Theo công bố kết quả bầu cử của các địa phương trong cả nước, đến nay một số địa phương đang bầu thiếu số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021.
Hôm qua (31/5), trả lời báo chí về hướng giải quyết vấn đề này, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, việc bầu cử không đủ đại biểu Quốc hội là câu chuyện có khả năng xảy ra trong bầu cử.
Luật Tổ chức Quốc hội cho phép không nhất thiết phải bầu đủ 500 đại biểu nếu như do những lý do khách quan. Trong trường hợp bầu thiếu, việc xem xét bầu cử thêm do Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định.
Đối với việc bầu thiếu đại biểu HĐND cấp xã, ông Lê Minh Thông khẳng định, trước hết phải tôn trọng ý chí của cử tri. “Việc này cũng cho thấy bài học về việc lựa chọn ứng cử viên để giới thiệu cho cử tri bầu. Có thể công tác chọn nhân sự ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống ở cơ sở”.
“Đồng thời, công tác vận động bầu cử, cách thuyết trình của các ứng cử viên cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để cử tri lựa chọn được đúng người, nói lên tiếng nói của mình… ” - ông Thông nhận xét.
Theo Điều 79 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, trong trường hợp bầu cử thêm thì ngày bầu cử được tiến hành chậm nhất là 15 ngày sau ngày bầu cử đầu tiên.
Trong cuộc bầu cử thêm thì cử tri chỉ chọn bầu trong danh sách những người ứng cử tại cuộc bầu cử đầu tiên nhưng không trúng cử. Người trúng cử là người được quá nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ và có số phiếu bầu cao hơn. Nếu bầu cử thêm mà vẫn chưa đủ số lượng đại biểu bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì không tổ chức bầu cử tiếp lần hai.
Post a Comment