Thị trường bất động sản năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nhưng không vì thế mà thị trường mất đi những điểm nhấn đáng chú ý, trong đó có cả chính sách lẫn những diễn biến thực tại trên thị trường.

Bất động sản lệch pha cung – cầu

Thị trường bất động sản trong 2020 được một số cơ quan đánh giá "chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn". Tuy nhiên, nhìn tổng thể, thị trường đang có dấu hiệu lệch pha cung – cầu ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, nhu cầu của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm từ 20-30%, nguồn cung nhà ở dạng này lại chiếm hơn 65% sản phẩm triển khai. Thị trường hiện đang dư thừa khoảng 70-100 triệu m2 sàn cao trung cấp.

Mặt khác, nhu cầu về phân khúc nhà ở thương mại bình dân, giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) dù chiếm đến 70-80% thị trường nhưng lại thiếu nguồn cung khá lớn. Đặc biệt là tại các thị trường lớn như Tp.HCM và Hà Nội, sự lệch pha cung – cầu ngày càng nghiêm trọng.

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết, hiện nay căn hộ trung cấp có giá khoảng 2,5 tỷ đồng cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường có biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội. Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình bất động sản cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện tượng lệnh pha cung - cầu nhà ở tại các thành phố lớn dù cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục. Cầu về nhà ở giá rẻ tại Hà Nội rất lớn, nhưng nguồn cung hạn chế, hoặc tuy có cung, nhưng chất lượng thấp khiến người mua e ngại.

Trái lại, phân khúc nhà phố thương mại (shophouse) lại chứng kiến thừa hàng. Số lượng các căn shophouse tại Hà Nội tăng mạnh vài năm gần đây, nhưng phân khúc này kén người mua bởi giá cao, nên nhiều dự án shophouse vẫn ế ẩm, khó kinh doanh.

Bên cạnh đó, dù nhu cầu và sức mua lớn, nhưng biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp thực hiện dự án nhà giá thấp lại rất mỏng. Đây là điều khiến nhiều chủ đầu tư không mặn mà, khiến nguồn cung phân khúc này chưa nhiều, qua đó khó giải được bài toán cung không đủ cầu.

Đất ven đô sốt ảo

Sau khi Hà Nội công bố Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030 vào giữa tháng 7, ngay lập tức giá đất các làng, xã quanh khu vực này được đẩy giá. Đất vườn, ruộng đầu tháng chỉ có mấy trăm nghìn đồng/m2, đến cuối tháng đã tăng lên 2 triệu đồng/m2.

Giá đất ở huyện Hoài Đức, Thạch Thất... dù hạ tầng chưa đồng bộ, xung quanh chỉ có đường Quốc lộ 32 và đường Láng - Hoà Lạc nhưng cũng được đẩy lên rất cao. Tại Đông Anh, từ cuối năm 2019 khi có thông tin trở thành một trong 4 huyện ngoại thành Hà Nội được lên quận vào năm 2020, đến nay, thị trường vẫn chưa ngừng "hét" giá. Có những khu đất giá bán lên đến 80 triệu đồng/m2, đắt ngang với giá một số trong quận nội thành.

Đáng nói, thị trường chứng kiến một nghịch lý: Giá đất trong nhiều dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn xoay quanh ngưỡng 30 - 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị lại có giá chào bán 20-30 triệu đồng /m2.

Tuy nhiên, có thể thấy, thực tế tại các khu vực xảy ra sốt đất thì giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ để thổi giá bất động sản lên cao, còn thực tế các giao dịch đến từ người mua đất, mua nhà không nhiều.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện cơn sốt đất. Cơn sốt đất nền "ăn" theo quy hoạch hạ tầng, địa giới hành chính vốn đi kèm nhiều hệ lụy. Vì vậy, các nhà đầu tư phải cân nhắc, cẩn trọng khi mua đất, đặc biệt chú trọng tính pháp lý, nghiên cứu quy hoạch phát triển toàn vùng cũng như quy hoạch khu vực diễn ra mua bán.

Tín dụng vẫn "chảy đều" vào bất động sản:

Ngay từ tháng 1/2020,  Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN xác định lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản. Trên thực tế, mặc dù khiến nhịp đập thị trường có phần chững lại, nhưng không thể phủ nhận sự hiệu quả trong việc kiểm soát thị trường, bởi các cơn nóng sốt bất thường đã giảm đáng kể từ sau khi chính sách kiểm soát tín dụng được ban hành.

Với lộ trình gồm 3 giai đoạn đến năm 2022, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung - dài hạn sẽ giảm từ 40% hiện nay xuống 37% vào tháng 10/2020 và 30% vào năm 2022. Đây cũng là lộ trình đã được điều chỉnh lại, đảm bảo phù hợp hơn với khả năng thích nghi của toàn thành viên thị trường.

