Chưa bao giờ xã hội có dịp bàn sâu và toàn diện về sự nghiệp trồng người như vậy, nhưng đến nay triết lý thêm một lần nữa lỡ hẹn trong dòng chảy của giáo dục.

Sáng 21/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), và đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã tâm tư như thế.

Tại kỳ họp cuối năm 2018 của Quốc hội, khi thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đại biểu Nhân cũng đã nêu vấn đề về triết lý giáo dục. Bởi, theo đại biểu, triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục. 

Nếu như Phần Lan với triết lý phải có niềm tin vào con người, Singapore với nền tảng trường học tư duy, quốc gia học tập thì giáo dục Nhật Bản vận hành theo triết lý mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức. Trên nền tảng đó, những cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thỏa mãn các điều kiện của 4 trụ cột, nhờ đó mà nền giáo dục của các quốc gia trên đạt trình độ phát triển được cả thế giới thừa nhận.

Từ triết lý giáo dục của các nước, không ít lần các học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: vậy triết lý giáo dục của Việt Nam là gì, liệu từ mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục được chế định trong dự luật lần này soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam, đại biểu Nhân đặt vấn đề tại kỳ họp trước.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị quy định cụ thể, làm rõ triết lý giáo dục Việt Nam trong dự thảo Luật.

Giữa hai kỳ họp Quốc hội, qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. 

Thực tế Việt Nam vẫn đang thực hiện nguyên tắc này, từ lúc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục, thể hiện nhất quán tính nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại.

Tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng, nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà chỉ thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như dự thảo luật là thể hiện quan điểm về giáo dục qua các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của luật này.

Cũng đồng tình không quy định cụ thể triết lý giáo dục trong điều khoản cụ thể của luật mà thể hiện thông qua những quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam, nhưng đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị trong các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam phải làm toát lên được một triết lý của nền giáo dục Việt Nam hiện đại, làm nền tảng cho việc cụ thể hóa toàn bộ quy định của dự thảo luật.

"Vấn đề này trong dự thảo luật còn thể hiện một cách mờ nhạt, hay nói cách khác còn chưa thể hiện hết được", ông Tạo nhận xét.

Khẳng định chưa hề yêu cầu phải có một điều khoản riêng về triết lý giáo dục trong dự luật này, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói rõ điều ông mong mỏi là xã hội phải định hình rõ một triết lý giáo dục để từ đó đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục trong dự luật sẽ đi theo tinh thần triết lý đó.

Ông Nhân cũng nêu kết quả công trình nghiên cứu của giáo sư Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thiêm, rằng cấu trúc phổ biến của khái niệm triết lý giáo dục gồm năm thành tố, trong đó sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc, mục tiêu giáo dục là thành phố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối ba thành tố còn lại là nội dung, phương pháp và nguyên lý giáo dục.

Theo đại biểu Nhân thì năm thành tố trên là sự cụ thể hoá triết lý giáo dục. Ở dự thảo luật, sự khái quát hoá triết lý giáo dục chưa thấy đâu nhưng lại có sự cụ thể hóa, đây có phải là một sự gượng ép và bất cập?, ông Nhân băn khoăn.

"Chưa bao giờ xã hội có dịp bàn sâu và toàn diện về sự nghiệp trồng người như vậy, nhưng đến nay triết lý thêm một lần nữa lỡ hẹn trong dòng chảy của giáo dục, xã hội và mọi người vẫn sẽ tiếp tục tất bật học hành. Nhưng sự học đó chưa đồng nghĩa làm nên những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân đối với thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. Bởi vì̀ những giá trị phổ quát nhất còn mang tính liệt kê, dàn trải không phải là sự chắt lọc nên phẩm cách và triết lý giáo dục của quốc gia", ông Nhân phát biểu.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top