Tại sao chúng ta dễ dàng nhớ rõ ràng, chi tiết về hành vi đáng tự hào của mình trong quá khứ, còn những việc dối trá, lừa bịp đáng hổ thẹn thì quên béng hoặc chỉ nhớ mơ hồ?
Nhớ điều tốt, quên điều đáng xấu hổ
Trong khi những điều tốt đẹp thường được lưu giữ khá rõ ràng trong trí nhớ của chúng ta - thậm chí là tới từng chi tiết - thì những ký ức về sự không trung thực, những hành động đáng xấu hổ lại “rời bỏ” chúng ta khá dễ.
Thượng viện Mỹ năm 2007 đã lắng nghe phiên điều trần của Tổng chưởng lý Alberto Gonzales về việc ông sa thải liền một lúc 8 công tố viên liên bang. Tuy nhiên trái với mong đợi, ông Gonzales khiến mọi người vô cùng thất vọng khi hơn 60 lần nhắc lại cụm từ “Tôi không nhớ” (hoặc biến thể của nó) dù đã có nhiều tuần chuẩn bị cho phiên điều trần.
Cơ chế lãng quên hành vi không đạo đức khiến nhiều học sinh lặp lại hành động gian lận trong thi cử. Ảnh: Publimetro
Tương tự, anh chàng rapper Lil Wayne, người Mỹ - trong buổi lấy lời khai năm 2012 về việc có sở hữu vũ khí trái luật hồi năm 2009 hay không - đã trả lời là mình không thể nhớ lại ký ức đó.
Nhiều người cho rằng đây là cách né tránh những câu hỏi hóc búa về hành vi sai trái trong quá khứ. Tuy nhiên, theo thí nghiệm công bố trên tạp chí Psychonomic Bulletin & Review của các tác giả Jeremy R. Manning, Justin C. Hulbert, Jamal Williams, Luis Piloto, Lili Sahakyan, Kenneth A. Norman, khả năng nhớ lại những ký ức tốt và xấu phụ thuộc nhiều vào điều kiện, hoàn cảnh chúng ta ghi nhận ký ức.
Các hình ảnh chụp cộng hưởng từ tiết lộ rằng, để lãng quên những chuyện trong quá khứ, con người đã chủ động thay đổi cách nghĩ của họ về hoàn cảnh xảy ra và quên các chi tiết có trong bối cảnh sự việc như âm thanh, mùi, nơi xảy ra sự việc, người ở cạnh, thời gian, chất lượng ánh sáng.
GS Maryam Kouchaki, Đại học Northwestern và GS Francesco Gino, Đại học Harvard ( Mỹ) - 2 tác giả chính của nghiên cứu “Ký ức về hành vi không đạo đức bị mờ đi theo năm tháng”, đăng tải trên kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ - cũng chỉ ra rằng con người dường như đã tạo ra cho bộ não một cơ chế giúp nó xóa bỏ những ký ức không đẹp về hành vi vô đạo đức của bản thân.
Cơ chế bảo vệ lòng tự tôn
“Đạo đức là một phần cơ bản trong sự tồn tại của con người. Chúng ta thường đặt nặng việc người khác hoặc bản thân nhìn nhận mình như một người có đạo đức. Sự lãng quên ký ức về hành vi gian dối diễn ra bởi mong muốn làm giảm sự phiền muộn của một người sau khi có hành động sai trái và giữ hình ảnh bản thân là một người có đạo đức trong mắt người xung quanh” - các nhà nghiên cứu cho hay.
Maryam Kouchaki và Francesco Gino đã tiến hành 9 nghiên cứu riêng lẻ, có cấu trúc khác nhau, với hơn 2.000 người tham dự. Mục đích của nghiên cứu là tìm ra nguyên nhân chúng ta thực hiện hành vi không đạo đức và liệu những hành vi này có khiến ta thực hiện thêm những việc vô đạo đức khác không.
Trong thí nghiệm đầu tiên, hơn 330 người được chọn trên mạng để viết về những hành động/hành vi đạo đức và không đạo đức của mình trong quá khứ. Sau đó, họ sẽ phải điền vào 2 bảng câu hỏi nhằm kiểm tra xem họ nhớ sự kiện đó rõ ràng tới đâu (bao gồm cả câu hỏi về suy nghĩ và cảm xúc khi họ thực hiện hành vi không đạo đức).
Kết quả là ký ức về các hành động không đẹp thường kém sinh động hơn so với ký ức khác.Tiếp theo, những người tham gia được yêu cầu kể lại các hành vi không đạo đức của bản thân và người khác. Kết quả là hành vi của người khác được ghi nhớ rõ ràng hơn.
Trong một thí nghiệm khác, 70 sinh viên sắp tốt nghiệp của một trường đại học tham gia vào trò chơi tung đồng xu, nơi họ có thể thực hiện một vài chiêu trò để có tiền. Kết quả là 42% số sinh viên gian lận (theo một khía cạnh nào đó) nhớ về trò chơi kém hơn trong khi họ vẫn nhớ khá rõ về bữa tối của ngày hôm đó.
Ở thí nghiệm thứ tư, 194 người tham dự sẽ đọc một bản tường thuật về sự dối trá. Sau đó, họ được yêu cầu đóng vai nhân vật trong truyện hoặc kể theo ngôn ngữ của người chứng kiến. Kết cục là sau 4 ngày, người đóng vai nhân vật nhớ tồi hơn so với người kể chuyện.
Với những thí nghiệm tiếp theo, người tham gia được yêu cầu hóa thân thành nhân vật chính và đọc một câu chuyện tường thuật với những hành vi kém đạo đức. 30 phút sau, họ nhớ rất rõ về câu chuyện, tuy nhiên sau 4 ngày, ký ức này dần bị xóa nhòa.
Trong 3 thí nghiệm sau cùng, người tham gia được chơi những trò mà họ có thể gian lận một cách dễ dàng. Lúc đầu, nhiều người chơi cho biết họ cảm thấy xấu hổ vì gian lận. Tuy nhiên, cảm giác này nhanh chóng biến mất và họ lặp lại hành động gian lận của mình sau đó.
Việc cố tình lãng quên những ký ức về hành vi gian dối của mình dường như là cách dễ nhất để thoát khỏi ám ảnh tội lỗi. Đây được cho là nguyên nhân khiến nhiều người tốt lặp lại những hành vi có tính hủy hoại hình ảnh cá nhân. Tuy nhiên, nó cũng vô tình cổ súy chúng ta tiếp tục thực hiện những hành vi gian dối.
Hai giáo sư Gino và Kouchaki đang thực hiện bước tiếp theo của nghiên cứu. Họ muốn tìm hiểu xem có những cách nào giảm thiểu việc lãng quên ký ức gian lận ở nơi làm việc, với mong muốn ngăn chặn việc lặp lại những hành vi này trong tương lai.