Nguồn: Nguyễn Mạnh Hùng, “The South China Sea and the Obama-Xi Summit: Talk is Cheap“, Viet-studies, 26/10/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Một hội nghị, nhiều quan điểm
Chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của Tập Cận Bình với tư cách chủ tịch nước Trung Quốc tháng 9 vừa qua đã làm dấy lên nhiều quan tâm và đồn đoán trong giới quan sát Trung Quốc ở nhiều nước. Đánh giá của họ về chuyến thăm này có xu hướng phản ánh thái độ phổ biến ở mỗi quốc gia. Một mặt, truyền thông Trung Quốc ca ngợi chuyến đi đã thành công tốt đẹp, nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc như một cường quốc đang lên và Chủ tịch Tập như một vị chính khách của thế giới. Mặt khác, truyền thông và giới bình luận Nhật Bản lại tập trung vào “gốc rễ” của cuộc đối đầu Mỹ-Trung về an ninh hàng hải, sự thất bại của cuộc gặp cấp cao trong việc thay đổi “[thái độ] không sẵn lòng dừng các hành động khiêu khích” của Trung Quốc trong những vùng biển lân cận, khả năng Trung Quốc không thể xây dựng một “mối quan hệ cường quốc kiểu mới” với Mỹ; và chỉ ra sự cần thiết phải “hợp tác an ninh hơn nữa” giữa Washington và Tokyo để ngăn chặn “chủ nghĩa xét lại của Bắc Kinh.”
Trung dung ở giữa là các nhà phân tích Ấn Độ, vốn chịu ảnh hưởng của truyền thống trung lập và ưu tiên phi bạo lực của đất nước, ca ngợi sự thành công của “thỏa thuận kiểm soát vũ khí đầu tiên của kỷ nguyên không gian mạng,” nhưng cũng cảnh báo rằng hai siêu cường đã bước vào “một khu vực căng thẳng,” và đề nghị Mỹ tìm “điểm cân bằng giữa việc chấp nhận rằng kỷ nguyên của trật tự thế giới do Mỹ thống trị đang đi đến hồi chấm dứt trong khi thúc đẩy một khuôn khổ thể chế toàn cầu mới,” phản ánh “lợi ích của các cường quốc phương Tây lẫn các cường quốc đang lên.” Đối với Mỹ, thất vọng nhiều hơn lạc quan là cảm giác chung của giới hoạch định chính sách và phân tích.
Tình hình trước cuộc gặp cấp cao
Trong nhiều tháng trước khi diễn ra chuyến thăm, hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là tốc độ và cường độ cải tạo đất biến các bãi đá lúc chìm lúc nổi thành các đảo nhân tạo có tiềm năng sử dụng cho mục đích quân sự, đã làm dấy lên nhiều lo ngại nghiêm trọng và phản ứng gay gắt không chỉ từ các nước châu Á có yêu sách khác mà còn từ Mỹ. Nhiều nhà phân tích quân sự nhìn nhận đây là một “tác nhân thay đổi” đang chuyển dịch đáng kể cán cân quyền lực ở Biển Đông; những tiếng nói có trọng lượng ở Mỹ đã thúc giục một phản ứng mạnh mẽ.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tập Cận Bình với Obama, hai tờ báo lớn của Mỹ là The Washington Post và The Wall Street Journal đã cho đăng tải những bài xã luận mô tả hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là “thù địch” và “gây hấn,” gợi ý “đã đến lúc cứng rắn với Trung Quốc và Chủ tịch Tập,” và kêu gọi Mỹ cần có “phản ứng mạnh mẽ hơn.”
Từ Quốc hội, Thượng nghị sĩ McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, phê phán việc Mỹ không hành động là một “sai lầm nguy hiểm đã trao sự công nhận trên thực tế cho những tuyên bố chủ quyền (dựa trên đảo) nhân tạo của Trung Quốc,” và kêu gọi Mỹ “gửi tàu vào phạm vi 12 hải lý (xung quanh các đảo nhân tạo) để tuyên bố rằng Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.” Lập trường của McCain cũng được ủng hộ bởi Đô đốc Harry Harris, chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, không chỉ đối với diễn tập hải quân mà còn cả các chuyến bay trinh sát hàng hải qua những hòn đảo này.
Từ phía Chính phủ, cả Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đều nhấn mạnh rằng “Mỹ sẽ bay, chạy tàu, và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm trên toàn thế giới.”
