Số tiền tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 29.863 tỷ đồng, tăng 24.218 tỷ đồng (bằng 379% so với năm 2014).
40.601 tỷ đồng là con số thực hiện tiết kiệm được trong năm 2015 của các cơ quan, đơn vị, địa phương tại Việt Nam, tăng 24.218 tỷ đồng và bằng 248% so với năm 2014.
Đây là thông tin được nêu tại báo cáo mới nhất của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.
Chính phủ cũng nói rõ, con số trên là theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Giao thông Vận tải đứng đầu
Trong đó, tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước là 10.738 tỷ đồng, tăng 2.234 tỷ đồng (bằng 126% so với năm 2014.
Tiết kiệm trong đầu tư xây dựng là 29.863 tỷ đồng, tăng 24.218 tỷ đồng (bằng 379% so với năm 2014).
Một số bộ, địa phương có kết quả tiết kiệm cao được điểm danh tại báo cáo: Bộ Giao thông Vận tải 23.932 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng 1.761 tỷ đồng, Hà Nội 1.648 tỷ đồng, Đà Nẵng 570 tỷ đồng; Bình Dương 550 tỷ đồng…
Phụ lục tổng hợp kết quả tiết kiệm của các địa phương cho thấy tiết kiệm trên 500 tỷ còn có một số nơi như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Thanh Hoá...
Tiết kiệm được trên 400 tỷ có Bắc Giang, Hà Tĩnh, Hải Dương…
Chỉ tiết kiệm được gần 1,7 tỷ là Yên Bái, số còn lại tiết kiệm được từ vài chục đến đôi ba trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý là một số địa phương chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2015 như Bắc Kạn, Đồng Nai, Hoà Bình, Kiên Giang, Quảng Trị, Sơn La và cả Tp.HCM. Nhưng, báo cáo của Chính phủ không nêu chế tài xử lý các địa phương này.
Trong khối bộ ngành, con số tổng hợp cho thấy tiền tiết kiệm hầu hết là từ vài chục đến vài trăm tỷ.
Một số bộ, ngành, phần cột ghi kết quả tiết kiệm năm 2015 để trống. Như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân tộc, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
Đặc biệt, với Văn phòng Chính phủ, cả hai năm 2014 và 2015 đều không ghi kết quả tiết kiệm.
Tập đoàn, tổng công ty tiết kiệm 15 nghìn tỷ
Liên quan đến sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, báo cáo nêu kết quả tiết kiệm năm 2015 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã báo cáo là 15.090 tỷ đồng, tăng 3.595 tỷ đồng so với năm 2014.
Không có tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nào được nhắc tên ở báo cáo chính. Nhưng phần phụ lục cũng xuất hiện con số nghìn tỷ.
Chẳng hạn, kết quả tiết kiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 6.296 tỷ, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 4.171 tỷ
Các tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo nhìn nhận của Chính phủ thì việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư) được triển khai quyết liệt.
Giai đoạn 2011 - 2015, các đơn vị đã thoái được 11.036 tỷ đồng, thu về 10.742 tỷ đồng. Riêng năm 2014 và năm 2015 đã thoái được 9.841 tỷ đồng, thu về 9.641 tỷ đồng.