Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 thị trường tăng vừa đủ để thêm chút gia vị đậm hơn trong câu chuyện vui vẻ bên bàn ăn. Một năm quá thành công của chứng khoán là phần thưởng ngoài sức tưởng tượng.
VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,58% hay 6,33 điểm so với hôm qua, nhưng vừa đủ để chốt tại 1.103,87 điểm. Một chút biến động xấu của VHM và SAB tại đợt ATC đã khiến chỉ số này không đóng cửa được tại mức cao nhất ngày.
Như vậy thị trường cuối cùng cũng chinh phục thành công mốc 1.100 điểm bằng một phiên thực sự đóng cửa trên ngưỡng này. Suốt cả tuần nay nhiều lần chỉ số vượt qua 1.100 điểm nhưng không giữ nổi cho tới lúc hết phiên.
Mặc dù mức tăng ở chỉ số chính không nhiều, nhưng các nhóm cổ phiếu thì tăng tốt. VN30-Index tăng 1,1%, VNMidcap tăng 1,06%, VNSmallcap tăng 0,83%. Độ rộng trên HSX cũng rất tốt với 291 mã tăng/159 mã giảm. Trong đó 160 cổ phiếu tăng hơn 1%, tức là gần gấp đôi mức tăng của chỉ số chính.
Nhóm blue-chips VN30 có 8 mã giảm giá nhưng thực sự chỉ có 4 mã ảnh hưởng nhiều lên chỉ số. Đó là SAB giảm 2,5%, VHM giảm 0,78%, GAS giảm 0,35% và VIC giảm 0,28%. Trong 4 mã này thì VIC đã giảm cả phiên và hầu như không biến động thêm. Riêng VHM và SAB đột ngột rơi mạnh ở đợt ATC. GAS cũng đang tham chiếu thành giảm.
Ảnh hưởng của các cổ phiếu lớn không khiến thị trường hôm nay giao dịch kém. Trái lại, nhóm cổ phiếu tăng mạnh giao dịch rất sôi động và ngay chỉ số VN30-Index tăng hơn 1% cũng thể hiện điều đó. TCB tăng 4,35%, VPB tăng 2,2%, FPT tăng 1,2%, HPG tăng 1,34%, MSN tăng 6,47%, SSI tăng 5,08% là những blue-chips nổi bật.
Nhóm cổ phiếu đầu cơ thanh khoản rất cao và đạt giá trần có EVG, FIT, ANV, CMX, CTS, DRH. Sàn này có 22 mã tăng hết biên độ trong phiên thì 13 mã thuộc nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Thị trường phiên này giao dịch thông suốt mà không nghẽn lệnh, một phần vì thanh khoản khá thấp. Tổng giá trị giao dịch bao gồm cả thỏa thuận đạt hơn 12.500 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 3 tuần. Mức khớp lệnh đạt 11.173 tỷ đồng, cũng thấp nhất 3 tuần. Ngưỡng giao dịch khớp lệnh 11.000 tỷ đồng chỉ là mức thấp trong giai đoạn hiện tại.
Nguyên nhân của thanh khoản giảm nhiều có thể là do nhà đầu tư nghỉ không giao dịch trong ngày cuối năm. Thực tế những ai muốn chốt lời hoàn toàn có thể bán giá tốt vì đa số cổ phiếu vẫn tăng giá. Ngược lại nhà đầu tư cũng có lý do để không cần bán vì xu hướng tăng còn rất mạnh. Thị trường hoàn toàn có cơ hội tăng cao hơn sau kỳ nghỉ khi HSX nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu.
Mặc dù vậy thị trường cũng xuất hiện nhiều cổ phiếu tăng thanh khoản đột biến. Nhóm VN30 tiêu biểu có MSN đạt trên 3,8 triệu cổ tương đương 330,4 tỷ đồng. Đây cũng là khối lượng giao dịch cao nhất 43 phiên ở mã này, MSN chốt phiên tăng 6,47% so với tham chiếu là mức tăng tốt nhất 57 phiên. Nhóm đầu cơ có FIT lập kỷ lục thanh khoản trong 3 năm, thậm chí chuyển nhượng tới gần 4,5% tổng khối lượng niêm yết.
Tính chung cả tháng 12, VN-Index tăng 10% và so với phiên cuối năm 2019 chỉ số tăng 14,87%. Riêng trong tháng 12 này, thị trường chứng khoán Việt Nam với đại diện là VN-Index lọt vào Top 4 thị trường tăng mạnh nhất thế giới, sau Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc (chỉ số kospi).
Phiên giao dịch cuối cùng của năm cũng chứng kiến đợt mua ròng của khối ngoại. Trên HSX khối này mua ròng gần 212 tỷ đồng. Tuy nhiên cổ phiếu rổ Vn30 chỉ được mua ròng 79 tỷ đồng. Lý do là khối ngọa mua ròng mạnh chứng chỉ quỹ FUEVFVND cộng với một số mã ngoài blue-chips như ITA, CMX... Các mã thuộc VN30 được mua ròng khá là HPG, MBB, STB, VRE, CTG, PLX. Ngược lại, khối này bán ròng KBC, PET, VCB, NKG, GVR, VHC, TCH...
Tuy vậy phiên mua ròng cuối năm không có nhiều ý nghĩa, kể cả với hoạt động chốt NAV. Tính chung cả năm 2020, chỉ riêng cổ phiếu sàn HSX đã bị bán ròng tổng hợp (bao gồm cả thỏa thuận) tới 19.860,5 tỷ đồng. Riêng tháng 12 này khối ngoại bán ròng xấp xỉ 4.200 tỷ đồng. Điểm sáng là các chứng chỉ quỹ ETF niêm yết được mua ròng 4.450 tỷ đồng.
Post a Comment