Tổng thống Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2016. Ảnh: Reuters
Cơn sốt Obama trào lên từ nhiều vùng nhạy cảm trong tâm hồn người dân nước Việt thời hiện tại.
Trước hết, nước Mỹ nói chung đối với họ đáng tôn thờ hơn bất kì một quốc gia văn minh thịnh vượng nào khác. Nhật đáng kính trọng. Đức đáng nể. Anh, Úc, Canada đáng sống. Pháp, Ý thì đáng yêu. Các nước Bắc Âu đáng khâm phục. Hàn quốc cũng đáng học hỏi lắm. Song Mỹ là nhất. Là hình mẫu tuyệt đối của một thế giới đáng khao khát. Cái gì đến Việt Nam từ xứ cờ hoa, kể cả cà phê loãng, cũng mang thông điệp: Tôi chính là thứ bạn đang ao ước. Nho Mỹ ngọt hơn, kem Mỹ ngon hơn, sữa Mỹ bổ hơn, dao Mỹ sắc hơn, pin Mỹ bền hơn, học bổng Mỹ oai hơn, tiêu chuẩn Mỹ chuẩn hơn, tàu chiến Mỹ khủng hơn, dân biểu Mỹ danh giá hơn, thậm chí Việt kiều Mỹ nghe cũng hoành tráng hơn Việt kiều lung tung những nơi khác. Giấc mơ Mỹ chẳng những không đè nát cuộc đời Việt mà ngược lại, nó làm tổ trong lòng người Việt mọi tầng lớp, từ thượng tầng tinh hoa đến dân ngu khu đen, từ trí thức đến doanh nhân, từ đứa trẻ đến người già, từ cựu binh đánh Mỹ năm xưa đến cán bộ tuyên giáo vẫn chửi Mỹ năm này. Tổng thống Hoa Kỳ, ai không quan trọng, Obama hôm nay hay rất có thể Trump sắp tới, một anti-Obama, là đại diện cao nhất của chân trời mơ ước đó.
Thứ hai, cũng không liên quan tới cá nhân Obama, sự trở lại của người Mỹ lần này có cùng một động cơ như sự can dự của họ ở Việt Nam giữa thế kỉ trước: Trung Quốc. Lần trước, vì một nước Trung Hoa đỏ. Lần này, vì một nước Trung Hoa siêu cường. Bún chả Việt Nam tất nhiên ngon và hội chứng cuồng Obama ở Việt Nam chỉ thua ở quê cha đất tổ Kenya của chàng, song người Mỹ không đến thăm người Việt chỉ vì người Việt. Nụ hôn Hà Nội-Washington đậm vị Bắc Kinh. Một kẻ thứ ba mà ai cũng biết nhưng không được phép gọi tên luôn len vào vòng tay lớn Việt-Mỹ. Hai chữ “Trung Quốc” không một lần được nhắc trong bài diễn văn gần như đã thành huyền thoại của Obama tại Hà Nội, nhưng càng tránh điểm danh thì cái thế lực hắc ám kia càng lù lù ra đó. Nó hiện ra trong vẻ mặt cứng đờ của vị nguyên thủ nước chủ nhà. Trong lời trần tình hoa mỹ về việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí. Trong trích dẫn thơ “Nam quốc sơn hà”. Trong lời nhắn nhủ đầy ngụ ý và được cử tọa nồng nhiệt tán thưởng về nước lớn đừng ức hiếp nước nhỏ. Và trong ngưỡng vọng cháy bỏng của người Việt về một đồng minh hùng mạnh. Hơn cả đồng minh. Một người bảo trợ vĩ đại. Câu thơ nổi tiếng của Việt Phương nay có thể viết lại: trăng nước Mỹ tròn hơn trăng Trung Quốc. Tất cả những oán hờn ngàn năm và sự tổn thương của một dân tộc đầy kiêu hãnh về thành tích giữ nước trộn thành kỳ vọng khổng lồ gửi gắm vào nước Mỹ, dù Hoa Kỳ có thể quyết chống Hán đến người Việt cuối cùng, như đã từng ngược lại trong quá khứ. Song những bài học của lịch sử ít khi có giá trị. Obamamania những ngày này có phần là một phái sinh của sinophobia. Chỉ hình dung cho sắp tới đã phát kinh: ngay bây giờ rất nhiều người Việt đã mê Trump, vì ông này thường to mồm chửi Trung Quốc hãm hiếp Hoa Kỳ trong thương mại. “Cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp” của Nguyễn Huy Thiệp gửi lời chào đồng cảm sâu sắc.
