(ĐSPL) - Mặc dù mãi tới hơn 12h đêm mới kết thúc, nhưng liveshow “Đời ca sĩ” vẫn khiến khán giả ngồi lại trọn vẹn với dàn nghệ sĩ vào tối qua tại Nhà hát Hoà Bình (TP Hồ Chí Minh).
Liveshow ghi hình “Đời ca sĩ” vốn là ao ước bấy lâu của nam ca sĩ trẻ Trần Quang Hiếu, giọng hát đã từng được phát hiện bởi trung tâm nhạc Thuý Nga, và anh cũng từng đứng trên sân khấu Thuý Nga một thời gian dài. Sau đó, Trần Quang Hiếu trở về nước để tìm kiếm những cơ hội phát triển tại thị trường âm nhạc Việt Nam.
Anh mong muốn được thực hiện những chương trình ghi hình lớn theo phong cách hải ngoại, quy tụ dàn sao nổi tiếng phục vụ khán giả. “Đời ca sĩ” chính là chương trình đầu tiên với dàn ca sĩ hùng hậu như Thanh Hà, Đức Huy, Ý An, Bằng Kiều, Lê Hiếu, Mỹ Tâm...
Nghe đâu vì Đời ca sĩ, anh đã nhiều lần bật khóc vì lo lắng. Nhưng có lẽ, nếu vì lo anh khóc một thì sau đêm diễn, anh sẽ phải khóc mười vì hạnh phúc, vì tình cảm nghệ sỹ và khán giả dành cho chương trình quá lớn.
Đảm nhận trách nhiệm mở đầu chương trình, Trần Quang Hiếu đã gửi đến khán giả hai ca khúc “Một đời tôi đi tìm tôi và Chuyện tình không dĩ vãng. Anh tâm sự: “Đời ca sỹ chính là món quà tri ân dành tặng các khán giả yêu mến tiếng hát của các nghệ sỹ dù đằng sau hậu trường là những khắc khoải không biết bao giờ tìm được bến bờ riêng.
Còn bài hát tôi đi tìm tôi là nỗi niềm khắc khoải của con, con rất đam mê ca hát. Con đi tìm mãi bến bờ của sự thành công và hy vọng được khán giả đón nhận nhiều hơn nữa”.
Trong suy nghĩ của số đông, ca sĩ là một nghề của những hào quang lấp lánh, chỉ người trong cuộc mới biết rằng, đằng sau ánh đèn sân khấu là bộn bề lo toan, buồn tủi. Vì những nỗi niềm không biết tỏ cùng ai, đôi khi họ phải học cách “siết tay nhau mình tránh xa thế nhân, tránh xa ưu phiền đắng cay trần gian” như Quang Lê và Quang Hiếu đã làm trong bài hát Biển tình.
Rồi “Đêm đêm đem lời ca tiếng thơ/ Đời ca hát cho người mua vui/ Nhưng khi cánh nhung khép im lìm/ Ánh đèn lặng tắt/ Gởi ai nỗi niềm...”, ca từ chính là tiếng lòng của những người đã trót mang kiếp cầm ca, say sưa mang tiếng hát làm đẹp cho đời để sau đó, họ cay đắng nhận ra “Đời người ca sỹ cũng đáng thương và đáng được yêu”.
Lệ Quyên vẫn mang vào tiếng hát những thổn thức quen thuộc như thế nên khi vừa nghe tiếng cô, khán giả đã nhanh chóng nhận ra và dành cho nữ ca sĩ một tràng pháo tay chào đón.
Trong khi Quang Lê trìu mến gọi cô là người yêu cũ thì người đẹp ngượng ngùng khẳng định anh chính là nam ca sỹ cô song ca ăn ý nhất. Họ đã đưa khán giả đến với những giai điệu đẹp, ẩn chứa trong đó cả nỗi long của cuộc đời nghệ sĩ.
Nhưng cái buồn của người nghệ sỹ kỳ quặc lắm, nói như Bằng Kiều là “chẳng biết đường nào mà lần. Buồn trong niềm vui và vui trong nỗi buồn”.
Thế nên thay vì yếu đuối, héo mòn theo nó, Bằng Kiều biến nỗi buồn trở thành cảm hứng cho mỗi lần đứng trên sân khấu. Để giờ đây, anh chẳng còn cảm thấy sợ hãi nữa, ngược lại càng éo le thì càng thích thú.
Nghe chuyện tưởng chừng chẳng tin được, ấy nhưng lại là thật. Đã 4 năm mới trở lại Sài Gòn, Bằng Kiều hội ngộ khán giả trong biết bao miền nhớ nhung da diết, anh mong sẽ sớm trở lại với khán giả Sài Gòn bằng một liveshow riêng, nơi mà mỗi lần về Việt Nam nhất định anh phải ghé qua một lần chỉ để uống café sữa đá và xem kịch,như một thói quen.
Bằng Kiều đã hút hồn khán giả bằng những ca khúc được xem như “Bằng Kiều ca” như: Nơi tình yêu bắt đầu, Buồn ơi chào mi, Thao thức vì em…
Những ca khúc tiếp theo của Đời ca sỹ cũng vì thế mà chẳng còn khắc khoải, nặng nề và chất chứa nhiều tâm sự như phần đầu. Nghe Đức Huy hát Người tình trăm năm, ai cũng như sống lại cái tuổi 20, khi tình yêu rất đẹp và chẳng nhuốm màu toan tính.
Sau chương trình kỷ niệm 50 năm hoạt động nghệ thuật của Đức Huy, nhiều người gọi anh với biệt danh Người tình trăm năm trong âm nhạc. Cách gọi ấy khiến nhạc sĩ tài hoa bật cười:“Những người tình có thể bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ nhưng âm nhạc thì không bao giờ. Tôi hy vọng sẽ có chương trình kỷ niệm 50 năm lần thứ hai”.