Trong bối cảnh này, cuộc gặp cấp cao được kỳ vọng là sẽ giải quyết được vấn đề này và hy vọng là nó cũng sẽ cho thấy một số dấu hiệu của sự linh hoạt từ phía Trung Quốc.
Kết quả đáng thất vọng
Dự đoán về cuộc gặp Tập-Obama, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã trả lời một phóng viên của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc hồi tháng 9 rằng hợp tác về khí hậu và năng lượng, an ninh mạng, và vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận. Nhưng khi thông cáo báo chí của Nhà Trắng được công bố sau cuộc gặp, trong đó liệt kê những lĩnh vực mà hai nhà lãnh đạo “đã đồng ý cùng làm việc để quản lý những khác biệt trên tinh thần xây dựng và quyết định mở rộng và làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa hai nước”, thì Biển Đông đã không được đề cập tới. Rõ ràng, họ đã không đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Việc Mỹ đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đã đem lại một thỏa thuận ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ trên không gian mạng, nhưng những lời phản đối miệng về Biển Đông không mang lại được kết quả như vậy.
Chiến lược dài hạn của Trung Quốc
Điều này không có gì là bất ngờ đối với những ai theo dõi những lời nói và hành động của Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc đã liên tục tìm cơ hội luồn lách để thực thi tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông đến mức nước này còn không buồn đưa ra những lý lẽ nghiêm túc, thuyết phục để biện minh cho những hành động của mình.
Ba tháng trước khi diễn ra chuyến thăm của Chủ tịch Tập, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố một cách đơn giản tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh rằng “Một ngàn năm trước Trung Quốc là một quốc gia hàng hải lớn. Vậy nên dĩ nhiên Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, sử dụng, và quản lý quần đảo Nam Sa [Trường Sa].” Ông Vương bổ sung cho tuyên bố thiếu căn cứ đó bằng câu nói chắc nịch đầy cảm xúc, “Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Nam Sa [Trường Sa] sẽ không mở rộng cũng không co lại. Nếu không chúng tôi [người Trung Quốc] sẽ không thể nào nhìn mặt tổ tiên cha ông mình.” Trước đó, vào ngày mùng 9 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã khẳng định rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể chối cãi” đối với quần đảo Trường Sa và “vùng biển lân cận,” và hoạt động cải tạo của Trung Quốc là “công bằng, hợp lý, và hợp pháp.” Trả lời lo ngại về vấn đề quân sự hóa, bà Hoa lập lờ nước đôi, tuyên bố những hoạt động của Trung Quốc chủ yếu là cho mục đích dân sự, nhưng cũng có thể phục vụ những “nhu cầu quốc phòng, quân sự cần thiết.” Bốn tháng sau đó, ngày 11 tháng 8, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa công khai thừa nhận rằng “các cơ sở quốc phòng cần thiết” sẽ được xây dựng.
Bên dưới các nhà lãnh đạo cấp cao, cả hai bên đã bày ra lập trường của họ.
Đồng ý là có bất đồng
Trong một cuộc họp báo chung tại Vườn Hồng ngày 25 tháng 9, Tổng thống Obama đã nhắc lại trước Chủ tịch Tập về “quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các nước” và lặp lại từng từ rằng “Mỹ sẽ bay, chạy tàu, và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép.” Để đáp lại, Chủ tịch Tập cho biết Trung Quốc cam kết sẽ tôn trọng và ủng hộ “tự do hàng hải và hàng không mà các nước được hưởng theo luật pháp quốc tế,” sau đó lặp lại cùng một lập luận thiếu căn cứ rằng các hòn đảo trên Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc “từ thời cổ đại,” và “chúng tôi [Trung Quốc] có quyền giữ vững chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi và lợi ích hàng hải chính đáng và hợp pháp,” nhưng cũng đảm bảo với Obama rằng “hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Nam Sa [Trường Sa] không nhằm mục tiêu hoặc gây ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào và Trung Quốc không hề có ý định quân sự hóa.” Nói cách khác, ông Tập cương quyết bảo vệ lập trường từ lâu của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng tự do hàng hải không có cùng một ý nghĩa đối với Trung Quốc và Mỹ. Và không quân sự hóa không nhất thiết đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không xây dựng “các cơ sở quốc phòng cần thiết” trên các đảo nhân tạo. Xét cho cùng, đường băng có thể có hai mục đích, những đường băng được xây cho mục đích “dân sự” cũng có thể được sử dụng hoặc dễ dàng điều chỉnh cho mục đích quân sự hoặc “quốc phòng.”
Phương pháp khác nhau, kết quả khác nhau
Vấn đề ở đây là sự khác biệt giữa lời nói và hành động của Trung Quốc. Ngày mùng 5 tháng 8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời cánh phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 ở Kuala Lumpur rằng Trung Quốc đã ngừng các dự án cải tạo đất, nhưng những hình ảnh vệ tinh do IHS Jane’s Defence Weekly chụp ngày 20 tháng 9 cho thấy công nhân Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành nạo vét xung quanh các đảo nhân tạo trong hơn một tháng sau tuyên bố đó, và Trung Quốc đã hoàn tất một đường băng trên đá Chữ Thập để “đẩy nhanh việc xây dựng trên hòn đảo mới và bắt đầu tuần tra trên các đảo tranh chấp.”
Lời nói của Mỹ cũng không kéo theo hành động. Trong khi tổng thống và các cố vấn cấp cao của ông tuyên bố Mỹ có quyền bay, chạy tàu, và hoạt động ở bất cứ nơi nào thì những người chịu trách nhiệm thực hiện mong muốn của tổng thống – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear và Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris – lại xác nhận trong một phiên điều trần Thượng viện vào ngày 17 tháng 9 rằng “tàu Mỹ chưa đi vào ranh giới 12 hải lý kể từ năm 2012” và Mỹ cũng “chưa trực tiếp bay vào bất kỳ vùng đất và lãnh thổ nào mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần đây.” Gần đây nhất, vào ngày 13 tháng 10, khoảng ba tuần sau khi diễn ra cuộc gặp cấp cao, Bộ trưởng Carter đã sử dụng lại công thức đe dọa “bay, chạy tàu, và hoạt động” giữa những tin đồn về hoạt động tự do hàng hải của Mỹ trong giới hạn 12 hải lý của những hòn đảo nhân tạo mới hình thành của Trung Quốc để thách thức tuyên bố chủ quyền của nước này. Những sự kiện diễn ra sắp tới sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ có khả năng và quyết tâm ngăn chặn sự xâm lấn hơn nữa của Trung Quốc hay không.
Cho đến nay, thực tế là trong khi Trung Quốc “nói và làm” thì Mỹ đe dọa và phòng bị nước đôi. Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn một sự đã rồi quan trọng vốn có thể thúc đẩy hơn nữa một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, cho Trung Quốc lợi thế chiến lược áp đảo so với các bên tranh chấp khác trên Biển Đông, và đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải, khiến việc thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông mà không gây ra nguy cơ thường thực xảy ra một cuộc xung đột vũ trang do vô tình hoặc tai nạn trở nên ngày càng khó khăn.
Hệ quả đối với các nước nhỏ
Cuộc gặp cấp cao Obama-Tập để lại ấn tượng rằng Mỹ đã bất lực trong việc ngăn chặn Trung Quốc tạo ra những “sự kiện trên thực địa” không thể đảo ngược. Theo Giáo sư Marvin Ott, nếu quá trình này tiếp diễn, sẽ có nguy cơ:
Nếu thiếu các biện pháp đối phó hiệu quả, tương lai có thể dự đoán trước của Biển Đông là Trung Quốc sẽ dần xâm lấn thêm lãnh thổ và phát triển hơn nữa các cơ sở hải quân và không quân cho đến khi nó có quyền kiểm soát trên thực tế đối với toàn bộ khu vực Biển Đông nằm trong đường “chín đoạn” trên bản đồ nước này. Các tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông sẽ trở thành đối tượng điều chỉnh và quản lý của Trung Quốc.
Giới lãnh đạo các nước nhỏ ở Đông Nam Á đều nhận thức rõ viễn cảnh này. Trong một cuộc nói chuyện tại Câu lạc bộ Ký giả Singapore ngày 27 tháng 8, sau cuộc gặp cấp cao Obama-Tập, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore K. Shanmugam đã tuyên bố rõ rằng “mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là trở thành quyền lực thống trị ở Đông Á,” và chắc chắn hoạt động xây dựng của Trung Quốc là “để giành khả năng kiểm soát các tuyến đường biển trên Biển Đông” và “loại trừ Mỹ khỏi khu vực.”
Chỉ có lập trường thống nhất của ASEAN và quyết tâm mạnh mẽ của Mỹ mới có thể có cơ hội ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc và thúc đẩy một giải pháp công bằng và có thể thực thi được cho tranh chấp Biển Đông. Hai yếu tố này đang tăng cường lẫn nhau: quyết tâm của Mỹ khuyến khích tinh thần đoàn kết của ASEAN và tinh thần đoàn kết của ASEAN củng cố quyết tâm của Mỹ.
Lập trường cương quyết của Tập Cận Bình đã đặt Mỹ vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu thách thức Trung Quốc bằng cách điều tàu vào phạm vi 12 hải lý và bay trên các đảo nhân tạo của nước này thì Mỹ có thể kích động một phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Nhưng nếu không thì coi như Mỹ ngầm chấp thuận cho Trung Quốc đẩy mạnh khẳng định chủ quyền và kiểm soát một vùng biển rộng lớn trên Biển Đông, làm xói mòn uy tín của Mỹ, và làm suy yếu lòng tin của các nước nhỏ ở châu Á về vai trò của Mỹ như một “thế lực giữ ổn định” trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thành công của chiến lược Biển Đông của Trung Quốc là kết quả của sự kết hợp gồm nhiều yếu tố: chính sách xảo trá của Trung Quốc, sự lưỡng lự của Mỹ, và sự mất đoàn kết của ASEAN. Trong nhiều năm qua các nước Đông Nam Á đã dựa trên tinh thần đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cùng sự can dự mạnh mẽ của Mỹ để bảo vệ mình trước sự xâm lấn của một bá chủ giàu quyền lực trong khu vực. Nhận thức về sự yếu kém của Mỹ và sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của Trung Quốc có tác động quan trọng đối với các nước nhỏ.
Trong khi Mỹ đang củng cố vị trí chiến lược của mình ở ngoại vi chuỗi đảo thứ nhất, Trung Quốc lại đang mở rộng vị thế chiến lược của nó ở bên trong chuỗi đảo thứ nhất. Việc Mỹ không hành động có ảnh hưởng gián tiếp đến sự gắn kết của ASEAN. Nếu không có sự hỗ trợ tập thể của ASEAN và sự can dự của Mỹ chống lại sự xâm phạm của Trung Quốc, các nước nhỏ trong khu vực sẽ có xu hướng chuyển từ giải pháp tập thể sang giải pháp cá nhân cho hoàn cảnh khó khăn của họ. Kinh nghiệm cay đắng với việc thiếu sự hỗ trợ của ASEAN trong sự kiện Tranh chấp bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) năm 2012 đã khiến Philippines gia tăng những nỗ lực nhằm phục hồi và tăng cường liên minh quân sự với Mỹ. Indonesia đang chuyển từ một chiến lược quốc phòng dựa trên cơ sở sự lãnh đạo và vai trò trọng tâm của ASEAN sang một chính sách “hậu ASEAN” dựa trên việc phát huy vai trò của đất nước này như một cường quốc biển trong “bốn điểm tựa châu Á” (Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia). Các quốc gia khác nhận thấy sự thống trị không thể tránh khỏi của Trung Quốc có thể sẽ quyết định theo đuổi chính sách phù thịnh Trung Quốc trước khi quá muộn.
Không ai mong muốn cuộc đối đầu nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng thỏa thuận giữa một Trung Quốc xét lại và một Hoa Kỳ muốn giữ nguyên trạng có thể dẫn đến sự phân chia khu vực ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, làm hạn chế nghiêm trọng sự lựa chọn của các nước nhỏ. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Shanmugam đã cảnh báo, trong vài năm tới, “do sự cạnh tranh lẫn nhau, họ [Mỹ và Trung Quốc], theo xu hướng của các cường quốc, sẽ sớm nói chuyện với chúng ta theo kiểu ‘hoặc theo chúng tôi, hoặc chống lại chúng tôi.’”
Thách thức đối với ASEAN là nhanh chóng thiết lập lại sự thống nhất và vai trò trung tâm của mình để không buộc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của họ. Liệu ASEAN có còn thời gian để tập hợp lại?
Nguyễn Mạnh Hùng là giáo sư ngoại hạng (Professor Emeritus) ngành Quản trị chính phủ và Quan hệ Quốc tế, Đại học George Mason, Hoa Kỳ, và là nghiên cứu viên khách mời cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore. Quan điểm trong bài viết này là của tác giả, không phản ánh quan điểm của nơi tác giả công tác.
Post a Comment