Việc có thể “yêu” tới 86 lần/ngày đã giúp sư tử trở thành loài động vật có khả năng giao phối nhiều nhất trong thiên nhiên hoang dã.
Sư tử là một loài động vật có vú, thuộc chi báo, họ mèo và sinh sống chủ yếu ở các vùng đồng cỏ rộng lớn thuộc Tanzania và Nam Phi. Đây chính là kẻ săn mồi lớn thứ 2 trên mặt đất (sau hổ) khi mỗi con trưởng thành có thể nặng tới 250kg.
Cũng giống như tất cả các loài động vật thuộc họ mèo khác, sư tử có khả năng nhìn trong đêm rất tốt. Điều này giúp chúng trở nên linh hoạt hơn trong màn đêm và trở thành một nỗi ám ảnh đáng sợ đối với các động vật khác. Tuy nhiên, sư tử lại rất “lười biếng” khi mỗi ngày nó thường ngủ tới 20 tiếng.
Đặc điểm đáng chú ý nhất của sư tử là chúng có tần suất làm “chuyện ấy” vô cùng đáng nể. Theo các nhà khoa học, vào thời kỳ sinh sản, mỗi cặp sư tử có thể “yêu” từ 20-40 lần/ngày và liên tiếp trong 4 ngày. Thậm chí, có không ít tài liệu đã ghi nhận rằng, có những cặp sư tử còn giao phối với nhau đến 86 lần/ngày.
Được biết, sau khi thụ thai, sư tử cái sẽ mang thai khoảng 3 tháng rồi “lâm bồn”. Mỗi lần sinh, nó có thể cho ra đời từ 1-5 con non. Trong thiên nhiên hoang dã, mỗi chú sư tử con thường bị bắt cai sữa vào tuần thứ 8, nhưng có không ít trường hợp bú mẹ kéo dài tới 18 tháng. Sau đó, chúng sẽ được mẹ dạy cách săn mồi, trước khi bước vào cuộc sống tự lập hoặc sống theo bầy đàn.
Dù có khả năng sinh khá nhiều con, nhưng điều đó không thể giúp loài sư tử phát triển được số lượng. Bởi vì, tỷ lệ tử vong ở sư tử con là rất cao do chết đói, bị thú ăn thịt khác tấn công và nhiều nhất là do sư tử đực khác giết chết khi nó chiếm lĩnh được bầy đàn.
Ngoài ra, nạn săn bắn trái phép quá mức và môi trường sống ngày càng bị thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến số lượng sư tử giảm mạnh. Theo các thống kê, cách đây khoảng 10.000 năm, sư tử là loài động vật có vú có số lượng nhiều thứ 2 trên Trái Đất (chỉ sau con người). Thế nhưng, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 35.000 sư tử châu Phi và 400 sư tử châu Á còn tồn tại trên khắp thế giới.
Post a Comment