Dự toán của Bộ Tài chính thu ngân sách năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi 254 nghìn tỷ đồng (4,95% GDP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; duy trì mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, gắn với triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận nguồn tín dụng ngoại tệ; chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Không được giảm thu, kiểm soát chi chặt chẽ

Thủ tướng giao Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế.

Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan và địa phương tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu năm 2016 Quốc hội đã quyết định.

Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô; phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối ngân sách; không điều chỉnh chính sách làm giảm thu ngân sách. Đánh giá tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đến thu ngân sách để có giải pháp chủ động trong điều hành.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2016 không quá 5% so với số thực thu năm 2016.

Các địa phương chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 được giao trên địa bàn và tăng tối thiểu 14-16% so với số thực hiện thu năm 2015.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật, không được giữ lại để bổ sung vốn điều lệ.  

Thủ tướng yêu cầu tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan tài chính và cơ quan Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi; kiên quyết từ chối không thanh toán, thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các bộ, cơ quan và địa phương nhưng đến ngày 30/6/2016 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu, trừ các khoản được phép thực hiện theo quy định của pháp luật và trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện.

Đồng thời cân đối nguồn thực hiện điều chỉnh mức lương.

Cân đối ngân sách các cấp

Thủ tướng yêu cầu điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Tổ chức điều hành chi ngân sách theo nguyên tắc điều hành ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện công khai minh bạch hơn tình hình sử dụng ngân sách ở các cấp ngân sách, các đơn vị thụ hưởng ngân sách; triển khai cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội.

Quản lý chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách Trung ương đã bố trí trong dự toán để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách trung ương để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách trung ương giảm lớn.

Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh... và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, các địa phương trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm lớn.

Ngân sách trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách của mình cho bù giảm thu.

Theo số liệu cập nhật của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trong 5 tháng đầu năm ước đạt 396,2 nghìn tỷ đồng, bằng 39,1% dự toán năm.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 466,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,6% dự toán năm.

Như vậy, bội chi ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đã lên tới 70,1 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã đưa ra dự toán thu ngân sách năm 2016 là 1.014,5 nghìn tỷ đồng, tổng chi là 1.273,2 nghìn tỷ đồng, bội chi 254 nghìn tỷ đồng (4,95% GDP).

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top