Tôi từng tưởng mình có một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc và ấm áp khi vợ chồng đều cư xử mềm mỏng, yêu chiều, nhẹ nhàng, tình cảm.
Rồi sau 7 năm cô đơn lạc lõng, tôi nhận ra mình bị bạo hành tinh thần một cách nghiêm trọng. Anh lăng nhăng, bài bạc dù vẫn đưa đầy đủ tiền lương và bao biện. Tôi đã bị dỗ ngọt, đe dọa, thao túng, điều khiển bởi chồng mà không hề nhận ra. Thực sự những người ở trong hoàn cảnh như tôi mới hiểu rõ. Tôi thừa nhận mình là người cực kỳ nghị lực và mạnh mẽ nhưng bị chồng lấy điểm yếu là tình thương, lòng bao dung để thao túng.
Mẹ mất khi tôi chưa đầy 9 tuổi, bố mất năm tôi 11 tuổi, tuổi thơ trải qua các nguy cơ bị xâm hại tình dục ngay từ cấp một, kể cả bị gạ gẫm trở thành vợ bé của những người đàn ông trung niên quen nhà tôi từ khi đang học cấp hai. Tôi lớn lên với lòng tự trọng và phẩm giá, yêu đọc sách, có đạo đức, nhân phẩm rõ ràng nên đều khéo léo thoát được, nhất là những người đó chắc còn lòng thương vì thấy tôi ngây thơ trước khi thú tính họ nổi lên.
Trước khi lấy chồng, công việc và thu nhập của tôi rất cao, đủ lo cho bà ngoại và em gái học đại học. Sau đó tôi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với mức lương thấp hơn công ty cũ một chút, công việc phù hợp với lý tưởng sống và giá trị đạo đức của tôi. Xuất thân như vậy nên tôi đồng cảm và mong muốn được giúp đỡ trẻ em nghèo và người yếu thế, không màng tới vấn đề kinh tế. Từ năm học lớp 12, tôi luôn thương cảm cho hoàn cảnh của trẻ lang thang cơ nhỡ ở thành phố và trẻ em vùng sâu vùng xa, luôn muốn lớn lên sẽ làm gì đó giúp cho cuộc sống của các em.
Tôi theo dự án ở một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam và gặp anh ở đây. Anh là công chức, cũng quê gốc Bắc. Tôi bị thu hút vì anh hiểu biết và ở anh có sự chân thật. Có điều chúng tôi tiến tới quá nhanh. Mối quan hệ này tôi bị thao túng ngay từ đầu, anh thực sự có kinh nghiệm, còn tôi dù hiểu biết nhưng thiếu kỹ năng xã hội để bảo vệ mình. Anh kể với tôi rằng có quá khứ lừng lẫy nhưng giờ đã thay đổi rồi. Tôi tin anh hoàn toàn.
Tôi đã nghĩ anh thương tôi, trân trọng nghị lực của tôi, cuối cùng thứ tôi nhận lại là sự lừa dối hết lần này tới lần khác. Tưởng anh nâng niu chiều chuộng tôi, hóa ra tất cả chỉ dừng lại ở lời nói, việc nhà và chăm con đều do tôi làm. Anh nói dối công việc bận rộn, áp lực để có cơ hội lăng nhăng, gạ gẫm phụ nữ bên ngoài, thêm việc chơi bài bạc nữa. Anh xin cơ hội sửa đổi vì bảo ai cũng sẽ có lỗi, biết sửa sẽ vô cùng đáng trân trọng. Sau cùng, bộ mặt thật của anh lộ rõ khi tôi muốn ly hôn.
7 năm bên nhau chúng tôi chưa từng xưng hô mày tao, tôi cô vì tính cách tôi vô cùng dịu dàng, nhẹ nhàng. Tôi không chấp nhận cách xưng hô như vậy, cũng không đồng ý việc nói tục trong nhà nên cương quyết với anh. Tôi cũng không phải mẫu phụ nữ truyền thống vâng lời chồng răm rắp mà vẫn có chính kiến riêng. Tôi không phải phụ nữ đảm đang tháo vát nhưng chăm chỉ, hiện đại, hay cho con đi khám phá thiên nhiên, đi du lịch. Tôi còn làm bánh với các đồ dinh dưỡng cho con, chăm chút đến tâm lý và hiểu biết của con.
Sau khi có con, tôi nghỉ việc, mở một quán bán hàng để có thời gian chăm con hơn. Thu nhập của tôi vẫn ngang chồng nhưng thời gian rảnh hơn. Tôi cho con đi ngắm mây ngắm núi, vẽ tranh, chụp hình thiên nhiên, đi bộ dã ngoại được hàng tuần vì chúng tôi đang sống ở huyện miền núi này. Còn hàng năm, tôi cũng đề nghị chồng đừng quá tiết kiệm mà cố gắng sắp xếp cho con được một hai chuyến đi du lịch xa về thành phố lớn bằng ôtô, máy bay để cho con khám phá những nơi có điều kiện sống khác với mình. Mỗi giai đoạn con sẽ có những sự hứng thú khác nhau, giờ con muốn ngắm biển nghịch cát, chứ lớn hơn con lại muốn làm thứ khác.