Chẳng biết cái lần thứ hai ấy của anh có thành sự thật không, chỉ biết rằng ca khúc thứ hai anh đến với chương trình - bản song ca Như đã dấu yêu với Thanh Hà - khiến khán giả vỗ tay không ngớt. Một Thanh Hà da diết, mãnh liệt, một Đức Huy điềm tĩnh, đàn ông, tất cả đã làm hài lòng những người yêu nhạc.
Cũng giống Đức Huy, Mỹ Tâm đến với bằng hai ca khúc do chính cô sáng tác: Nhớ và Như một giấc mơ. Với chất giọng đầy nội lực, phần biểu diễn của cô chẳng có gì đáng bàn cãi: tròn trịa và thuyết phục. Thậm chí, nữ ca sĩ còn khiến khán giả “phát sốt” khi tiết lộ một cách… hờ hững và duyên dáng về câu chuyện về một chàng trai, người đã khiến cô mê mệt hồi nhỏ:
“Bản thân Tâm rất ít khi nói về mình trên báo, nếu có thì chỉ nói về các dự án âm nhạc, tình cảm thì hơi ‘ấy’. Lý do Tâm chọn bài Nhớ là hồi còn nhỏ, Tâm có quen một anh và rất thích anh đó, thích khủng khiếp. Buổi chiều hai người hay nhắn tin cho nhau, mỗi ngày chỉ chăm chăm chờ tin nhắn.
Thế nhưng, khi viết ra những dòng ‘Ôi, em làm sao, vì đâu những chiều em luôn mong chờ tin nhắn’, Tâm lại thấy thị trường và hơi lố nên quyết định đổi lại như hiện tại.
Hai năm trước, Tâm vẫn còn thích người ta như những ngày đầu mới thích nên có viết một bài hát nữa về sự chung thuỷ. Và ca khúc Như một giấc mơ đã mang lại cho Tâm rất nhiều may mắn và tình cảm của khán giả”, nữ ca sĩ đến từ Đà Nẵng chia sẻ.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến phần song ca của Lam Anh và Lê Hiếu với ca khúc Đêm cô đơn. Vốn là những người rất kín tiếng, cả hai đều giữ trăn trở của cuộc sống cho riêng mình, còn sự nhạy cảm của người nghệ sỹ được gửi gắm hoàn toàn vào âm nhạc để cất lên những giai điệu tinh tế và hoàn mỹ nhất.
Đặc biệt, giữa vườn hoa tình yêu nam nữ ấy, ca khúc Tình mẹ của ca sĩ Trần Quang Hiếu xuất hiện như một cơn gió lạ. Với sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, anh muốn gửi lời cảm ơn đến hai người mẹ của mình và tất cả những ai đang làm mẹ. Bên cạnh đó, anh cũng hy vọng tất cả những đứa con trên cuộc đời này sẽ không bao giờ làm mẹ buồn, mẹ khóc.
Trưởng thành từ cuộc thi V-star của Thuý Nga Paris, Quang Hiếu đang cần mẫn miệt mài tình chỗ đứng trong lòng khán giả. Được trời phú cho giọng hát ấm áp và rất tình, nam ca sĩ sống hết mình và cống hiến cho âm nhạc dù biết rằng con đường ấy vốn lắm chông gai và thật khó tìm được đích đến.
Nếu nam ca sĩ Trần Quang Hiếu là người đầu tiên xứng đáng nhận được lời khen cho sự thành công của chương trình Đời ca sỹ thì người tiếp theo phải là Ý Lan. Lần đầu tiên làm MC cho một chương trình ca nhạc, chị không tránh khỏi những thoáng bối rối. Nhưng bản lĩnh mấy mươi năm trong nghề cùng chất giọng ngọt như rót mật vào tai khiến người nghe thích thú.
Là ca sĩ hát cuối chương trình, chị giữ chân khán giả bằng chính tiếng hát trời phú: khác biệt và không hề màu mè, kiểu cách. Chiều về trên sông, Bản tình ca cuối và Paris có gì lạ không hay, những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của Ý Lan một lần nữa lại cất lên trong tình yêu của những người hâm mộ.
Vì chương trình kết thúc khá muộn, Ban tổ chức đã quyết định bỏ đi ca khúc kết Và con tim đã vui trở lại nhưng trong lúc hưng phấn, Ý Lan đã quên mất. Đã trót giới thiệu, Ý Lan quyết định sẽ hát dù muộn đến mấy đi chăng nữa.
Cảm kích trước sự nhiệt tình của chị, nhiều khán giả đang chuẩn bị ra về cũng quyết định ngồi xuống và tiếp tục thưởng thức. Sau đó, họ còn nán lại để vỗ tay như một cách tôn vinh sự cống hiến miệt mài, đáng trân trọng của những người nghệ sỹ chân chính.
Với sự đầu tư nghiêm túc cả công sức lẫn tiền bạc, bên cạnh dàn ca sĩ hùng hậu, Đời ca sỹ còn có một sân khấu với đèn led hoành tráng cộng thêm ban nhạc rất chuyên nghiệp.
Tất cả đã góp phần làm nên một đêm nhạc thật đã tai, đã mắt. Nhà thiết kế Quỳnh Paris, người đã hỗ trợ trang phục các ca sĩ trong đêm diễn đã góp phần làm nên thành công với những trang phục lộng lẫy, nữ tính và cực kỳ quyến rũ của mình.
Tiểu Quỳnh
Photo: Mr AT- Hotnow
Nguồn: Người đưa tin
Mời độc giả xem thêm video giải trí:
Post a Comment