Obama gặp gỡ giới trẻ Trung Quốc tại Thượng Hải 2009. Ảnh: AFP
Obama gặp gỡ giới trẻ Việt Nam tại TPHCM 2016. Ảnh: Vnexpress.net
Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh 2014. Ảnh: AFP
Obama và Chủ tịch Trần Đại Quang tại Hà Nội 2016. Ảnh AFP
Thứ ba, vẫn không liên quan tới cá nhân Obama, là câu chuyện thần tượng. Không phải chỉ người Việt khát thần tượng, song những cơn say thần tượng của họ, dù đó có thể là một vụ lên đồng tập thể u mê nhất, luôn mang một tinh thần phá rào. Như một tuyên chiến tự phát và vô thức trước những thần tượng theo chỉ đạo. Những tấm gương anh hùng bịa dở. Những công thức người tốt việc tốt của loa phường. Những huyền thoại xa vời của một lịch sử chết ngạt trong giáo trình. Những lí tưởng trơ khung rỗng. Những vĩ nhân là tất cả, chỉ trừ là con người biết khóc cười như đồng loại. Và trên tất cả là bổn phận mãi mãi tôn thờ một cái xác lãnh tụ ướp trong lăng. Minh tinh Hollywood và sao Hàn, tỉ phú Thung lũng Silicon và Huy chương Fields cho nhà toán học gốc Việt, đại tướng thất sủng và súng hoa cải của anh em nhà đầm tôm, váy Lý Nhã Kỳ và eo Ngọc Trinh, cổ thụ Hà Nội và cá Vũng Áng, chú chim vẫy cánh của Nguyễn Hà Đông và hành trình thế giới của Huyền Chip, thậm chí cả siêu phẩm Bphone nổ thật to để im re thật lớn…, thị trường thần tượng của Việt Nam sốt ngoài định hướng xã hội chủ nghĩa. Một góc nhỏ của một nhân vật như Obama cũng đủ để chinh phục thị trường ấy.
Và vị Tổng thống Hoa Kỳ sắp từ nhiệm đem tới Việt Nam không chỉ một góc, mà toàn bộ vốn tiết mục nghệ thuật chính khách đã điêu luyện qua một thập kỉ trình diễn trước những cử tọa khó tính hơn rất nhiều.
Tám năm trước, phần lớn những người Việt mà tôi biết đều không mấy mặn mà với chàng. Bản quán chính trị của cộng đồng Việt ở Mỹ là Đảng Cộng hòa, những lời kêu gọi không bầu cho Obama nhan nhản trên mạng hải ngoại. Người trong nước thì đem tướng pháp ra phán. Rằng da đen môi thâm mắt trắng, rằng mặt quắt tai vểnh, cười hở hết cả răng lợi, lại còn thuận tay chiêu, phạm tất cả những quan niệm truyền thống của người Việt về một bậc nguyên thủ xứng đáng, chưa nói đến những bình luận về nhan sắc của bà Obama. Song quyền lực luôn là một thẩm mĩ viện kì diệu. Bây giờ, chàng được truyền thông Việt Nam miêu tả là có nụ cười rạng rỡ, cặp mắt chân thành, giọng nói trầm ấm, sức khỏe tuyệt vời, phong cách chuẩn men và vẻ đẹp trai xiêu lòng giới trẻ. Nếu có mặt, chắc chắn phu nhân Obama và hai tiểu thư sẽ gây những cơn tsunami, người Việt sẽ choáng và sốc và không thể rời mắt trước thời trang đẳng cấp và vẻ yêu kiều của gia đình nhân vật quyền lực nhất thế giới.
