Công suất cảng Hải Phòng sẽ tăng gấp đôi khi dự án nâng cấp được hoàn thành vào năm 2018 - Ảnh: Lao Động.
Công ty vận tải Mitsui OSK Lines lớn nhất tại Nhật hiện đang đầu tư 1,2 tỷ USD mở rộng cảng tại Việt Nam để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam của nhà đầu tư Nhật, theo một bài bình luận mới đây trên Financial Times.
Số liệu của Financial Times cho thấy trong 3 năm gần đây, đầu tư trực tiếp của Nhật vào Đông Nam Á liên tục tăng. Và Mitsui OSK Lines là một trong những công ty đã có những bước đi táo bạo để bắt kịp làn sóng đó.
Vì nhiều lý do trong đó hai nguyên nhân lớn nhất là căng thẳng chính trị và chi phí lao động tại Trung Quốc ngày một tăng khiến số lượng nhà đầu tư Nhật quyết định đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc để chuyển sản xuất sang Việt Nam ngày một nhiều.
Hiện nay, công ty Mitsui OSK Lines đang hợp tác cùng các đối tác khác triển khai dự án nâng cấp hạ tầng để tăng công suất cảng Hải Phòng. Dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2018, khi đó, công suất cảng Hải Phòng sẽ tăng gấp đôi.
Chủ tịch công ty Mitsui OSK, ông Junichiro Ikeda rất lạc quan về tiềm năng phát triển của đầu tư Nhật vào Việt Nam: “Tất cả không còn là những lời đồn đoán. Tôi chắc chắn rằng kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa. Đã nhiều năm, Đông Nam Á đang nằm trong chiến lược “Trung Quốc cộng một” của doanh nghiệp Nhật. Nhưng nay, quan điểm đầu tư trên đã thay đổi từ “Trung Quốc cộng một” sang “Không Trung Quốc”.
Từ khi các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra trên nhiều thành phố lớn của Trung Quốc năm 2012, tốc độ đầu tư của Nhật vào Đông Nam Á đã tăng chóng mặt, và cùng lúc đó là sự sụt giảm của dòng vốn Nhật vào Trung Quốc. Mới đây, chính phủ Nhật công bố FDI của Nhật vào ASEN năm ngoái lên hơn 20 tỷ USD, cao hơn tổng FDI vào Trung Quốc và Hồng Kông 3 năm liên tiếp.
Còn theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (JETRO), kết quả của một cuộc khảo sát mới đây cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc rơi xuống dưới mức 40% lần đầu tiên trong 18 năm.
Viện nghiên cứu Mizuho trong khi đó lại công bố kết quả một nghiên cứu khác được thực hiện với khoảng 1 nghìn doanh nghiệp Nhật cho thấy trong số 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà đầu tư Nhật lựa chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu để tăng vốn đầu tư.
Việt Nam đồng thời cũng là lựa chọn số 1 đối với nhóm nhà đầu tư Nhật hiện đang có ý định chuyển hoàn toàn sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Global Insight, ông Rajiv Biswas, khẳng định chi phí nhân công ngày một cao tại Trung Quốc đang khiến nhà đầu tư Nhật thay đổi suy nghĩ về thị trường đầu tư này. Và theo ông, Việt Nam là một lựa chọn thay thế tốt, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.
Ông Biswas đồng thời nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là một trung tâm xuất khẩu hàng hóa lớn sang thị trường châu Âu hay Mỹ mà Việt Nam có thể coi như một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng nhóm nước ASEAN.
Post a Comment