Năm 2007, giới chức Ấn Độ phát hiện một lô hàng chứa hài cốt người đang trên đường vận chuyến tới một số tu viện ở Bhutan để "chế tác" thành vật dụng phục vụ tín lễ.
Đường dây đánh cắp bộ phận thi thể người chết
Nhà tang lễ Son Funeral Home. Ảnh: Telegraph
Năm 2005, Văn phòng Công tố quận Brooklyn (New York) truy tố 4 đối tượng trong đườg dây buôn lậu nội tạng người trị giá hàng triệu USD.
Theo các công tố viên, Daniel George và nhà tang lễ Son Funeral Home đã trộm xương, gân và các van tim từ xác chết. Daniel và đồng phạm đã “qua mặt” thân nhân của những người đã chết để vận chuyển lậu các cơ quan nội tạng người.
Sau khi ướp xác, các thi thể được chuyển tới một căn phòng bí mật. Các kỹ thuật viên ở đây cắt những bộ phận có thể đem bán rồi ghép “đồ giả” vào chỗ khuyết.
Trong hơn 4 năm, những kẻ thủ ác đã thu được rất nhiều bộ phận trên 1.077 thi thể.
Với những thông tin sai sự thật về tuổi và nguyên nhân tử vong, nguy cơ nhiễm bệnh của những người mua lại các bộ phận người chết là rất cao. Mô chưa qua sàng lọc có thể truyền bệnh và gây ung thư.
Alistair Cooke, ông chủ một rạp hát, là nạn nhân của đường dây buôn lậu bộ phận thi thể người. Dù qua đời ở tuổi 95, những kẻ bất nhân đã nói dối rằng ông 85 tuổi và chết vì suy tim chứ không phải bệnh ung thư phổi di căn tới xương.
"Tuyến đường chuyển lậu xác chết" ở Iran
Ảnh minh họa: NPR
Buôn bán xác chết là nghề mới của những kẻ buôn lậu ở Iran. Xác người thường được đưa tới thành phố Najaf, nơi có nghĩa trang Wadi-us-Salaam (Thung lũng hòa bình) mà những người Hồi giáo dòng Shiites đều mong được chôn cất khi chết.
Mở cửa từ thế kỷ 16, nghĩa địa là nơi tập trung số lượng lớn xác chết của những người theo đạo Hồi trên thế giới. Thậm chí, người Ottoman còn đánh thuế quá trình chuyên chở xác người tới nghĩa trang này. Tuy nhiên, cuộc xung đột dài 30 năm đã ngăn dòng chảy của “tuyến đường vận chuyển xác chết” này, cho tới những năm gần đây.
Chi phí chôn cất người chết tại nghĩa trang Wadi-us-Salaam có giá hàng nghìn USD. Nhưng những kẻ buôn xác chết sẵn sàng nhận ít tiền hơn. Chúng vận chuyển thi hài qua các tuyến đường mà băng đảng ma túy hay những kẻ buôn lậu súng vẫn đi qua.
Vận chuyển đầu người qua sân bay
Năm 2006, màn hình ở sân bay tại thành phố Fort Lauderdale (bang Florida, Mỹ) phát hiện ra đầu người vẫn còn nguyên răng, tóc và da trong hành lý của Myrlene Severe – một phụ nữ Mỹ gốc Haiti.
Theo lời khai của Severe, chiếc đầu này được cô mang về Mỹ để dùng vào nghi thức tế lễ theo tín ngưỡng Voodoo - một loại tôn giáo dựa trên lòng tin vào phù thủy và nghi lễ ma thuật đã có ở quần đảo Antilles hơn 6000 năm trước.
Theo luật pháp Mỹ, vận chuyển bộ phận cơ thể người chết là bất hợp pháp và bị phạt 100.000 USD và tối đa là 15 năm tù giam.
Buôn lậu xác ướp Ai Cập
Ảnh minh họa: National Geographic
Sau 8 năm điều tra, tháng 7/2011, các công tố viên Mỹ thông báo, họ đã bắt giữ một nhóm buôn lậu xác ướp.
Vụ việc liên quan đến những người buôn bán tại chợ đen đồ cổ ở New York, Michigan (Mỹ), và Dubai (Saudi Arabia).
Ngoài những xác ướp, những kẻ này còn vận chuyển lậu nhiều đồ cổ với tổng giá trị lên tới 2,5 triệu USD, gồm một quan tài kiểu Greco-Roma, một bộ gồm 3 quách, nhiều mộ thuyền 4.000 năm và hàng chục bức tượng nhỏ làm bằng đá vôi.
Xác ướp người phụ nữ Ai Cập Shesepamuntayesher mà bọn buôn lậu giấu trong quách được giao lại cho thương nhân Mousa Khouli (người Ai Cập) - ban đầu đối mặt với bản án 20 năm nhưng sau đó nhận tội.
Buôn lậu xác ướp Ai Cập từng rất phổ biến và diễn ra trong thời gian dài. Các xác chết khô được nghiền nát thành bột mummia - được tung hô là có công dụng bồi bổ sức khỏe. Loại thuốc rùng rợn này được bán tràn lan cho tới năm 1908 thì bị dẹp bỏ.
Hài cốt phục vụ tín lễ
Ảnh minh họa: National Geographic
Năm 2007, giới chức bang Jaygaon, Ấn Độ phát hiện một lô hàng chứa các bộ xương người đang trên đường vận chuyến tới một số tu viện ở Bhutan.
Các tu sĩ có ý đồ biến xương người thành tù và, còn sọ người thành chén lễ.
Sau quá trình điều tra, giới chức xác định, các bộ xương được kẻ gian lấy trộm từ các điểm hỏa táng ở Varanasi – một thành phố bên bờ sông Hằng.
Ấn Độ từng là “kho” cung cấp xương người có quy mô lớn nhất thế giới dùng cho mục đích nghiên cứu giải phẫu. Chính phủ nước này ra lệnh cấm hoạt động này vào năm 1985 do lo ngại việc lấy cắp và vận chuyển trái phép.