Lí giải sự ngây ngất Obama từ so sánh với giới lãnh đạo Việt Nam, theo tôi là có phần không công bằng. Từ phong cách cán bộ đơn điệu cứng nhắc cố hữu đến phong cách dân túy xuề xòa bỗ bã hoặc trưởng giả lòe loẹt hay quê mùa nhếch nhác, hình ảnh quan chức trong chính quyền Việt Nam tất yếu phải nhàm chán, hãm tài, có phần ngây ngô thô kệch, tương ứng với những ngả đường khuất dẫn họ đến quyền lực, trên một chính trường tỉnh lẻ, trong dàn trình diễn tập thể, với viễn kiến duy nhất là tìm ra điểm hạ cánh an toàn khi về vườn, trong khi Tổng thống Hoa Kỳ là siêu sao của truyền hình thực tế kiêm võ sĩ vô địch trên một vũ đài chói chang trước cử tọa toàn thế giới. Obama, trong thăm dò dư luận được coi là nghiêm túc của Đại học Quinnipiac hai năm trước, bị đánh giá là Tổng thống Hoa Kỳ tệ nhất từ sau Thế chiến II đến nay, song chắc chắn là một diễn viên thượng thặng. Và trước hết là một nhà hùng biện xuất sắc, hiếm có ngay cả với nước Mỹ và phương Tây, được đưa vào cùng phả hệ với JFK, vệt sao chổi sáng lòa trong vũ trụ chính trị Mỹ.
Cú bắt tay tại Havana tháng 3/2016. Ảnh: Reuters
Bài diễn văn của Obama ở Hà Nội có đủ tất cả những thủ pháp hùng biện và các phụ gia đặc trưng của vị Tổng thống ưa trình bày một hỗn hợp hoàn hảo của chính luận quốc gia và tâm sự riêng tư, của chiều sâu văn hóa hàn lâm và những trường đoạn đủ nông của văn hóa đại chúng, của vuốt ve đối tượng trước và sau khi cảnh tỉnh vừa khít liều lượng, của những cú pha trò và những chủ đề nghiêm túc, và của những diễn ngôn làm nên thương hiệu Obama: Hope, Change, Yes We Can. Hai tháng trước tại Havana, cũng một thủ đô xã hội chủ nghĩa, cũng ở một đất nước cựu thù đối lập về chính thể, cũng trong một chuyến viếng thăm ba ngày, chàng cũng trổ tài với gần như nguyên xi cấu trúc diễn thuyết ấy và những thông điệp chính trị tương tự. Cũng tương lai Cuba nằm trong tay người Cuba, đặc biệt là giới trẻ, Hoa Kỳ chỉ chìa tay thân ái mà không áp đặt. Hơi nhiều cảm xúc hơn một chút, nhiều pha dùng tiếng bản địa trực tiếp hơn, nhưng cũng đầy đủ từ món thi hào dân tộc José Martí đến đặc sản thịt bò hầm ropa vieja và điệu Cha-Cha-Cha. Theo khẩu vị của tôi, những bài diễn văn ấy hơi quá vừa miệng, hơi quá chiều lỗ tai, hơi quá tính toán giới hạn mạo hiểm, hơi quá ý thức về sứ mệnh là một diễn văn lịch sử trong một bước ngoặt lịch sử. Và hơi quá văn nghệ. Nếu là một nhà độc tài, tôi sẽ cấm đem Kiều ra đưa đẩy chính trị, nhất là Kiều trong bản dịch tiếng nước ngoài. Ngoại giao Truyện Kiều, tôi thấy lố bịch và tội nghiệp cho cụ Nguyễn Du chánh sứ. Song so với những bài diễn văn “toàn Đảng toàn dân toàn quân quyết tâm” của chủ nhà thì ở đất nước da vàng cờ đỏ này, ông Tây đen đến từ Nhà Trắng đã truyền một cảm hứng chưa từng thấy.
TT Bill Clinton và người dân Hà Nội năm 2000. Ảnh: AFP
Còn lại gì từ cảm hứng ấy? Tôi tin rằng chính quyền Việt Nam thừa kinh nghiệm để cho phép truyền thông nhà nước ngập lụt những hình ảnh bày tỏ sự nồng nhiệt của người Việt với Obama. Rốt cuộc thì mười sáu năm trước, cơn sốt Bill Clinton, cũng một vị Tổng thống Hoa Kỳ hiện đại trẻ trung hấp dẫn, có thể là một cú hích về nhiều phương diện, song không hề chạm khẽ vào cái chính quyền lạc hậu già nua nhàm chán đó. Thực ra tôi thấy sự tẻ nhạt của giới lãnh đạo Việt Nam là một may mắn. Nếu một chính thể cực quyền lại biết mê hoặc lòng người thì thật vô vọng.
Phạm Thị Hoài
28/5/2016
P.T.H.
Post a Comment