Do công việc và quan điểm vợ chồng không hợp nhau nên con thường đi riêng với bố hoặc mẹ chứ cả nhà không đi được cùng nhau. Trước đây, khi con 1-2 tuổi nhà tôi đi du lịch cùng nhau mà không hợp, tới nơi chồng chỉ chơi điện thoại, khi đi bộ thăm thú thì thái độ cáu kỉnh khó chịu. Tôi thấy không bình yên nên từ đó không sắp xếp đi cùng anh nữa. Chồng thao túng tôi bằng các cử chỉ âu yếm, nựng nịu, xen lẫn đe dọa uy hiếp, mức độ tăng dần rất đáng sợ. Tôi thấy khó khăn nhưng không bế tắc, thương cảm anh vì hiểu nguyên nhân sự hà khắc là do ảnh hưởng từ gia đình anh trước kia. Cũng vì bị anh thao túng trong thời gian dài khiến tôi phụ thuộc tình cảm, cảm xúc của anh.
Sau khi gửi đơn ly hôn, nhận thấy chồng gia tăng hành vi bạo lực, đe dọa, tôi đã tham vấn hôn nhân ở nơi uy tín và gỡ bỏ nhiều suy nghĩ tự đổ lỗi cho mình. Một trong những điều kinh khủng nhất mà nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo hành tinh thần phải gánh chịu chính là việc nhầm lẫn rằng mình có lỗi, mình sai, tự dằn vặt; ví dụ như việc chồng đi chơi là do mình không chu đáo... Thực sự, tôi cũng nhìn lại mình, thấy bản thân không hoàn hảo thật nhưng đối nhân xử thế có cương có nhu, dù không giàu nhưng được mọi người nể trọng vì sự chính trực, nhân hậu, bao dung.
Tôi suy nghĩ nghiêm túc khi khủng hoảng tinh thần, cân nặng sút từ 45 kg còn 40 kg; nhận thấy con đang có biểu hiện bám mẹ và hoảng sợ, không muốn ở một mình với bố (con tôi 6 tuổi). Nạn nhân sẽ bị kẻ gây bạo hành thao túng một cách rất tinh vi và đáng sợ, nhất là những người bề ngoài càng tỏ ra tử tế, hoàn hảo, đàng hoàng. Như chuyện gia đình tôi, 7 năm mà gia đình nội ngoại, hàng xóm đều không hề biết những việc anh làm, tôi khờ dại luôn nghĩ và bảo vệ uy tín cho chồng, trong khi anh hoàn toàn không xem danh dự, thể diện của tôi ra gì. Anh liên tiếp làm những việc có lỗi cả lén lút lẫn ngang nhiên trong 7 năm hôn nhân.
Tôi đang trong quá trình ly hôn. Chồng gia tăng thêm hành vi bạo lực, có thể tôi cần tạm lánh nhưng đã không còn hoảng sợ. Tới giờ, khi chồng lộ rõ bộ mặt ích kỷ, xấu xa, độc ác thì tôi không còn day dứt vì thương anh nữa. Tôi đã qua cơn trầm cảm, mạnh mẽ để đương đầu với cuộc chiến để chồng buông tha cho mẹ con tôi. Thậm chí tôi cũng chuẩn bị cả trường hợp con bị lôi vào cuộc chiến này. Tôi chuyển ra ở riêng sau một đêm chồng khóa cửa, đập đồ đe dọa, bản thân phải cầu cứu vợ chồng bạn thân của chồng. Tôi cũng sẵn các số liên lạc cầu cứu, số gọi công an khu vực... vì giai đoạn này người phụ nữ và con gặp nguy hiểm nhất. Chồng nắm bắt tâm lý của người khác rất giỏi nên mới thao túng được tôi 7 năm qua. Tới nay, khi không còn sự thương cảm với anh nữa cũng là lúc tôi chẳng sợ hãi điều gì.
Tôi mồ côi cha mẹ sớm, luôn thiếu thốn tình cảm nên khao khát yêu thương, cũng bị bạo hành từ chính giáo viên, phải đối diện các nguy cơ nguy hiểm trong cuộc sống, cộng thêm sự hiểu biết và tấm lòng nhân hậu giữ cho tôi luôn an yên trong 20 năm. Giờ tôi không sợ hãi điều gì hết. Tôi cũng sẵn sàng với tình huống xấu nhất vì im lặng chính là chết. Tôi và con trai không thể nào chết từ từ trong cuộc hôn nhân ngọt ngào và man trá này được.
Kim
Độc giả gọi vào số để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc