Đã năm ngày sau vụ tai nạn vì sóng đánh ở biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), bà Nguyễn Thị Dần (64 tuổi, ở TP Nha Trang) vẫn nằm viện vì gãy xương cánh tay trái.

Sóng cuộn người lộn 4 - 5 vòng

Nhớ lại chuyện bị sóng cuộn vào buổi sáng 17-10, bà Dần kể mấy chục năm đi tắm biển chưa bao giờ bị sóng “đánh” tưởng chết như lần này.

“Sáng ấy, nhóm tụi tôi có năm người, cùng ra tắm biển. Sóng cũng lớn vừa vừa chứ không quá lớn, mọi người đều xuống để “tắm nước bọt” (tức tắm ở phần bọt nước sau khi con sóng đập vào bờ). Bất thình lình mấy con sóng lớn bổ liên tục, kéo năm chị em ra xa.

Thường có sóng lớn, chúng tôi sẽ cút (lặn) xuống để tránh sóng đập. Lần này sóng lớn nhưng đổ xô vô bờ nhanh quá, tôi vừa ngồi hụp xuống thì sóng cuộn lộn nhào 4-5 vòng, tôi không thể điều khiển được cơ thể mình nữa.

Khi chị em kéo lên thì tôi thấy cánh tay trái của mình tê dại, không nhấc lên được. Đưa vô Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa thì được thông báo gãy hai tầng xương cánh tay, phải phẫu thuật và cố định xương” - bà Dần nói.

Ở phòng bệnh bên cạnh, ông Trần Dày (58 tuổi, ở Nha Trang) cũng bó bột trắng xóa chân trái từ bàn chân đến gần gối.

Ông Dày nói ông bơi lội rất giỏi, suốt mấy mươi năm nay hầu như không ngày nào ông bỏ bơi biển trừ những ngày bão tố dữ dội. Vậy mà sáng 16-10, khi đang bơi ở biển Nha Trang gần quảng trường 2 Tháng 4, ông Dày bị sóng “vặn” đến gãy xương mắt cá chân trái, phải nhập viện điều trị.

“Thấy một cơn sóng lớn, tôi cút xuống và thoát được, nhưng khi nhoài người để nương theo con sóng bổ thứ hai vô bờ thì bất ngờ dòng xoáy vặn bên dưới con sóng vặn người tôi theo hai hướng khác nhau làm tôi tưởng bị gãy xương sống! Khi sóng đánh vô bờ thì phải lết đi vì mắt cá chân trái bị vặn gãy luôn” - ông Dày kể.

Tương tự, chị N.T.Đ.Q. (38 tuổi), du khách từ TP.HCM ra Nha Trang du lịch, xuống biển tắm và cũng bị sóng đánh trật khớp gối...


Nhiều du khách vẫn thích tắm biển Nha Trang khi có sóng lớn - Ảnh:. D.Thanh

Tránh xa sóng lớn

Theo một nhân viên cứu hộ ở bãi biển Nha Trang, cứ đến mùa biển động, có sóng lớn, dù được cảnh báo bằng biển báo và được các cứu hộ viên nhắc nhở, khuyến cáo, nhưng nhiều người vẫn xuống tắm biển, giỡn sóng và bị sóng đánh bị thương.

“Rất nhiều kiểu bị thương vì sóng đánh. Người gãy xương hoặc trật khớp tay, chân; người bị tổn thương cổ, cột sống, vai, thắt lưng... Những trường hợp như thế, chúng tôi chỉ biết cứu họ lên bờ rồi gọi xe cấp cứu 115 đến chở đi các bệnh viện để cứu chữa” - một nhân viên cứu hộ bờ biển Nha Trang cho hay.

Còn bác sĩ Lê Minh Hoan - phó khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - cho biết khoa của ông và các khoa ngoại cột sống, ngoại tổng hợp cũng thường tiếp nhận những ca tổn thương nặng, gãy xương, kể cả tổn thương cột sống, đốt sống cổ vào điều trị bởi bị sóng đánh khi tắm biển vào mùa biển động.

Tai nạn sóng đánh gãy xương không chỉ xảy ra ở Nha Trang. Ông N.Q.K., ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), từng là nạn nhân của sóng biển. Khi đang tắm biển tại quê nhà, ông K. bị con sóng kéo lên cao rồi đánh dập xuống bãi cát làm gãy xương đòn (xương quai xanh) bên trái, điều trị mấy tháng trời mới khỏi.

Ông Hà Thanh Tùng ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) thấy sóng lớn không dám xuống bơi, chỉ đứng chỗ nước bọt biển nhưng bị một cơn sóng lớn dồi mạnh vào làm trật khớp gối trái, phải đi 
nạng hơn 10 ngày.

“Bây giờ cứ thấy biển có sóng lớn là tôi sợ, không dám xuống bơi nữa. Biển động, sóng lớn rất khó lường, chủ quan là nguy hiểm đến tính mạng ngay, nên tốt hơn hết là tránh xa sóng lớn. Không chỉ người không biết bơi, cả những người bơi giỏi, có kinh nghiệm cũng có thể gặp nạn” - ông K. nói.

Chỉ tắm biển khi sóng nhỏ

Sóng biển mang trong mình nó một năng lượng rất lớn, khi va chạm nó có thể gây ra các chấn thương cho người đang tắm biển nếu không biết cách ngự trị cơn sóng. Không ít lần chúng tôi tiếp nhận nhiều nạn nhân bị đứt cả ba dây chằng do sóng biển đánh làm trật khớp gối.

Chỉ nên tắm biển khi sóng nhỏ hoặc không có sóng, đối với những vùng biển mà độ sâu thay đổi đột ngột thì không nên tắm khi sóng biển lớn vì có nguy cơ bị kéo ra khỏi bờ.

Nên đứng trên bờ quan sát dòng nước ngược để tránh nó. Đó là dòng nước được tạo ra do sóng đánh vào bờ và rút ra xa, nhìn trên bờ sẽ thấy bọt nước trắng nhiều hơn, có một dòng chảy rút ra xa khi cơn sóng đánh vào bờ.

Những người lớn tuổi không nên tắm biển khi sóng lớn vì nguy cơ gãy xương do sóng đánh sẽ rất cao. Người chưa biết bơi hay chưa biết cách nhảy sóng không nên thử sức với các con sóng lớn, đặc biệt không nên ỷ y vào phao bơi vì sóng có thể đánh bật người và phao ra xa nhau nên có nguy cơ chết đuối.

Post a Comment

 
Top