủ khi pháp luật chưa quy định hoặc quy định không còn phù hợp.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc phân cấp và ủy quyền về quản lý công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 28 cũng được sửa đổi khoản 10, bỏ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện thống nhất theo quy định của Chính phủ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ cũng được sửa đổi, bổ sung tại điều 34. Theo đó sửa đổi khoản 5 và khoản 9, sổ sung quy định về "cho từ chức" và "biệt phái" (tại khoản 5) và cụm từ "điều động, luân chuyển, biệt phái" (tại khoản 9) để thống nhất với thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức.
Theo đó, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ, quyền hạn "thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật".
Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cũng có nhiệm vụ, quyền hạn "bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đình chỉ công tác, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc".
Nội dung sửa đổi, bổ sung nói trên, theo cơ quan thẩm tra dự án luật (Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội) là hợp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất với các quy định đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và thống nhất với việc sửa đổi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Cân nhắc giảm số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân
Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội vấn đề còn có ý kiến khác nhau về giảm số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giảm số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, phó trưởng ban chuyên trách của hội đồng nhân dân cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên số lượng 2 phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, không quá 2 phó trưởng ban chuyên trách của hội đồng nhân cấp tỉnh như quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địaphương hiện hành. Chính phủ thống nhất với Loại ý kiến thứ nhất.
Theo cơ quan thẩm tra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có 2 phó chủ tịch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của hội đồng nhân dân với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh "Ủy viên Thường trực" của hội đồng nhân dân lên phó chủ tịch. Việc giữ nguyên số lượng phó trưởng ban chuyên trách của hội đồng nhân dân cấp tỉnh là nhằm bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của các ban của hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần có đánh giá tác động thật kỹ đối với các vấn đề nêu trên để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.
Post a Comment