Thế nhưng, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, nếu như quý 1/2020 tín dụng bất động sản chỉ tăng 0,88% thì hết quý 2/2020 đã tăng tới 10,21%. Theo báo cáo tài chính 9 tháng của nhiều ngân hàng thuộc top đầu lợi nhuận toàn hệ thống, tín dụng bất động sản cũng đang là một trong những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung và tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng. Theo đó, đến nay, tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trong đó, 62,43% là tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở.

FDI bất động sản tăng mạnh

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ 2019.

Tính riêng trong 3 quý vừa qua, tổng vốn FDI đổ vào bất động sản còn tăng mạnh nữa, từ 0,264 tỷ USD trong quý I lên 0,586 tỷ USD ở quý II và đạt 2,35 tỷ USD trong quý III.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam cho hay, điểm sáng tích cực hút nhà đầu tư ngoại là những rào cản trước đây đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang dần được tháo gỡ. Nếu như trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài khi bước chân vào thị trường bất động sản Việt Nam còn thiếu rất nhiều thông tin để ra quyết định đầu tư, thì những năm vừa qua, thông tin trên thị trường đã phong phú, đa dạng và minh bạch hơn rất nhiều.

Như vậy, dù chịu tác động kép của Covid đợt 2 và tháng ngâu nhưng thị trường bất động sản vẫn có phản ứng tích cực, thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực này trong quý III tăng tới 400% so với quý II.

Còn ông Phạm Ngọc Tùng, Phó tổng giám đốc IMG nhận định: dòng tiền FDI vào Việt Nam thời gian tới sẽ càng lớn vì doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng vào Việt Nam, việc khống chế thành công đại dịch là điểm cộng rất lớn cho lợi thế cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại lớn được ký kết, chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước khác trong khu vực trong thu hút FDI.

Bất động sản công nghiệp phát triển mạnh

Báo cáo ngành cập nhật mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy, tính đến hết tháng 11/2020, Việt Nam có 369 khu công nghiệp được thành lập; tổng diện tích 113,300 ha; diện tích thương phẩm 73,600 ha. Trong đó, khu công nghiệp đang hoạt động là 280 khu; tổng diện tích 82,800 ha; diện tích thương phẩm 56,600 ha; tỷ lệ lấp đầy 70,1%. Còn 89 khu công nghiệp đang xây dựng; tổng diện tích 30,500 ha; diện tích thương phẩm 16,300 ha.

Có thể thấy, bất động sản công nghiệp lại trở thành điểm sáng trong năm nay và dự báo cho cả năm 2021 bởi những tác động từ các hiệp định thương mại EVFTA, RCEP, kế hoạch lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam của nhiều tập đoàn.

Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để kinh tế có thêm nhiều hy vọng.  Thống kê của BW Industrial cho thấy trong 9 tháng qua, đã có nhiều doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc và chọn Việt Nam là điểm đến, nhất là những doanh nghiệp có nguồn gốc từ châu Âu.

Nhiều nhà đầu tư khác đã lựa chọn Việt Nam làm nơi đặt hậu cần như Samsung đã mang theo hàng trăm nhà cung ứng nước ngoài đến Việt Nam. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5 - 10 năm tới nhờ vào nhu cầu lớn trong việc thiết lập nhà xưởng của các nhà đầu tư mới và hiện hữu.

Ồ ạt trả mặt bằng kinh doanh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 suốt từ đầu năm, nhiều cửa hàng mặt phố, các tiệm kinh doanh nhỏ tại Hà Nội và Tp.HCM đã phải đóng cửa vì không thể đủ trả tiền mặt bằng.

Khảo sát của CBRE mới đây cho thấy 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10 - 30% trong năm 2020, 61% khách thuê cho biết chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% hy vọng được chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng từ Covid-19.

Báo cáo thị trường quý 3/2020 của CBRE Việt Nam cho hay, tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống trung bình vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu là thời trang và ăn uống trong nước trả lại mặt bằng. Một số chủ đầu tư vẫn giữ chính sách ưu đãi cho các khách thuê hiện hữu và khách thuê mới, tuy rằng số lượng dự án có chính sách ưu đãi không nhiều như trong đợt Covid-19 hồi đầu năm.

Theo khảo sát của Savills vào quý 3/2020, khách thuê thuộc ngành hàng dịch vụ ăn uống và thời trang cũng có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong năm 2020 còn có những dấu ấn như tăng khung giá đất, bất động sản công nghiệp tăng tốc, M&A bất động sản sôi động…qua đó góp phần tạo ra một không khí không quá trầm lắng trong một năm đầy rẫy khó khăn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top