Nhà sản xuất khẳng định phim "Vợ ba" vẫn bảo toàn tính pháp lý được trình chiếu tại các quốc gia khác theo đúng lịch phát hành đã định trước.

Phim điện ảnh "Vợ ba" đã chính thức ngừng chiếu trên toàn quốc từ tối ngày 20/5. Ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, Bộ gửi văn bản số 394 đến Cục điện ảnh, yêu cầu kiểm tra lại quy trình cấp phép và kiểm duyệt bộ phim "Vợ ba", tham mưu lãnh đạo Bộ phương án xử lý, đồng thời yêu cầu Cục có báo cáo trước ngày 24/5.

"Vợ ba" (tên tiếng Anh: The Third Wife) là tác phẩm đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Phương Anh, kể về một thiếu nữ tên Mây về làm vợ lẽ trong gia đình giàu có thời phong kiến.

Bộ phim được dán nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi), ra rạp từ ngày 17/5. Tuy nhiên, từ trước khi ra rạp, "Vợ ba" đã gây tranh cãi lớn trong dư luận lẫn truyền thông khi có những cảnh nóng trong phim do diễn viên Trà My thực hiện vào năm 13 tuổi.

Trà My chia sẻ, cô có được sự đồng ý của mẹ và mặc trang phục bảo hộ khi thực hiện những cảnh quay nhạy cảm. Ngoài ra, mẹ Trà My luôn theo sát con gái trong suốt quá trình ghi hình.

Lúc quay các cảnh nhạy cảm, ở hiện trường chỉ có đạo diễn, quay phim và phó đạo diễn (đều là nữ). Diễn viên Trà My khẳng định, việc thực hiện những cảnh quay nhạy cảm nói trên không ảnh hưởng tới tâm lý của cô.

Mặc dù vậy, bộ phim vẫn gặp rất nhiều ý kiến tranh cãi. Nhiều người cho rằng để một cô bé ở độ tuổi vị thành niên quay cảnh nóng, dù là "vì nghệ thuật" đi nữa cũng không phải là hành động hợp lý. Đặc biệt là trong bối cảnh văn hóa Việt hiện tại.

Trước những ý kiến tranh cãi nói trên, khi "Vợ ba" ra rạp được 3 ngày, bà Trần Thị Bích Ngọc - nhà sản xuất phim cho biết đã chủ động trình Cục điện ảnh xin ngừng chiếu phim trước sức ép của dư luận vì không muốn câu chuyện bị đẩy đi quá xa, nhất là điều này ảnh hưởng đến gia đình cũng như cuộc sống của diễn viên Trà My.

Nhà sản xuất phim "Vợ ba" không muốn những tranh cãi về bộ phim ảnh hưởng tới nữ diễn viên Trà My.

Nhà sản xuất khẳng định bộ phim "Vợ ba" vẫn bảo toàn tính pháp lý được trình chiếu tại các quốc gia khác theo đúng lịch phát hành đã định trước.

"Chúng tôi thật sự rất buồn vì quyết định này sau tất cả những nỗ lực của đoàn làm phim. Chúng tôi cũng gửi lời xin lỗi chân thành đến dàn diễn viên, ekip làm phim cùng những khán giả đã ủng hộ bộ phim", bà Ngọc chia sẻ.

Ngoài ra, trong văn bản gửi đến các cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan đến việc sử dụng diễn viên 13 tuổi cho phim "Vợ ba", phía nhà sản xuất làm rõ 3 vấn đề pháp lý như sau:

Thứ nhất, hợp đồng giữa nhà sản xuất và diễn viên Trà My là hợp đồng dịch vụ, chịu điều chỉnh của Bộ luật dân sự chứ không phải Bộ luật lao động nên không vi phạm việc sử dụng lao động dưới 13 tuổi.

Hợp đồng được ký bởi mẹ diễn viên Trà My là bà Mỹ Na. Ngoài ra, theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH thì công việc diễn viên điện ảnh được phép sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc.

Thứ hai, việc quay phim "Vợ ba" không xâm hại trẻ em, cụ thể là diễn viên Trà My. Toàn bộ quá trình quay chỉ có đạo diễn, phó đạo diễn, quay phim và mẹ của Trà My (đều là nữ) ở lại.

Trong đó, Trà My được bảo vệ tuyệt đối, mang trang thiết bị bảo hộ để không xâm hại tới bộ phận nào trên cơ thể. Vì vậy, không có chuyện Trà My "hở ngực" hay bộ phận nhạy cảm nào.

Cuối cùng, về thông điệp, phim "Vợ ba" có tính nhân văn khi lên tiếng bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước hủ tục lạc hậu của thời phong kiến như nạn tảo hôn.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết kịch bản được Cục Điện ảnh duyệt từ trước khi thực hiện.

Trước khi trình chiếu tại Việt Nam, nhà sản xuất đã thực hiện đầy đủ thủ tục quy định để được cấp giấy phép phổ biến phim. Tức là, nội dung phim đã được kiểm duyệt, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Dân Trí dẫn lời Ths. Luật sư Tô Đình Huy - VP Luật sư Tô Đình Huy cho biết, việc nhà sản xuất phim “Vợ ba” sử dụng diễn viên Trà My đóng các cảnh nhạy cảm trong phim là vi phạm các điều khoản bị cấm trong Điều 11 Luật Điện ảnh 2006 và Điều 9 Nghị định 54/2010 của Chính phủ hướng dẫn Luật điện ảnh 62/2006/QH11 và luật sửa đổi 31/2009/QH12. Ngoài ra, theo Điều 4 Luật Bảo vệ trẻ em 2016 của Chính phủ thì đơn vị này cũng vi phạm.

Trên báo Trí thức trực tuyến, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, chia sẻ, trong điều 4, khoản 7 của Luật Trẻ em 2016 có định nghĩa rõ về khái niệm "xâm hại trẻ em".

Theo đó, xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.

Bà Nữ cho rằng việc đạo diễn và nhà sản xuất để Trà My đóng cảnh nóng, trực tiếp động chạm thân thể với nam diễn viên và có những hành động mô phỏng chuyện ái ân có thể xét là hành vi xâm hại trẻ em.

Ngoài ra, bà Nữ cũng nhấn mạnh, dù diễn viên Trà My và gia đình đã đồng ý tham gia bộ phim với kịch bản có nhiều cảnh nóng, nhà sản xuất vẫn vi phạm luật.

Vi An (T/h)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top