Một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại biển Đông. (Ảnh: DigitalGlobe)

Theo các nhà sinh học, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông có thể hủy hoại hệ sinh thái ở đây vĩnh viễn.

Ngư dân đảo Hải Nam Trung Quốc đang đánh bắt được những loại sò khổng lồ, sống đến 100 năm và có giá trên thị trường đến 1.200 USD mỗi con. Ngư dân ở đây được chính phủ trợ cấp hàng ngàn USD mỗi hộ với một hệ thống định vị vệ tinh miễn phí (có giá hàng chục ngàn USD trên thị trường) để đánh cá ở khu vực đảo Trường Sa. Giờ đây họ cảm thấy an toàn khi đánh bắt cá tại khu vực này vì có sự yểm trợ của chính quyền Trung Quốc.

Việc tranh chấp chủ quyền của các quốc gia tại khu vực Biển Đông khiến tình hình chính trị, quân sự ngày thêm căng thẳng. Nhưng một mối lo khác cũng xuất hiện, đó là tác động của cuộc xung đột này lên môi trường biển ở đây, thậm chí có thể nhìn thấy rõ ràng.

Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với các loại vỏ sò khổng lồ rất lớn, họ dùng để chạm khắc trong lĩnh vực trang trí nội thất và trang sức giống như ngà voi. Ngư dân Trung Quốc đã dùng các thuyền vét sạch các dãy đá ngầm ở Biển Đông để khai thác loại thủy sản này. Trong khi đó chính quyền Trung Quốc liên tục hỗ trợ ngư dân của họ vào đánh bắt ở khu vực tranh chấp, khiến khu vực này bị khai thác quá mức.

Một thuyền đánh cá Trung Quốc chở đầy vỏ sò khổng lồ. (Ảnh qua scmp.com)

Việc ảnh hưởng đến sinh thái lớn nhất là Trung Quốc xây dựng đảo nhân tại tại Biển Đông. Họ dùng tàu hút bùn để khuấy động các rặng sạn hô, phủ cát và sỏi lên để tạo ra hòn đảo. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã chuyển đổi 7 rãnh đá ngầm dưới nước thành các hòn đảo nhân tạo, trong đó có một đường băng đủ dài để phục vụ máy bay quân sự.

Một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông. (Ảnh: DigitalGlobe)

Ông John MacManus, Giáo sư sinh thái biển tại trường Đại học Miami (Hoa Kỳ) cho biết: “Vấn đề tồi tệ nhất khi xây dựng các hòn đảo này là chúng tồn tại vĩnh viễn. Một khi các rặng san hô bị chôn dưới hàng tấn cát, sỏi thì nó không bao giờ hồi phục. Hãy tưởng tượng để nói điều này cho con cháu chúng ta”.

Theo ông MacManus, Biển Đông là một trong những môi trường biển có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với khoảng 500 loại san hô, lớn hơn rất nhiều so với vùng biển Caribean chỉ có 70 loại. Ngoài vai trò cầu nối cho thương mại hàng hải trị giá 5.000 tỷ USD, vùng biển này cũng chiếm ít nhất 1/10 lượng cá trên thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nhu cầu thủy sản trên thế giới đang tăng lên, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, năm ngoái giá trị thủy sản đánh bắt là 130 tỷ USD.

Trong khi các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên dưới Biển Đông được coi là tài sản lớn, nhưng không ai biết độ sâu của các mỏ là bao nhiêu và khai thác chúng có dễ không. Ngược lại, tài nguyên sinh thái biển ở đây thì rất rõ ràng. Thậm chí còn nhiều hơn. Có thể có hàng trăm ngàn loại sinh thái vẫn chưa được khám phá dưới các rặng san hô ở Biển Đông. Có thể một loại sinh thái biển nào đó sau này trở thành một loại thuốc, làm thay đổi sự sống của con người.

Khi thế giới cấm khai thác ngà voi, Trung Quốc chuyển sang khai thác các loại sò tượng khổng lồ để thay thế cho ngành mỹ nghệ. Nhiều ngư dân bán vỏ sò dài 1m và nặng 200kg. Theo nhà sinh học biển McManus, phương pháp để ngư dân Trung Quốc khai thác vỏ sò khổng lồ là dùng thuyền chân vịt kéo phá vỡ các rặng san hô để tìm các động vật thân mềm. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng đến diện tích hơn 100km2 tại 40 rặng san hô ở Biển Đông. Ông nói có ít nhất thêm 20 rặng san hô nữa đang gặp nguy hiểm khi cát và bùn của đảo nhân tạo có thể giết gần hết các động vật biển ở đó.

San hô ở Biển Đông bị phá vỡ và chết dưới đáy biển. (Ảnh: Getty Images)

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi lại nói rằng: “Việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc được tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về dự án xanh và xây dựng đảo sinh thái… Tác động rất ít lên hệ sinh thái của các rặng san hô”.

Riêng ông MacManus biết câu trả lời: thực ra các rặng san hô đã bị thu hoạch tận diệt, sau đó Trung Quốc mới xây dựng các đảo nhân tạo, nên không thể đổ lỗi cho việc xây dựng đảo. Nhưng việc xây dựng này lại hủy hoại vĩnh viễn sinh thái của các rặng san hô, không thể khôi phục.

Vào năm 2013, sau khi nhận chức Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cập Bình đã đến thăm đảo Hải Nam và thúc giục người dân ở đây đi đến các vùng biển như là cách thể hiện tinh thần dân tộc. Lực lượng dân quân đánh cá địa phương đi đầu trong chiến dịch này. Ông Tập còn muốn các ngư dân yêu nước hành động nhiều hơn, như chở các vật liệu xây dựng để xây đảo nhân tạo. Và ngư dân Trung Quốc đã tuân theo.

Tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép tại quần đảo Trường Sa. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Chính quyền Trung Quốc còn trợ cấp cho ngư dân đi Biển Đông, từ xăng dầu đến gia cố tàu sắt thép, mỗi năm 4.600 USD, coi như “trợ cấp nguy hiểm”, khiến họ càng dễ dàng thực hiện theo. Ngư dân Hải Nam còn được trang bị nút Khẩn cấp trên hệ thống định vị vệ tinh miễn phí để gọi đội bảo vệ biển Trung Quốc đến hỗ trợ nếu gặp các lực lượng hải quân nước ngoài can thiệp. Trong vài năm qua, hàng chục ngàn tàu thuyền Trung quốc được trang bị các hệ thống vệ tinh này, và họ nói: “Giờ đây chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn nhiều”.

Dương Lương biên tập từ Time / ĐKN

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top